Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp dùng lá cây rừng để chữa bệnh

Dù cơ quan y tế đã khuyến cáo việc sử dụng các loại rễ, củ, lá cây để chữa bệnh cần phải có chẩn đoán và hướng dẫn cụ thể, nhưng không ít người vẫn nghe lời mách bảo, truyền miệng tự tìm đến các bài thuốc từ cây cỏ để trị bệnh. Việc sử dụng tràn lan các loại thuốc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hại cho sức khỏe.
21/09/2023 10:55

Ông Đ.V.M., 61 tuổi, xóm Đông Sy - Nà Giào - Tự Bản, xã Ngọc Côn (Trùng Khánh) vào Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ ngày 10/9 điều trị viêm da tiếp xúc. Trước đó, bệnh nhân đi làm ruộng bị cỏ cứa vào 2 mu bàn chân, sau đó xuất hiện ngứa rát da, nghe mọi người mách bảo nên ở nhà tự lấy vỏ và lá cây nhãn đun bôi vào các vết ngứa khoảng 1 tuần. Mới đầu bôi xong thấy dễ chịu và đỡ ngứa, nhưng sau đó khu vực ngứa bị sưng to, đau rát hơn nên tiếp tục ra hiệu thuốc mua thuốc về uống nhưng tình trạng không khả quan, bị sưng nề 2 mu bàn chân và cẳng chân, dày da, nứt nẻ, chảy dịch nhiều, đi lại khó khăn nên mới đến bệnh viện khám. Sau 5 ngày điều trị, hiện các vết tổn thương đã khô và tiến triển tốt hơn.

109323_bac_si_khoa_truyen_nhiem_benh_vien_da_khoa_tinh_tham_kham_cho_benh_nhan_dieu_tri_viem_da_do_su_dung_la_cay_de_chua_benh_19344320

Bác sĩ Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng thăm khám cho bệnh nhân điều trị viêm da do sử dụng lá cây để chữa bệnh

Trước đó, ngày 22/5, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận điều trị cho cháu bé Tr.B.L., ở Thôm Phiêng, thị trấn Tĩnh Túc (Nguyên Bình), mới chỉ 26 ngày tuổi bị tổn thương da vùng mặt, đỏ da, lở loét, rỉ dịch, chảy dịch 2 tai, nhiều rỉ mắt. Bác sĩ chẩn đoán cháu bé bị viêm da tiếp xúc.

Bệnh nhân Tr.Th.Q., 21 tuổi, xã Trọng Con (Thạch An) có tiền sử polyp đại tràng, tự mua thuốc nam về uống được 3 tuần thì thấy bị sốt, mệt mỏi, ăn kém nên vào bệnh viện điều trị. Qua thăm khám và xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm gan cấp, xét nghiệm máu có men gan tăng gấp nhiều lần so với bình thường, nghi ngờ ngộ độc gan do lạm dụng thuốc nam kéo dài, không có chẩn trị của thầy thuốc.

Bác sĩ Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm khám cho bệnh nhân điều trị viêm da do sử dụng lá cây để chữa bệnh.

Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân trở nặng do chữa bệnh bằng các bài thuốc dân gian hoặc nghe truyền miệng, nhất là sử dụng lá cây rừng theo kinh nghiệm và chưa được kiểm chứng, không đảm bảo vệ sinh khi đắp vào các vị trí bị tổn thương, như: chân, tay, ngón tay, ngón chân… dẫn đến các vết thương bị hoại tử, có trường hợp bị nhiễm trùng, áp xe. Người bệnh đi khám bốc thuốc nam lạm dụng đun uống kéo dài dẫn đến tình trạng nhiễm độc gan gây mệt mỏi, vàng mắt, vàng da…

Bác sĩ Dương Thị Liễu, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng cho biết: Về nguyên tắc, bất kể tân dược hay đông dược đã là thuốc đều có thể xảy ra những tác dụng không mong muốn, thậm chí gây ngộ độc với hậu quả nghiêm trọng. Khuyến cáo người bệnh và người nhà người bệnh không nên chủ quan trước những vết thương nhỏ, đặc biệt là đối với các chấn thương, tổn thương hở tuyệt đối không nên tự ý mua và sử dụng bất cứ loại thuốc gì khi chưa có chỉ định của bác sĩ, người có chuyên môn.

Thực tế lâu nay, một số bà con, nhất là người dân sống ở vùng sâu, vùng xa có thói quen sử dụng lá rừng để chữa bệnh, điều trị vết thương. Nhiều người vẫn giữ quan niệm thuốc nam, thuốc Đông y có nguồn gốc cây cỏ tự nhiên, không ảnh hưởng tới sức khỏe, nếu không chữa được bệnh cũng không hại gì. Nhưng không phải vậy, hiện có rất nhiều loại cây có thể chữa bệnh nhưng cũng độc hại với sức khỏe con người nếu không sử dụng đúng bài thuốc, một số ít loại lá cây còn có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, bụi bặm, vi trùng khiến các tổn thương nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Theo bác sĩ Đàm Ngọc Vinh, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Cao Bằng, thuốc từ thảo dược là nguồn tài nguyên quý báu mà thiên nhiên ban tặng, có thể áp dụng để điều trị nhiều bệnh khác nhau. Tuy nhiên, việc tự ý sử dụng các loại lá thuốc, cây thuốc theo kinh nghiệm dân gian truyền miệng hoặc những bài thuốc do người bốc thuốc không có chuyên môn, chẩn đoán không đúng bệnh sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm bệnh nghiêm trọng hơn, xuất hiện các biến chứng tổn thương đến sức khỏe người dùng như gây bội nhiễm, hoại tử vết thương, suy đa tạng, thậm chí nhiễm trùng máu nguy hiểm đến tính mạng. Khi nhận thấy cơ thể có các triệu chứng bệnh hoặc bị tổn thương ngoài da, người dân cần đến các cơ sở y tế được cấp phép để khám tổng thể, đánh giá toàn diện, có thể kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại để được chẩn đoán chính xác, tư vấn cụ thể và lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất.

Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng

comment Bình luận

largeer