Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận điều trị cho hàng trăm bệnh nhi có vết thương phần mềm vùng hàm mặt
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, khoa Răng – Hàm – Mặt, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận điều trị cho hàng trăm bệnh nhi có vết thương phần mềm vùng hàm mặt. Nguyên nhân chủ yếu thường do tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông,…
Trẻ em rất dễ bị vết thương phần mềm vùng hàm mặt
Điển hình là bé trai Trần Quang B (30 tháng tuổi, ở Hà Nội) nhập viện trong trình trạng chảy nhiều máu vòm miệng do bị que gỗ đâm thủng vòm hầu. Khai thác bệnh sử thì được biết, trong lúc đang chơi đùa tại nhà, trẻ cầm que gỗ lên miệng ngậm và bị vấp ngã khiến que gỗ đâm thẳng vào miệng gây rách, thủng vòm hầu, chảy máu nhiều. Sau tai nạn, gia đình đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định trẻ có: Vết rách vòm miệng mềm bên phải 1cm và bên trái 1,5cm. Vết rách niêm mạc lưỡi gà 1cm. Niêm mạc vòm miệng trầy xước nhiều.
Ngay lập tức trẻ được phẫu thuật cấp cứu, khâu vết rách vòm miệng mềm, cầm máu, điều trị kháng sinh, giảm đau,… Sau phẫu thuật, sức khỏe trẻ ổn định, vết thương lành, trẻ đã có thể ăn uống bình thường và đã được xuất viện.
Vết thương bệnh nhi Đỗ Minh K thời điểm nhập viện
Một trường hợp khác là bệnh nhi Đỗ Minh K (8 tuổi, ở Hưng Yên). Trước đó, khi trẻ đang đạp xe đạp trên đường thì không may bị ngã đập mặt xuống nền đất, sau ngã trẻ chảy máu miệng, rách môi. Trẻ nhập viện khoa Răng – Hàm – Mặt với vết thương khuyết hổng môi trái ~ 2cm, các bác sĩ đã tiến hành làm sạch, tạo vạt, khâu phục hồi làn môi đỏ theo mốc giải phẫu bằng chỉ Vycryl 5.0. Sau phẫu thuật, trẻ được điều trị kháng sinh, giảm đau, chăm sóc vết thương. Hiện trẻ đã được xuất viện.
Cách sơ cứu vết thương tại nhà cho trẻ
Quanh miệng là khu vực có rất nhiều mạch máu, một vết cắt nhỏ cũng có thể làm chảy rất nhiều máu. Khi thấy trẻ có máu ở miệng, người lớn cần hết sức bình tĩnh để có thể xác định vấn đề, xử trí đúng tình huống và tránh gây hoảng sợ cho trẻ.
Dưới đây là các bước giúp trẻ cầm máu, giảm đau, phòng ngừa nhiễm trùng và chữa lành vết thương khi bị vết thương phần mềm ở miệng:
1. Cầm máu:
- Đối với các vết thương phía ngoài miệng hay lưỡi: Làm ướt với nước lạnh một miếng gạc hoặc khăn sạch, đè nhẹ lên chỗ chảy máu khoảng 5-10 phút.
- Đối với các vết thương ở trong miệng: Nhẹ nhàng đè chỗ môi bị chảy máu lên phần răng hay nướu của trẻ trong khoảng 5-10 phút hoặc càng lâu càng tốt. Tránh kéo môi trẻ ra kiểm tra thử vì làm như vậy máu sẽ chảy trở lại.
- Dùng một túi nước đá hoặc rau củ đông lạnh áp vào chỗ chảy máu. Có thể cho trẻ mút kem lạnh khi vết thương trong miệng không quá lớn.
Chú ý: không rửa vết thương bằng nước muối, nước ấm hoặc cho trẻ súc miệng bằng nước muối, nước ấm vì sẽ làm máu chảy nhiều hơn.
2. Dùng thuốc giảm đau nếu cần thiết
Nếu vết thương khiến trẻ đau, khó ăn uống và quấy khóc, có thể tham khảo ý kiến bác sĩ và cho trẻ dùng một ít thuốc giảm đau.
3. Cho trẻ ăn cẩn thận
Khi trẻ bị thương, nên cho trẻ ăn đồ ăn mềm, nhạt. Các thức ăn mặn, chua sẽ khiến vết thương bị kích thích gây đau, xót cho trẻ. Có thể tiếp tục dùng kem lạnh để làm dịu vết thương.
Ngoài ra, khi máu đã hết chảy một thời gian, có thể cho trẻ súc miệng bằng nước hơi ấm sau khi ăn để thức ăn không bám vào vết thương.
Vết thương nhỏ ở miệng cũng mất khoảng 3 đến 4 ngày để lành lại.
Trường hợp cần cho trẻ đi gặp bác sĩ
Trong quá trình tự xử trí vết thương, nếu thấy một trong các trường hợp sau đây, cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ:
- Chảy máu nhiều, không cầm máu được sau 10 phút.
- Trẻ giãy giụa, máu chảy rất nhiều và không đè gạc được.
- Vết cắt sâu, vết rách mở mép hoặc dài hơn 1cm.
