Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận nhiều trường hợp đến khám với triệu chứng của bệnh viêm kết mạc cấp

Hơn 1 tháng trở lại đây, Phòng khám Mắt của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh mỗi ngày tiếp nhận 20 – 25 ca đến khám với triệu chứng của bệnh viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ), cao điểm có những ngày gần 40 bệnh nhân đến khám, trong đó không ít trường hợp ở thể nặng, biến chứng sẹo giác mạc, gây suy giảm thị lực người bệnh.
05/09/2023 14:59

Theo BSCKI Ngô Trung Thanh, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, khoảng 1 tháng trở lại đây, số bệnh nhân đến khám vì bệnh đau mắt đỏ có xu hướng gia tăng. Mỗi ngày, phòng khám Mắt tại khoa Khám bệnh của bệnh viện tiếp nhận từ 15 – 20 ca viêm kết mạc cấp. Đỉnh điểm có những ngày phòng khám tiếp nhận khoảng 80 bệnh nhân đến khám bệnh lý về mắt thì có tới 30 - 40% ca bị đau mắt đỏ với những triệu chứng điển hình, như: mắt sưng đỏ, cộm, đau nhức chảy nước mắt, ra nhiều gỉ hay dịch tiết dính... 

Như trường hợp bệnh nhân H.T.X (60 tuổi), ở phường Yết Kiêu, TP Hạ Long đi khám do mắt cộm, đau nhức, xung huyết kết mạc, nhiều dịch gỉ. Bà X. chia sẻ: “Ở nhà có đứa cháu bị đau mắt. Tôi chủ quan cứ nghĩ người lớn không bị lây, sinh hoạt cũng không phòng tránh gì nên giờ mắt bị đau luôn. Tuần trước thì cháu, tuần này đến bà phải đi khám để bác sĩ cho thuốc về tra, chứ bệnh này khiến mắt đau nhức, nhiều gỉ vàng rất khó chịu”.

Empty

Mắt cộm đỏ, đau nhức, gỉ ghèn nhiều nên bà X. đến viện thăm khám

Bệnh viêm kết mạc cấp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa hè thu, dễ lây lan trong cộng đồng và bùng phát thành dịch. Một số trường hợp viêm kết mạc cấp có thể kèm triệu chứng sốt, nổi hạch, viêm đường hô hấp trên, chủ yếu ở trẻ nhỏ. Điều đáng nói là năm nay, số ca đau mắt đỏ thể nặng có tỷ lệ cao hơn so với mọi năm.

“Số ca đau mắt đỏ tăng đột biến khoảng 1 tháng trở lại đây chủ yếu là ở trẻ em trong độ tuổi mầm non (dưới 5 tuổi). Có gia đình cả nhà 4, 5 người đều mắc do trẻ tiếp xúc với bạn bè bị đau mắt đỏ ở trường rồi sau đó lây cho người thân trong gia đình. Thông thường, viêm kết mạc cấp sẽ khỏi sau 5 – 7 ngày điều trị, tuy nhiên năm nay nhiều trường hợp bị nặng hơn ở thể viêm kết giác mạc phải điều trị từ 10 – 20 ngày. Trong đó có những bệnh nhân tự mua thuốc điều trị gây biến chứng loét giác mạc, tăng nhãn áp, thậm chí có trường hợp biến chứng không điều trị kịp thời gây sẹo giác mạc, ảnh hưởng tới thị lực”, bác sĩ Thanh cho hay.

