Bệnh vảy nến có điều trị dứt điểm được không?

Vảy nến là một loại bệnh lý khá phổ biến, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân về mặt sức khỏe, tâm lý và thẩm mỹ. Mặc dù trên thị trường có nhiều phương pháp khống chế nhưng để có thể điều trị dứt điểm căn bệnh này thì vẫn là một “bài toán” khó giải.
25/07/2023 12:08

Bệnh vảy nến là gì? Nguyên nhân mắc bệnh do đâu?

Theo thông tin từ Ths. BS Phạm Thị Uyển Nhi – Bệnh viện Da Liễu TPHCM, vảy nến là bệnh da viêm mạn tính, hay tái phát, chiếm tỷ lệ khoảng 2 - 3% dân số, xảy ra khi cơ thể tăng tốc độ sản xuất các tế bào da mới chỉ trong vài ngày so với vài tuần như thông thường, từ đó hình thành những mảng da màu đỏ tươi, dày, giới hạn rõ so với vùng da lành kèm tróc vảy dày, khô, hình phiến trắng bạc. Đa số trường hợp, bệnh vảy nến có xu hướng “đồng hành” lâu dài cùng người bệnh.

Vảy nến là bệnh da viêm mạn tính

Vảy nến là bệnh da viêm mạn tính

Trong đó, vảy nến mảng là thể bệnh thường gặp nhất, chiếm 80 - 90% các trường hợp vảy nến. Mảng thương tổn vảy nến có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Tuy nhiên, thông thường sẽ gặp ở một số vị trị phổ biến như đầu gối, cùi chỏ, vùng lưng dưới, da đầu. Vảy nến có kích thước thương tổn khác nhau, đôi khi chỉ là những giọt vài milimet đến những mảng lớn hợp lại to vài chục centimet. Trên các thương tổn thường có triệu chứng ngứa, nếu không điều trị, triệu chứng này có thể nặng hơn. Đôi khi người bệnh còn cảm thấy châm chích, bỏng rát, đau và căng da… Ngoài ra, còn có các thể khác như vảy nến mủ, vảy nến khớp…

Đến nay vẫn chưa biết được chính xác nguyên nhân gây ra bệnh vảy nến. Tuy nhiên, sau hàng thập kỷ nghiên cứu, khoa học đã khẳng định rằng, nguyên nhân chính của bệnh vảy nến là sự tương tác giữa 3 yếu tố: môi trường - di truyền - miễn dịch. Một số yếu tố đóng vai trò khởi phát hoặc làm tình trạng vảy nến nặng hơn như: stress, tổn thương da, nhiễm trùng, một số loại thuốc, hút thuốc lá, uống rượu bia...

Phương pháp phòng ngừa và điều trị

Theo Ths. BS Phạm Thị Uyển Nhi, rất khó để dự đoán được khi nào bệnh vảy nến xuất hiện hay tái phát, có những khoảng thời gian lui bệnh, da gần như không có thương tổn nhưng cũng có những khoảng thời gian bệnh bùng phát nặng hơn.

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh vảy nến bao gồm: thuốc thoa, quang trị liệu, thuốc uống toàn thân cổ điển, thuốc sinh học và cả các liệu pháp không dùng thuốc. Việc sử dụng thuốc thoa trong điều trị bệnh vảy nến nhằm mục đích giảm vảy và giảm tình trạng viêm dưới da giúp cải thiện triệu chứng lâm sàng.

Ths. BS Phạm Thị Uyển Nhi tư vấn, khám bệnh cho bệnh nhân

Ths. BS Phạm Thị Uyển Nhi tư vấn, khám bệnh cho bệnh nhân

Một số loại thuốc thoa mà bệnh nhân có thể lựa chọn điều trị như: dưỡng ẩm, steroid thoa, dẫn xuất vitamin D, ức chế calcineurin… và các thuốc uống toàn thân cổ điển như: methotrexate, acitretin, ciclosporin… giúp kiểm soát bệnh vảy nến ở mức độ trung bình nặng.

Bên cạnh đó, một số phương pháp điều trị hiện đại khác như liệu pháp ánh sáng, đây là phương pháp dùng ánh sáng ở một bước sóng nhất định có tác dụng trong việc cải thiện thương tổn vảy nến. Đáng chú ý là sự xuất hiện của phương pháp điều trị mới bằng thuốc sinh học đã cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh vảy nến. Thuốc sinh học hoạt động bằng cách nhắm vào một phần của hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức giúp kiểm soát tốt bệnh vảy nến.

“Mặc dù vẫn chưa có phương pháp nào điều trị dứt điểm bệnh vảy nến, song nếu được điều trị đúng cách bệnh vẫn có thể được kiểm soát, cải thiện và sạch thương tổn”, Ths. BS Phạm Thị Uyển Nhi cho biết.

Cũng theo Ths. BS Phạm Thị Uyển Nhi, để kiểm soát toàn diện bệnh vảy nến, bệnh nhân cần thăm khám và tuân thủ điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa da liễu và được theo dõi lâu dài. Ngoài ra, bệnh nhân nên tìm hiểu về bệnh, bởi nó giúp hỗ trợ cho việc chăm sóc, điều trị và hạn chế tái phát bệnh. Khi vảy nến được kiểm soát tốt sẽ giúp cải thiện thương tổn da, thậm chí sạch thương tổn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh cũng như ngăn ngừa tình trạng vảy nến bùng phát hoặc nặng hơn.

“Để phòng ngừa bệnh vảy nến bùng phát hoặc nặng hơn, bệnh nhân nên duy trì cân nặng ở mức độ trung bình, có lối sống chăm sóc sinh hoạt khỏe mạnh, hạn chế nhiễm trùng, chấn thương cơ học, căng thẳng, thức khuya, không sử dụng rượu bia, thuốc lá…”, Ths. BS Phạm Thị Uyển Nhi khuyến cáo.

Cao Ánh – Ngọc Nguyễn

comment Bình luận

largeer