Bé sơ sinh đổ mồ hôi đầu có nguy hiểm không?

Với nhiều mẹ, đặc biệt là những bà mẹ nuôi con lần đầu, hiện tượng trẻ sơ sinh đổ mồ hôi nhiều cũng khiến mẹ lo lắng. Tuy nhiên, mẹ hãy yên tâm khi đây là những dấu hiệu bình thường của trẻ.
01/10/2020 16:53

Bạn đọc Trịnh Thị Linh (Hà Nội) gửi câu hỏi: "Em bé nhà tôi mới được 3 tháng tuổi. Mặc dù thời tiết mát nhưng bé vẫn đổ mồ hôi đầu. Việc đổ mồ hôi như vậy có phải do bệnh lý gì không và có nguy hiểm hay không?"

Theo tìm hiểu, hầu hết các bé sơ sinh đang bú sữa mẹ đều xuất hiện tình trạng đổ mồ hôi trộm. Đây là hiện tượng rất bình thường ở trẻ nhỏ do hệ thần kinh thực vật của bé chưa phát triển, vẫn đang hoàn thiện và nhiệt độ cơ thể bé vẫn đang trong quá trình thích ứng với điều kiện môi trường sau lọt lòng mẹ.

Mồ hôi trộm ở trẻ nhỏ là tình trạng trẻ bị ra rất nhiều mồ hôi trong trạng thái hoàn toàn tĩnh. Do tình trạng đổ mồ nhiều thường xuất hiện vào ban đêm nên dân gian thường gọi là “đổ mồ hôi trộm”.

mo hoi trom

Hình minh họa.

Thành phần mồ hôi được thải ra hơn 90% là nước, còn lại là một ít muối và các chất cặn bã mà cơ thể cần tống ra ngoài.

Theo nghiên cứu y khoa, trẻ hay ra mồ hôi trộm do các nguyên nhân như thiếu vitamin D, đặc biệt ở các trẻ sinh non từ 36 đến 38 tuần tuổi hoặc trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Thiếu vitamin D ảnh hưởng đến quá trình phát triển, bé thường bị còi xương, suy dinh dưỡng, giấc ngủ ngắn, giật mình, đổ mồ hôi nhiều đặc biệt vào ban đêm.

Bên cạnh nguyên nhân nội tại từ chính cơ thể của bé thì việc chăm sóc, nuôi dưỡng bé sơ sinh cũng gián tiếp gây nên bệnh đổ mồ hôi trộm. Việc quấn khăn, đắp chăn nhiều, chặn gối xung quanh cho bé sơ sinh vào ban đêm do sợ nhiễm lạnh cũng vô tình khiến nhiệt độ cơ thể của bé tăng cao, đổ mồ hôi nhiều. Nếu tình trạng này diễn ra lâu ngày sẽ khiến hệ thần kinh của bé hình thành phản xạ đổ mồ hôi cơ thể.

Ngoài ra, trẻ sơ sinh bị ra mồ hôi trộm có thể do quấy khóc nhiều khiến năng lượng bị đốt cháy, khi ngủ có thể bị đổ mồ hôi. Cơ thể bé mắc các bệnh sốt, cảm lạnh… cũng có thể gây nên tình trạng đổ mồ hôi trộm.

Bé thường xuyên đổ mồ hôi có thể khiến da ửng hồng, tay chân nóng khiến cơ thể nóng rát khó chịu, ảnh hưởng đến giấc ngủ. Trong khi đó, giấc ngủ có ý nghĩa quan trọng trong quá trình sinh trưởng, phát triển của trẻ sơ sinh.

Ban đêm, bé đổ mồ hôi trộm có thể làm ướt áo, ướt mũ thóp… Nếu ba mẹ không lau người cho bé để mồ hôi lạnh ngấm vào cơ thể sẽ rất nguy hiểm. Đây là nguyên nhân gây nên các bệnh do nhiễm lạnh như cảm sốt, viêm phế quản, viêm phổi… ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Mồ hôi trộm được chia ra làm 2 loại:  Mồ hôi trộm sinh lý và mồ hôi trộm bệnh lý. Mồ hôi trộm sinh lý thường không gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. 

Mồ hôi trộm bệnh lý: Thường xuất hiện ở những trẻ mắc bệnh còi xương, lao sơ nhiễm, với các biểu hiện là đầu trẻ ra nhiều mồ hôi, nhất là khi bú mẹ hoặc sau khi ngủ, đổ mồ hôi nhiều nhưng không liên quan đến thời tiết.

Cùng với tình trạng ra nhiều mồ hôi thì cơ thể bé còn có các những biểu hiện khác như thóp chậm liền, đầu xương to, ngực nhô mình gà, chân vòng kiềng hoặc ho kéo dài, ăn uống kém...

Đổ mồ hôi trộm ở trẻ sơ sinh là hiện tượng rất phổ biến, tuy nhiên nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên và liên tục trong thời gian dài sẽ gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và giấc ngủ của trẻ.

Dương Nhung (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer