Bạch đàn xanh điều trị ho do lao phổi, viêm phế quản

Mặc dù không phải là loài cây bản địa của Việt Nam, nhưng hiện nay, cây bạch đàn đã trở thành một trong những loại cây lâm nghiệp phổ biến nhất và ở nông thôn thì ai cũng biết đến cây bạch đàn.
26/11/2024 17:01

Tuy nhiên, có một thực tế là, cây bạch đàn không thân thiện lắm với hệ sinh thái. Nếu để ý, bạn sẽ thấy ở những chỗ trồng cây bạch đàn thì đất đai chỗ ấy đều khô cằn, nứt nẻ, cỏ cây thưa thớt (hầu như rất ít cây có thể sống tươi tốt dưới gốc và tán lá bạch đàn).

Về điều này thì có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó, nguyên nhân chính là khi lá bạch đàn rụng xuống đất, nó sẽ tạo thành một số chất gây ức chế sự phát triển của các loài cây khác (làm giảm sự đa dạng sinh học).

Như vậy, ngoài nhược điểm vừa kể trên thì cây bạch đàn vẫn là một trong những loại cây dễ sống nhất, mang lại nguồn lợi cao về gỗ và môi trường không khí. Ngoài ra, nó còn cung cấp nguyên liệu cho ngành dược phẩm (chiết xuất tinh dầu).

bachdanxanh

(Ảnh: Caythuoc.org)

Cây bạch đàn xanh và công dụng làm thuốc

Cây bạch đàn là tên gọi chung của nhiều loại khác nhau như: Bạch đàn xanh, bạch đàn đỏ, bạch đàn trắng, bạch đàn liễu… Trong đó, cây bạc đàn xanh (hay còn gọi là khuynh diệp cầu) có tên khoa học là Eucalyptus globulus.

Được biết, trong lá bạch đàn xanh có chứa 1 – 3% tinh dầu, chất nhựa, chất đắng, chất chát (tanin) axit galic, axit cafeic và nhiều hoạt chất khác. Trong y học cổ truyền, nó được biết đến với tác dụng sơ phong giải nhiệt, giảm ngứa, kháng khuẩn, tiêu viêm và thường được dùng điều trị các bệnh như:

- Bệnh cảm cúm, hen suyễn.

- Điều trị viêm phế quản cấp tính và mãn tính.

- Điều trị ho do lao phổi, đau nửa đầu.

- Điều trị bệnh trực khuẩn coli.

- Điều trị sởi, sốt rét và sốt ricketsia.

- Điều trị thấp khớp.

- Điều trị ký sinh trùng đường ruột.

Cách dùng: Hái 3 lá bạch đàn xanh (lá tươi), rửa sạch rồi cho vào một cái ly, đổ nước sôi vào gần đầy ly rồi đậy nắp lại, hãm trong 10 phút, đợi nước nguội thì uống (mỗi ngày uống 3 lần).

Nếu không dùng dạng lá tươi như vừa kể trên thì ta có thể dùng dưới dạng bột lá, vo thành viên, mỗi viên 0,5g, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 2 hoặc 3 viên.

Dùng ngoài da: Lá bạch đàn xanh còn được dùng ngoài da trong trường hợp ghẻ ngứa, mẩn ngứa ngoài da (giã nát lá tươi và thoa lên.

Lưu ý:

- Không được dùng quá liều và nên tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng điều trị bệnh.

- Bạch đàn xanh rất giống nhiều loại bạch đàn khác, vì vậy, bạn cần chú ý phân biệt để đảm bảo dùng đúng loại, bạn nhé (nên nhờ người có chuyên môn để nhận dạng giúp).

Tinh dầu khuynh diệp cầu (bạch đàn xanh)

Tinh dầu bạch đàn xanh (khuynh diệp cầu) có thành phần chính là cineol, ngoài ra còn có một lượng nhỏ piperiton, capronaldehyd…

Đây là loại tinh dầu có thể thấm vào da và có tác dụng sát trùng, diệt khuẩn, phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng về phổi, tạo mùi thơm, làm liền sẹo và giúp đuổi muỗi hiệu quả.

Cách dùng: Pha loãng tinh dầu khuynh diệp cầu với dầu nền (như dầu dừa, dầu oliu, dầu hạt hướng dương…) rồi thoa lên da (chỗ bị loét, nhiễm trùng hoặc mụn trứng cá), chỗ bị đau mỏi, khớp xương bị đau nhức…

Công thức mặt nạ dưỡng da, làm sạch da

Nếu muốn làm mặt nạ dưỡng da, bạn có thể kết hợp 1 giọt tinh dầu khuynh diệp cầu với 2 giọt tinh dầu lavender (oải hương) và 1 muỗng sữa chua (ya ua), sau đó trộn đều và thoa lên mặt. Sau 10 phút, bạn rửa mặt lại bằng nước ấm là được (mỗi tuần thực hiện 1 hoặc 2 lần).

Lưu ý: Tinh dầu khuynh diệp cầu có tính nóng và có tác dụng khá mạnh, vì vậy, bạn không được bôi thoa trực tiếp lên da (mà cần pha loãng với dầu nền hoặc các thành phần khác để làm dịu lại hoạt tính của nó). Ngoài ra, để đảm bảo an toàn, trước khi dùng làm mặt nạ trên toàn mặt thì bạn nên thoa trước một ít xem làn da của bạn có hợp với loại mặt nạ này không.

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer