Bé 9 tháng tuổi nguy kịch sau khi bị muỗi đốt

Sau 3 ngày sốt cao liên tục, bệnh nhi được chuyển đến cấp cứu trong tình trạng sốc sâu do sốt xuất huyết. Các bác sĩ đang điều trị tích cực nhưng tiên lượng của trẻ rất nặng.
10/04/2021 06:38

Trường hợp thương tâm trên là bệnh nhi N.T.K. (9 tháng tuổi, ngụ tại tỉnh Tây Ninh) được gia đình chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu. Qua khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình ghi nhận, trước nhập viện 2 ngày bệnh nhi có biểu hiện sốt cao liên tục, không thuyên giảm. Khi bé rơi vào tình trạng lơ mơ, mệt nhiều gia đình vội chuyển đến bệnh viện.

Qua các kết quả thăm khám, xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết diễn tiến rất nặng với biểu hiện sốc sâu, mạch huyết áp không đo được, rối loạn đông máu. Sau khi hội chẩn nhanh, các bác sĩ đã quyết định cho bé thở máy, truyền máu và các chế phẩm máu, điều trị tích cực theo phác đồ.

sot xuat huyet

Theo BS Phạm Thái Sơn, Phó khoa Nhiễm, đây là trường hợp bệnh rất nặng, trẻ đã ở ngày thứ 4 của sốt xuất huyết. Chúng tôi đang nỗ lực điều trị với hy vọng bệnh nhi sẽ qua được nguy kịch nhưng thời điểm hiện tại vẫn chưa thể nói trước được điều gì, việc điều trị đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Hiện không phải là đợt cao điểm của dịch sốt xuất huyết, số ca bệnh chỉ xuất hiện lẻ tẻ. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 chỉ có 5 trường hợp mắc sốt xuất huyết đang điều trị. Tuy nhiên, do không phải cao điểm của dịch bệnh nên cộng đồng thường có tâm lý chủ quan dẫn tới chậm phát hiện các biểu hiện của bệnh khiến tình trạng diễn tiến nặng, nguy hiểm tính mạng.

Từ trường hợp trên, bác sĩ lưu ý, sốt xuất huyết là bệnh lưu hành quanh năm, mặc dù bệnh bùng phát vào mùa mưa nhưng các tháng nóng vẫn có những ca bệnh từ nhẹ đến nặng, nếu người dân lơ là, nhập viện trễ sẽ nguy hiểm tính mạng. Để phát hiện, điều trị kịp thời sốt xuất huyết, bác sĩ khuyến cáo những trường hợp bị sốt từ 2 ngày trở lên cần phải đến cơ sở y tế để được xét nghiệm kiểm tra nguy cơ mắc sốt xuất huyết.

Các dấu hiệu nhận biết của sốt xuất huyết gồm: sốt cao liên tục khó hạ, nhức mỏi cơ thể, nổi các chấm xuất huyết trên da hoặc các dấu hiệu nôn ói, đau bụng, chảy máu răng, chảy máu mũi, ói ra máu, đi cầu phân đen hoặc dấu hiệu nặng vào sốc như tay chân lạnh, đổ mồ hôi… Ở người lớn khi sốt xuất huyết các dấu hiệu có thể dễ nhận biết, tuy nhiên nhóm trẻ em khi bị sốt xuất huyết thường có biểu hiện sốc giảm thể tích, thất thoát huyết tương, cô đặc máu, phải truyền dịch nhiều để bổ sung nhưng sẽ kéo theo nguy cơ suy hô hấp, tổn thương đa cơ quan, khó khăn cho điều trị.

Loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sản và phát triển ở môi trường nước sạch. Trong bối cảnh, sốt xuất huyết còn lưu hành trên diện rộng, số ca bệnh rải rác quanh năm đe dọa sức khỏe cộng đồng, giải pháp hiệu quả nhất là việc chủ động phòng bệnh. Ngành y tế kêu gọi người dân tập trung triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, che kín hoặc lật úp các vật dụng có thể chứa nước, thực hiện các giải pháp diệt muỗi bằng hóa chất, ngủ mùng thường xuyên để tránh nguy cơ bị muỗi đốt, đồng thuận và hỗ trợ cho chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi triển khai tại địa phương.

Theo Dân trí

comment Bình luận

largeer