Bệnh lý sẹo hẹp khí quản là gì?

Sẹo hẹp khí quản là khái niệm dành cho các trường hợp bị tổn thương ở cấu trúc thành khí quản trước đó, trong quá trình liền sẹo đã làm thành khí quản dầy lên, co rút và dính gây hẹp khẩu kính lòng khí quản.
28/10/2022 15:42

Bệnh lý sẹo hẹp khí quản là gì?

Khí quản là một ống dẫn khí thuộc hệ hô hấp, nằm ở vùng cổ trước, đi xuống tiếp nối với hai phế quản gốc của phổi tại ngã ba khí – phế quản. Nó có nhiệm vụ dẫn không khí vào – ra khỏi phổi khi hít thở. Bất cứ nguyên nhân nào làm hẹp lòng khí quản sẽ gây cản trở thông khí, ảnh hưởng đến chức năng của bộ máy hô hấp.

20191023_123440_448104_ho.max-1800x1800

(Ảnh minh họa)

Sẹo hẹp khí quản là khái niệm dành cho các trường hợp bị tổn thương ở cấu trúc thành khí quản trước đó, trong quá trình liền sẹo đã làm thành khí quản dầy lên, co rút và dính gây hẹp khẩu kính lòng khí quản. Khi khẩu kính bị hẹp trên 50% thường sẽ biểu hiện lâm sàng rõ và nặng, cần can thiệp điều trị. Sẹo hẹp khí quản nặng có thể biến chứng dẫn đến tử vong hoặc gây tàn phế, mất sức lao động cũng như ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân tổn thương gây sẹo hẹp khí quản, đặt ra nhiều phức tạp trong vấn đề điều trị. Trong những năm đầu của thế kỷ XX, thế giới ghi nhận nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm trùng (giang mai, lao, bạch hầu…). Từ những năm 60 của thế kỷ trước, việc sử dụng ống nội khí quản có bơm bóng trong cấp cứu hồi sức đã làm gia tăng đáng kể tỷ lệ mắc bệnh (1% bệnh nhân có đặt nội khí quản). Ngày nay, do sự gia tăng các bệnh lý nặng trong nội khoa, đa chấn thương do tai nạn trong ngoại khoa, đồng thời nhờ các tiến bộ trong cấp cứu – hồi sức (thở máy, mở khí quản …), nên tỷ lệ bệnh nhân nặng nằm hồi sức dài ngày và sống sót sau điều trị tăng lên, kèm theo đó là số lượng người bệnh bị sẹo hẹp khí quản ngày một nhiều hơn.

Triệu chứng lâm sàng

Triệu chứng lâm sàng của SHKQ rất dễ phát hiện, biểu hiện rầm rộ bằng triệu chứng khó thở do chít hẹp đương hô hấp hoặc thở khò khè do ứ đọng đờm rãi. Trên thực tế, những bệnh nhân nhập viện vì khó thở có tiền sử can thiệp đường thở như mở khí quản, đặt ống NKQ, bước đầu nghĩ tới SHKQ. Nghiên cứu tại BV Việt Đức năm 2019 cho thấy 26,2% bệnh nhân đến viện vì nguyên nhân khó rút ống thở. Nhóm bệnh nhân này hoàn toàn phụ thuộc ống thở khi nhập viện. Có 35/84 bệnh nhân vào viện vì khó thở khi gắng sức và 9/84 khó thở liên tục. Có 25% bệnh nhân đi khám vì thở rít/khò khè và 2,4% vì ho nhiều không khạc được đờm.

Chẩn đoán

Chẩn đoán sẹo hẹp khí quản có thể dựa trên chụp Xquang cổ – ngực 2 tư thế thẳng – nghiêng nhưng chất lượng hình ảnh không cao, nhiều hạn chế. Phim cổ nghiêng là hình ảnh điện quang cho phép thấy được hình ảnh hẹp khí quản đoạn cao. Phim chụp ngực thẳng lấy hết cổ cũng có thể cho hình ảnh hẹp của khí quản đoạn trong ngực và những biến chứng của hẹp tắc phía trên gây ra cho đường hô hấp dưới.

Nội soi khí phế quản là phương tiện chẩn đoán có độ chính xác cao, đánh giá được khí quản có tổn thương sẹo hẹp hay không. Tình trạng của sẹo hẹp được đánh giá 1 cách trực tiếp như sẹo mới (mềm) hay cũ (cứng). Trong một số trường hợp, nội soi có thể phối hợp điều trị luôn sẹo hẹp như đặt bóng nong hoặc đặt stent.

Giá trị chụp cắt lớp vi tính trong chẩn đoán bệnh lý khí phế quản ngày càng cao nhờ các tiến bộ trong kỹ thuật tạo ảnh cũng như độ phân giải cao ở các máy thế hệ mới. Ngày nay, chụp cắt lớp vi tính có độ phân giải cao không dừng lại ở mức độ chẩn đoán mà còn được sử dụng để hỗ trợ cho kế hoạch điều trị sẹo hẹp khí quản.

Điều trị

Do bệnh ảnh hưởng nhiều đến chức năng sống của bệnh nhân và nguy cơ rủi ro cao, nên cần được chẩn đoán và điều trị sớm. Có nhiều phương pháp điều trị bệnh lý này, hay được lựa chọn là cắt đoạn hẹp – nối trực tiếp hoặc/và đặt stent khí quản. Kỹ thuật ít dùng hơn là đốt sẹo hẹp bằng Laser, nong hẹp bằng bóng qua nội soi. Lựa chọn phương pháp điều trị chủ yếu dựa vào vị trí hẹp, độ dài đoạn hẹp, mức độ và nguyên nhân gây hẹp khí quản. Những sai lầm trong chỉ định điều trị có thể dẫn đến những thất bại đáng tiếc.

                                BSCKII. Phạm Hải Bằng

           Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

comment Bình luận

largeer