Bảo tồn và phát triển chuỗi giá trị cây dược liệu tại Việt Nam

Ở Việt Nam, thuốc được sản xuất từ cây dược liệu trong nước chiếm ít nhất 30%. Tuy nhiên, các loại dược liệu rất quý hiếm hiện tại đang bị khai thác cạn kiệt. Do đó, công tác bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu tại Việt Nam đòi hỏi cần được chú trọng, phát triển trong thời gian tới.
04/12/2023 10:27

Thời gian qua việc bảo tồn và phát triển cây dược liệu đã được quan tâm thực hiện góp phần đem lại hiệu quả tích cực trong chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Với hơn 12.000 loài thực vật tại Việt Nam thì có gần 6.000 loài cho công dụng làm thuốc, nhiều loài dược liệu được xếp vào loài quý hiếm trên thế giới. Đó là nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành chế biến thuốc chữa bệnh của Việt Nam. Tuy nhiên, việc khai thác tận diệt, kéo dài cùng với các tác động khác làm cho nguồn dược liệu vốn trước đây phong phú, đến nay bị suy giảm, nhất là đối với các cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, sử dụng phổ biến như: Ba kích, tam thất, đẳng sâm, mật nhân, đinh lăng, đương quy, sâm đá ngày một khan hiếm. Nghiêm trọng hơn là một số cây thuốc vốn được coi là quý hiếm, do bị tìm kiếm không ngừng đang đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt như: Lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa…

Trong khi đó, cây dược liệu nuôi trồng chưa được chú trọng mà phát triển tự phát, manh mún, thiếu sự liên kết, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất chưa được quan tâm. Các địa phương chưa chú trọng đến bảo tồn, phát triển, vấn đề về chất lượng dược liệu và xây dựng, quảng bá thương hiệu còn hạn chế. Vì thế mà Việt Nam chưa thể khai thác hết tiềm năng, lợi thế trong việc phát triển cây dược liệu để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương mà lại đối mặt với sự cạn kiệt các nguồn giống thuốc quý hiếm.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Y tế rất quan tâm đến lĩnh vực y dược cổ truyền, ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, nghị quyết: Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư về phát triển nền đông y và Hội đông y trong tình hình mới; Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới; Quyết định 2166/QĐ-TTg ngày 31/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Đặc biệt là Quyết định số 1893/QD-TTg ngày 25/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển Y dược cổ truyền, kết hợp Y dược cổ truyền với Y dược hiện đại đến năm 2030 và nhiều văn bản khác.

Hiện nay, ở Việt Nam có nhiều loại cây thuốc, tuy nhiên, số cây thuốc trở thành hàng hóa chỉ đếm trên đầu ngón tay. Muốn để cây thuốc trở thành hàng hóa thì phải có đầu tư nghiên cứu, trồng trọt ở quy mô lớn, có quy hoạch vùng trồng. Quá trình trồng phải tuân thủ đúng quy trình để bảo đảm chất lượng. Ngay như những cây thuốc quý hiện nay, nếu không biết giữ, khai thác vô tội vạ sẽ dẫn đến cạn kiệt. Ví dụ, cây vàng đắng được chiết xuất để sản xuất thuốc berberin có tác dụng kháng khuẩn, chữa đau bụng, lỵ rất tốt, nhưng lâu nay, chúng ta khai thác mà không quan tâm đến bảo tồn, nên dẫn đến cạn kiệt. Bây giờ không còn nữa bởi vàng đắng là cây lâu năm phải trồng hàng chục năm mới khai thác được. Hiện nay, doanh nghiệp muốn sử dụng vàng đắng bào chế thuốc phải sang Lào, Campuchia để mua. Đây là điều đáng buồn của chúng ta trong việc ứng xử với cây thuốc hoặc như cây hoàng liên cũng rơi vào tình trạng tương tự!

Đặc biệt một số doanh nghiệp hiện chỉ lo khai thác nguồn dược liệu để kiếm lợi nhuận mà quên việc bảo tồn, phát triển bền vững nguồn cây thuốc quý, tạo ra vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất thuốc. Trong thời gian qua đang có hiện tượng thương lái nước ngoài thu mua rất nhiều cây thuốc quý của Việt Nam như: Cây bảy lá một hoa, cây huyết đằng… Người dân, doanh nghiệp khai thác “kho báu” một cách cạn kiệt mà không giữ, bảo tồn, phát triển cây thuốc một cách phù hợp.

c2

 Bảo tồn và phát triển cây dược liệu

Phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng trồng dược liệu. Đi liền với đó, gắn với công nghiệp chế biến, cơ cấu sản phẩm đa dạng bảo đảm an toàn và chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước và xuất khẩu.

Nhà nước cần hỗ trợ đầu tư về nghiên cứu và ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong việc bảo tồn nguồn gen, khai thác dược liệu tự nhiên, trồng trọt, chế biến dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu.

Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển trồng dược liệu, đẩy mạnh xuất khẩu dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu, góp phần tăng dần tỷ trọng của ngành công nghiệp dược trong tổng sản phẩm nội địa (GDP).

Cần có giải pháp cụ thể về việc bảo tồn và phát triển cây thuốc quý tại mỗi địa phương. Trong đó, tập trung vào việc xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích, phát triển nguồn dược liệu phù hợp với thế mạnh của từng địa phương; đồng thời, đáp ứng phục vụ nhu cầu về thuốc trong phòng bệnh và chữa bệnh cho nhân dân.

Xây dựng các vườn cây thuốc Nam tại tuyến xã; hướng người dân phát triển trồng, sử dụng cây thuốc bản địa…

Ngoài ra, phải chú trọng tất cả các khâu trong nghiên cứu: Từ chứng minh tác dụng trên thực nghiệm, trên lâm sàng, đến đánh giá an toàn, hiệu quả của sản phẩm nghiên cứu để ứng dụng thực tiễn trên lâm sàng; tăng cường tính chủ động của các đơn vị trong hệ thống Y dược cổ truyền trong hoạt động nghiên cứu khoa học, củng cố nâng cao trình độ và năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học để chuyên môn hóa trong hoạt động nghiên cứu khoa học lĩnh vực Y dược cổ truyền.

Chúc Kim Vinh

 

comment Bình luận

largeer