Như trường hợp cháu cháu N.A.D (3 tuổi) ở phường Cao Thắng, TP Hạ Long. Mắt phải bị viêm kết mạc ngày thứ 10, cháu D. được bố đưa đi khám lại vì mắt vẫn đỏ cộm, nhiều gỉ dính, khó mở mắt. Bác sĩ chẩn đoán mắt phải bệnh nhi bị viêm giác mạc cần được điều trị tích cực. Phụ huynh cháu D. chia sẻ: “Cháu đi mẫu giáo bị lây đau mắt đỏ từ các bạn ở lớp. Ban đầu tôi tưởng bệnh này đơn giản nhưng cháu bị 10 ngày nay vẫn không đỡ, tiếp tục đỏ cộm, đau nhức, gỉ vàng nhiều khiến mi mắt dính chặt khó mở, cháu khó chịu nên hay dụi mắt, quấy khóc. Nay đưa cháu đi khám lại, bác sĩ nói cháu bị biến chứng viêm cả giác mạc, gia đình rất lo lắng. Bệnh này thật không thể chủ quan”.

Empty

Viêm kết mạc cấp 10 ngày không khỏi, cháu D. được gia đình cho đi khám lại

Một trường hợp khác bị biến chứng suy giảm thị lực sau khi bị đau mắt đỏ là chị N.N.P (37 tuổi) ở phường Hồng Hải, Tp Hạ Long. Chị P. cho biết bị lây đau mắt đỏ từ con, sau khoảng 10 ngày thì đỡ bệnh, tuy nhiên sau đó mắt chị lại bị suy giảm thị lực, nhìn mờ như có màng, nhạy cảm ánh sáng, làm việc rất khó khăn nên phải đi khám lại. Bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm giác mạc 2 mắt và cấp đơn về điều trị tại nhà.

Viêm kết mạc cấp hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ, là tình trạng viêm lớp màng trong suốt ở bề mặt nhãn cầu (lòng trắng) và kết mạc mi. Nguyên nhân chủ yếu do Adenovirus gây ra. Bệnh dễ lây bệnh qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mắt của người bệnh, qua các vật trung gian khi sử dụng chung đồ cá nhân với người bệnh. Giống như các bệnh hô hấp do virus gây ra, viêm kết mạc cấp sẽ khỏi sau 5 – 7 ngày. Tuy nhiên, bệnh lý cấp tính này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm gây sẹo giác mạc, suy giảm thị lực.

Điều trị bệnh viêm kết mạc cấp tính khá đơn giản, chủ yếu điều trị triệu chứng và phòng tránh bội nhiễm bằng các thuốc giảm nhẹ triệu chứng, kháng viêm, kháng sinh nhỏ tại chỗ, thực hiện giữ gìn vệ sinh mắt sạch sẽ. Tuy nhiên, người bệnh tránh lạm dụng thuốc, nhất là những thuốc có chứa thành phần corticosteroid có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm gây ảnh hưởng đến thị lực lâu dài”, bác sĩ Thanh cho hay.

Empty

Mắt sưng đỏ, cộm, đau nhức chảy nước mắt, ra nhiều gỉ hay dịch tiết dính... là các triệu chứng điển hình của bệnh đau mắt đỏ

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh khuyến cáo: Khi có các triệu chứng của bệnh viêm kết mạc cấp cần đi khám và sử dụng thuốc kê đơn đúng theo chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa. Không tự ý mua thuốc, hoặc dùng thuốc của người này điều trị cho người khác. Để phòng tránh lây nhiễm bệnh, cần cách ly với người bệnh đau mắt đỏ, thực hiện giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ bằng cách rửa tay thường xuyên với xà phòng, tránh tiếp xúc với dịch tiết và không dùng chung vật dụng cá nhân với người bị bệnh.

Đối với bệnh nhân bị đau mắt đỏ, ngoài dùng thuốc có thể áp dụng một số biện pháp hỗ trợ trong quá trình điều trị, như: đắp khăn mặt ấm lên mắt làm giảm đau và khó chịu, dùng nước muối sinh lý để rửa mắt và làm mềm lông mi, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và bổ sung vitamin để tăng cường sức đề kháng. Tuyệt đối không chữa mẹo, đắp lá thuốc vì có thể gây nhiễm trùng. Khi thấy bệnh có dấu hiệu trở nặng như đỏ cộm nhiều, đau nhức tăng, nhìn mờ… thì cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt uy tín để được thăm khám và xử lý biến chứng kịp thời.

Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh

comment Bình luận

largeer