Bắt giữ lô hàng hơn 45.000 chiếc bánh bông lan nghi nhập lậu

Hàng tấn bánh bông lan các loại nghi vấn nhập lậu bị phát hiện và bắt giữ. Người tiêu dùng khi mua bánh trên thị trường cần hết sức thận trọng.
16/09/2020 15:04

Đội QLTT số 4, Đội QLTT số 6 thuộc Cục QLTT Bình Dương phối hợp Đội cảnh sát kinh tế Công an thị xã Tân Uyên phát hiện phương tiện xe tải biển kiểm soát 61C - 442.36 do tài xế Cam Thành Hữu đang dừng đỗ bên đường gần cảng Thạnh Phước thuộc phường Thạnh Phước, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương nghi vấn vận chuyển hàng nhập khẩu là thực phẩm nhưng không có nhãn phụ theo quy định.

 

 

Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành khám phương tiện, kết quả phát hiện khoảng 45.642 chiếc bánh bông lan các loại (2 tấn) do nước ngoài sản xuất nhưng không ghi nhãn phụ, chưa xuất trình hóa đơn chứng từ (bản chính) liên quan chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp của hàng hóa.

Ngoài ra, Đoàn kiểm tra còn phát hiện 390 đôi giày thể thao hiệu Odidas do nước ngoài sản xuất nhưng không ghi nhãn phụ, không xuất trình được hóa đơn chứng từ ngay thời điểm kiểm tra. Đội QLTT số 4 tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa nêu trên để tiếp tục thẩm tra, xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Về các loại bánh kẹo nghi nhập lậu, trả lời báo Tiền Phong, TS Phan Thế Đồng - Bộ môn Công nghệ thực phẩm và Dinh dưỡng Trường đại học Hoa Sen, các sản phẩm này nói chung thường không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe cho người sử dụng. Nhà sản xuất có thể dùng phẩm màu, đường hóa học, chất bảo quản không được phép sử dụng… để có được giá thành rẻ, kéo dài thời gian sử dụng.

Hơn nữa, nếu trên sản phẩm không công khai về thành phần sử dụng, sẽ rất nguy hiểm cho những người có cơ địa dị ứng, nhất là trẻ nhỏ. Chẳng hạn, nếu trong sản phẩm có dùng chất tạo màu là Brilliant blue hay allura red, có thể gây dị ứng, hen suyễn, viêm mũi… Đã có không ít trường hợp trẻ ăn bánh kẹo bị dị ứng, ngộ độc nhưng cha mẹ lại không rõ nguyên nhân từ đâu. Do đó, người tiêu dùng cần cân nhắc khi lựa chọn các loại bánh giá rẻ này.

Trong khi đó, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý ATTP TPHCM khuyến cáo: “Người tiêu dùng nên lựa chọn mua sản phẩm bánh có nguồn gốc rõ ràng, có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản... Đặc biệt, người tiêu dùng nên lựa chọn các nhà sản xuất đáp ứng được các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm và được cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Lưu ý nên mua ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm, có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, công trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất. Tuyệt đối không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu”.

Liên quan đến tình hình buôn lậu, trước đó, Ngày 26/8, Tổng cục quản lý thị trường (QLTT) đã có công văn gửi Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp trước, trong và sau Tết Trung thu 2020.

Theo đó, Cục QLTT các tỉnh, thành phố khu vực biên giới và dọc tuyến vận chuyến từ biên giới vào nội địa có phương án kiểm tra đột xuất; Ngăn chặn và xử lý vi phạm về vận chuyển, kinh doanh các loại nhân bánh làm sẵn; bánh trung thu giá rẻ, bánh nghi ngờ có nguồn gốc từ nước ngoài nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP).

Tổng cục QLTT yêu cầu lực QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường hậu kiểm ATTP đối với bánh trung thu lưu thông trên thị trường. Chú ý kiểm tra các loại bánh trung thu được sản xuất theo phương thức cổ truyền, bánh trung thu tự làm không công bố chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo VietQ

comment Bình luận

largeer