- Có mảnh vỡ hoặc bụi bẩn trong vết thương.
- Vết thương xuyên thủng vòm miệng, cổ họng hoặc a-mi-đan.
- Vết thương gây ra bởi những vật bẩn hoặc gỉ (đinh, dây kẽm gai,…).
- Vết thương do động vật hoặc người có biểu hiện không bình thường cắn.
- Nghi ngờ trẻ có gãy xương.
- Vài ngày đầu sau khi bị thương, trẻ có dấu hiệu nhiễm trùng (sưng, đỏ, đau tăng nhiều, sốt).
Cách chăm sóc vết thương sau khi được phẫu thuật
Đối với vết thương phần mềm ngoài miệng, rửa vết thương theo các bước sau:
- Rửa vết thương bằng nước muối sinh lý để loại bỏ bụi bẩn, dịch viêm, tế bào chết tại vị trí vết thương đã khâu.
- Rửa vết thương với thuốc sát trùng Betadine. Giữ tối thiểu 30 giây để thuốc phát huy tác dụng. (Đối với vết thương khô sạch chỉ cần rửa bằng nước muối sinh lý, không cần dùng thêm chất sát khuẩn).
- Rửa lại bằng nước muối sinh lý để hạn chế Iod hấp thụ vào cơ thể, nhuộm da,…
- Lau khô và băng kín vết thương để bảo vệ, tránh tiếp xúc với môi trường.
- Trẻ sẽ được hẹn khám lại sau 7 ngày để kiểm tra vết thương và cắt chỉ.
Đối với vết thương trong miệng: súc miệng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Cũng có thể súc miệng bằng dung dịch Betadine dành riêng cho nha khoa theo chỉ dẫn của bác sĩ. Đối với trẻ nhỏ chưa biết súc miệng, sau khi ăn phải tráng miệng bằng nước đun sôi để nguội, tránh để thức ăn thừa trong khoang miệng gây nhiễm trùng.
Phòng tránh để trẻ không bị chấn thương vùng miệng
Nhìn chung, rất khó để trẻ hoàn toàn không bị chấn thương trong những năm đầu đời. Tuy nhiên, nguy cơ trẻ bị chấn thương sẽ giảm đi nếu cha mẹ, người chăm sóc thực hiện các biện pháp phòng tránh tai nạn. Cụ thể là:
- Dùng thảm chống trượt, dép chống trượt để trẻ hạn chế bị ngã.
- Các vật sắc, nhọn cần được cất giữ tránh khỏi tầm nhìn và cầm, với của trẻ. Bao bọc các góc sắc xung quanh nơi trẻ hay vận động như góc – mép bàn, mép cửa,…
- Không để trẻ ngậm đồ chơi trong miệng, nhất là khi đang đi, chạy.
- Hướng dẫn cho trẻ những kỹ năng cơ bản nhất tránh nguy cơ đối mặt với những tai nạn khi sinh hoạt, vui chơi.
- Luôn để trẻ trong tầm quan sát của người chăm sóc, kịp thời phát hiện, loại bỏ nguy cơ gây tai nạn hoặc xử trí nếu có tai nạn xảy ra.
Theo Bệnh viện Nhi Trung ương
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Hội nghị Quốc tế “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu – cổ”
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20% dân số phải sống chung với viêm mũi xoang mạn tính, trong khi ung thư đầu cổ chiếm tới 10% tổng số ca ung thư - những con số vô cùng đáng báo động. Trước sự gia tăng nhanh chóng của các ca bệnh, việc nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu - cổ đã trở nên vô cùng cấp thiết.November 22 at 3:53 pm -
Đau hơn sau khi tiêm tế bào gốc trong điều trị thoái hóa khớp: Điều bình thường và cách xử lý
Liệu pháp tế bào gốc mang lại hy vọng cho người bệnh trên hành trình tìm kiếm giải pháp cải thiện và giảm bớt đau đớn từ chấn thương hoặc các bệnh lý mãn tính.November 20 at 5:33 pm -
Mở khóa thanh xuân, trẻ khỏe toàn diện với liệu pháp tế bào gốc
Lão hóa là một quá trình phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến làn da, mái tóc mà còn tác động đến cấu trúc và chức năng của các cơ quan bên trong cơ thể. Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của y học tái tạo, liệu pháp tế bào gốc được ứng dụng toàn diện giúp cơ thể khỏe mạnh từ bên trong, đồng thời duy trì nét tươi trẻ, rạng rỡ bên ngoài, làm chậm quá trình lão hóa.November 20 at 5:33 pm -
Tầm nhìn “Borderless Future” - Định hình tương lai không biên giới tại nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 19/11/2024, tại Hội nghị Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024, khi cái tên Unilever Việt Nam được xướng lên ở vị trí số 1 trong danh sách 100 doanh nghiệp lớn có môi trường làm việc tốt nhất, đó không chỉ là khoảnh khắc đáng tự hào mà còn là sự khẳng định cho tầm nhìn, những nỗ lực bền bỉ của một doanh nghiệp Top 1 ngành FMCG trong hành trình xây dựng môi trường làm việc hiện đại, bền vững.November 20 at 5:20 pm