Bất ngờ với lợi ích chữa bệnh từ cây thông Noel

Cây thông thường được biết đến nhiều vào dịp lễ Noel với sự trang trí lộng lẫy, đẹp mắt. Nhưng ít người biết được, loại cây này lại là một trong những vị thuốc tuyệt vời có thể chữa được một số bệnh.
24/12/2020 15:29

Cây thông, thuộc chi thông (danh pháp khoa học: Pinus) là một chi trong trong họ thông (Pinaceae). Nó là chi duy nhất trong phân họ thông (Pinoideae). Có khoảng 115 loài thông trên thế giới, số liệu được các chuyên gia chấp nhận là từ 105 đến 125 loài. Cây thông có thể được dùng làm cây cảnh bonsai và làm để trang trí trong dịp Giáng Sinh.

Hiện nay, nhiều người chỉ biết đến thông như một loại cây trang trí, hoặc lấy gỗ nhưng, những thú vị bất ngờ đối với sức khỏe từ loại cây này lại ít được biết đến. Theo đó,các bộ phận từ lá thông, quả thông, nhựa thông..còn được coi như là vị thuốc chữa bệnh.

Một công trình khoa học ở Nhật Bản cũng cho thấy, cao quả bạch thông giúp ức chế sự phát triển của HIV trong các tế bào bạch huyết. Qua nghiên cứu loài thông đỏ, các nhà khoa học trên thế giới đã chế tạo được một loại thuốc có tên là Paclitaxel, dùng trong điều trị ung thư buồng trứng di căn và ung thư vú di căn.

cay thong

Hình minh họa.

Tác dụng chữa bệnh cụ thể của các bộ phận trên cây thông:

Tinh dầu thông: Dùng làm thuốc bôi chữa các bệnh ngoài da như ghẻ. Có thể phối hợp tinh dầu thông với cồn long não để xoa bóp trị đau nhức.

Nhựa thông (tùng hương) Có tác dụng chữa mụn nhọt, ghẻ lở, mủ rò. Dùng nhựa thông đắp lên vết thương, vết thương sẽ cho chóng lành. Tùng hương cũng được phối hợp với các vị thuốc khác (hoàng liên, hoàng cầm, khổ sâm, đại hoàng, hạt xà sàng, khô phàn) để nấu cao dán nhọt. 

Nhựa thông đã tinh chế lấy chất terpin được dùng làm thuốc ho và làm thuốc diệt khuẩn đường tiết niệu. Dùng riêng, bôi nhựa thông một lớp thật mỏng để chữa ghẻ lở. Nhựa thông phối hợp với một số vị thuốc khác trong những trường hợp sau:

Chữa đau nhức khớp sưng tấy: Nhựa thông 40g, nhựa cây sau sau 40g, sáp ong 10g, đun nhỏ lửa khoảng 10 phút. Để nguội, phết lên giấy, dán lên chỗ sưng đau.

Chữa nhọt mủ: Nhựa thông vừa đủ với bồ hóng bếp, gai bồ kết, quả bồ hòn (đốt thành than) lượng bằng nhau, đánh nhuyễn thành dẻo quánh mềm, phết vào giấy làm cao để đắp lên nhọt mưng mủ.

Chữa nôn ra máu: Tùng hương đốt hứng lấy muội khói 10g hòa với 20g da trâu đã đun chảy để uống.

Chữa hen suyễn: Tùng hương, tỏi đều 200g; dầu vừng, riềng đều 100g, long não 4g. Nấu thành cao dán lên huyệt.

Tùng tiết (đốt mắt ở cành thông): Chữa đau nhức răng, có thể ngâm tùng tiết với rượu (tỷ lệ 50%) rồi chấm rượu thuốc vào nơi bị đau (hoặc pha loãng với nước để ngậm). Tùng tiết còn được dùng để chữa tê thấp, nhức mỏi, khớp sưng đau (mỗi ngày lấy 12-20 g phối hợp với các vị thuốc khác, sắc hoặc ngâm rượu uống).

Tùng mao (lá thông): Có tác dụng chữa lở loét nếu kết hợp với một số loại lá khác (long não, khế, thanh hao) để nấu nước tắm. Nếu bị đau cơ, nhức mỏi gân xương, ứ máu bầm tím, có thể lấy lá thông tươi băm nhỏ, ngâm với nước, dùng nước thuốc xoa bóp chỗ đau.

Tùng hoàng (phấn hoa thông): Phấn thông là thứ bột mịn, có màu vàng nhạt vương trên hoa thông. Phấn thông dễ bay, vị béo, không mùi, tính ấm, không chìm trong nước.

Có tác dụng chữa đau đầu, choáng váng, chóng mặt (ngày dùng 4-8 g sắc uống) hoặc trị mụn nhọt lở loét, chảy nước vàng (lấy bột tùng hoàng rắc vào vết thương).

Quả thông: Có tác dụng chữa ho (quả thông 10 g, lá hẹ và lá kinh giới mỗi thứ 12 g sắc uống ngày 2 lần).

Vỏ thông: Được dùng để chữa vết thương lở loét (lấy vỏ thông và vỏ cây sung lượng bằng nhau, đốt thành than, tán nhỏ, rây lấy bột mịn, rắc vào chỗ tổn thương).

Bạch Dương (tổng hợp)

 

comment Bình luận

largeer