Bệnh viện mắt TP. HCM ứng dụng kính áp tròng trong nhãn khoa

Kính áp tròng (Contact Lens) là một phát kiến vĩ đại của loài người, đã được úng dụng rộng rãi trong thực hành nhãn khoa.
28/06/2023 07:22

Kính áp tròng về cơ bản được chia làm 2 loại, kính áp tròng mềm và áp tròng cứng. Kính áp tròng có 3 thông số cơ bản: độ cong cơ bản (Base Curve – BC), đường kính tổng (Diameter – D) và công suất kính (Power – P). Việc tùy chỉnh thông số của kính áp tròng sẽ quyết định hình thái kính nằm trên mắt có phù hợp hay không – Fit kính áp tròng không lỏng quá cũng không chặt quá.

Fitting Contact Lens

Fitting Contact Lens

Trong đó, kính áp tròng mềm hiện nay có 2 dạng là Hydrogel (mềm hơn, ngậm nước cao và chỉ số thấm khí tương đối vừa), Silicon Hydrogel (dày dặn hơn, ngậm nước ít hơn và chỉ số thấm khí cao hơn, ít bám bẩn hơn hydrogel). Các hãng kính áp tròng lớn trên toàn thế giới như SEED, Johnson&Johnson, Coopervision,… đều chỉ sản xuất kính áp tròng mềm ở dạng 1 ngày (Daily), 2 tuần (2 weeks) và 1 tháng (monthly). Việc đeo kính áp tròng thay kính gọng là xu hướng của thế giới, lứa tuổi đeo kính áp tròng ngày càng trẻ hóa, việc khám kính áp tròng chọn thông số phù hợp và tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh kính là việc vô cùng cần thiết. Ở dải độ cận – viễn dưới 4 độ (Diopter – D), công suất kính áp tròng sẽ bằng công suất kính gọng. Với công suất cao hơn, cần phải điều chỉnh công suất kính áp tròng theo khoảng cách đỉnh (Vertex Distance – VD) hoặc tốt nhất là đo khúc xạ tồn dư trên kính thử. Hiện nay, với sự phổ biến vô cùng lớn, kính áp tròng mềm có thể điều chỉnh độ Cận thị tới -16.00 D, Viễn thị tới +8.00 D, Loạn thị tới -2.50 D với các dải trục khác nhau.

Ứng dụng kính áp tròng màu thẩm mỹ che khuyết điểm mắt như sẹo giác mạc, teo nhãn…

Ứng dụng kính áp tròng màu thẩm mỹ che khuyết điểm mắt như sẹo giác mạc, teo nhãn…

Trong nhãn khoa lâm sàng, kính áp tròng mềm còn được sử dụng để băng mắt: để bảo vệ giác mạc, giảm thiểu đau đớn, tăng cường khả năng phục hồi các tổn thương trên giác mạc. Thông thường kính băng mắt sẽ là vật liệu silicon hydrogel, Độ thấm khí Dk/t cao trên 100, hình thái áp kính lên giác mạc khá lỏng để duy trì trao đổi nước mắt dưới kính.

Kính áp tròng mắt giả (Prosthetic): được ứng dụng che khuyết điểm mắt như sẹo giác mạc, khắc phục triệu chứng chói sáng ở các bệnh nhân có dị dạng mống mắt, bệnh lý bạch tạng ở mắt. Ngày nay, kính áp tròng mắt giả có thể được tùy biến các thông số độ cong cơ bản, đường kính mống mắt, đồng tử, màu sắc mắt sao cho tiệp với mắt lành, tăng hiệu quả thẩm mỹ, chức năng thị giác.

Bệnh lý Giác mạc chóp (KC)

Bệnh lý Giác mạc chóp (KC)

Ở phân khúc hiếm hơn, kính áp tròng cứng thấm khí lại vô cùng cần thiết cho những bệnh nhân tật khúc xạ siêu cao, loạn thị cao, không đều, giác mạc chóp (Keratoconus – KC), giãn phình giác mạc,… Kính có thể thiết kế cho những bệnh nhân có giác mạc rất bẹt (K = 37D) tới rất cong (K = 68D), Độ cận tới -30 D và độ viễn tới +20 D. Ngoài ra, do tính chất vật liệu cứng nhưng vẫn có thấm khí khá cao, thị lực của bệnh nhân luôn ổn định và đồng nhất, kính định tâm và duy trì an toàn trên giác mạc, thời gian đeo kính cứng có thể kéo dài tới 14-16 tiếng/ngày. Ở 1 số trường hợp bệnh nhân độ cao, kèm rung giật nhãn cầu, kính vừa hiệu chỉnh được tật khúc xạ đồng thời giảm thiểu tần suất rung giật 80-90%. Những bệnh nhân giác mạc chóp vừa và nặng, kính gọng không đáp ứng nhu cầu thị giác thì kính áp tròng cứng là tấm vé cứu cánh đem lại thị lực sáng rõ vượt bậc cho bệnh nhân. Ngoài ra, kính áp tròng cứng còn bảo vệ vùng chóp, một phần trung tâm kính áp đỉnh chóp ngăn ngừa tiến triển về sau.

Cử nhân khúc xạ Nhãn khoa Huỳnh Lương Minh - Khoa Khúc xạ

Cử nhân khúc xạ Nhãn khoa Huỳnh Lương Minh - Khoa Khúc xạ

Kính áp tròng cũng đóng vai trò quan trọng cho chiến dịch kiểm soát cận thị tiến triển trên toàn thế giới trong những năm gần đây. Kính ORTHO-K là 1 dạng kính áp tròng cứng thấm khí chỉnh hình giác mạc được đeo vào ban đêm lúc ngủ. Nhờ cấu trúc đặc biệt, kính giúp chỉnh hình giác mạc điều chỉnh độ cận loạn viễn tạm thời, qua đó cũng hạn chế quá trình tăng cận ở trẻ em, thanh thiếu niên. Ở dải độ thấp, kính ortho-K phát huy hiệu quả rất cao và giảm thiểu tỉ lệ xẩy ra các biến chứng, triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân. Ngoài ra, những năm gần đây còn phát triển kính áp tròng mềm đa tiêu đeo 1 ngày (thiết kế đa vòng tròn đồng tâm), tạo nên các vùng mờ viễn thị chu biên, cùng cơ chế hạn chế tiến triển cận thị ở trẻ em.

Khi bệnh nhân đeo kính áp tròng, cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản nhất nhằm giảm thiểu tối đa gây viêm nhiễm mắt. Mọi trường hợp bệnh nhân cảm thấy khó chịu, cộm xốm, đỏ mắt hoặc thậm chí thị lực bị mờ, chói chảy nước mắt, việc đầu tiên cần tháo ngay kính áp tròng và khám chuyên khoa mắt sớm nhất có thể để kịp thời xử lý.

Huỳnh Lương Minh

comment Bình luận

largeer