Bệnh viện thẩm mỹ JT Angel bất chấp quy định pháp luật về hoạt động khám chữa bệnh?

Tại Bệnh viện Thẩm mỹ JT Angel (BVTM JT Angel) có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, nhân viên làm việc đeo biển tên bằng tiếng nước ngoài, sử dụng sản phẩm nhập khẩu không có nhãn phụ, không rõ nguồn gốc xuất xứ và bác sĩ phụ trách chuyên môn thường vắng mặt. Những vi phạm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho sức khỏe khách hàng.
22/11/2024 15:52
  Bệnh viện Thẩm mỹ JT Angel

  Bệnh viện Thẩm mỹ JT Angel

Nhân viên không đeo biển tên bằng tiếng Việt

Để xác minh thông tin từ bạn đọc phản ảnh, trong vai khách hàng trải nghiệm dịch vụ làm đẹp, tháng 01 năm 2024, phóng viên đến BVTM JT Angel, tại địa chỉ số 852-852A An Dương Vương, Phường 13, Quận 6, TP.HCM. Qua quan sát thực tế, phóng viên nhận thấy tất cả nhân viên tại đây đều đeo biển tên bằng tiếng Anh. Phóng viên được một nhân viên tự xưng là Pinky tư vấn như một bác sĩ. Pinky giới thiệu các gói liệu trình tiêm filler vùng thái dương, gồm 4 loại: 5 triệu/1cc (sử dụng 8 tháng), 6 triệu/1cc (sử dụng 1 năm), 8 triệu/1cc (sử dụng 1,5 năm) và loại đắt nhất 10 triệu/1cc (sử dụng 2 năm), tất cả chỉ khác nhau ở thời gian duy trì chất làm đầy. Sau khi chuyển 10 triệu đồng vào tài khoản cá nhân mang tên Nguyễn Hữu Hải, (chứ không phải tài khoản của Bệnh viện), phóng viên được người đeo bảng tên Dr. Erin trực tiếp tiêm filler. Ngoài phóng viên ra, Dr. Erin còn tiêm cho nhiều khách hàng khác trong phòng. Tiếp đó, khi phóng viên được tư vấn hút mỡ bụng, thì thấy nhân viên tư vấn không đeo bảng tên.

Các bác sĩ và nhân viên tại BVTM JT Angel không đeo biển tên, hoặc đeo biển tên không bằng tiếng Việt mà bằng tiếng Anh trong quá trình làm việc là không tuân thủ quy định hiện hành. Theo Thông tư 34/2021/TT-BYT của Bộ Y tế, các nhân viên y tế phải đeo biển tên tiếng Việt khi làm việc tại cơ sở Y tế nhằm đảm bảo rõ ràng vị trí và chức năng của mỗi cá nhân trong quá trình khám chữa bệnh.

Empty
Dr. Erin tiêm filler không đeo biển tên tiếng Việt

Dr. Erin tiêm filler không đeo biển tên tiếng Việt

Người tự xưng là Bác sĩ tư vấn hút mỡ bụng nhưng không đeo biển tên

Người tự xưng là Bác sĩ tư vấn hút mỡ bụng nhưng không đeo biển tên

Sử dụng sản phẩm nước ngoài, nhưng không có nhãn phụ

Theo quan sát của phóng viên, lượng khách hàng làm đẹp tại BVTM JT Angel rất đông. Khách hàng phải ngồi chờ vài giờ đồng hồ mới đến lượt tiêm chất làm đầy. Các sản phẩm tiêm lên mặt đều không có nhãn phụ và không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặt ra câu hỏi về việc cơ quan chức năng nào có thể kiểm tra được mức độ an toàn sức khỏe của khách hàng sau khi tiêm các loại dung dịch này?

Sau 10 ngày, một phóng viên khác nhập vai khách hàng, tiếp tục được tư vấn và tiêm chất làm đầy tại BV JT Angel với giá 5 triệu đồng. Sản phẩm filler mà bệnh viện sử dụng có tên BOTATOX, cũng không có nhãn phụ và không rõ thông tin về nguồn gốc xuất xứ. Mọi thông tin trên sản phẩm đều được thể hiện bằng ngôn ngữ nước ngoài trên bao bì.

Tại khoản 3 Điều 7 của Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa quy định: “Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc". Tại khoản 4 Điều 9 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP, cũng quy định: “Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam phải ghi nhãn theo quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa nhập khẩu”.

Sản phẩm không có tem phụ mà Bệnh viện Thẩm mỹ JT Angel sử dụng tiêm cho khách hàng

Sản phẩm không có nhãn phụ mà Bệnh viện Thẩm mỹ JT Angel sử dụng tiêm cho khách hàng

Người phụ trách chuyên môn thường xuyên vắng mặt tại Bệnh viện?

Trong vai khách hàng lần thứ 3, phóng viên được CEO Nhã Lê tư vấn về nâng mũi, cắt mí mắt và các gói dịch vụ làm đẹp. Vị CEO này thường xuyên lên mạng tư vấn làm đẹp, điều này gây xôn xao dư luận về hành vi có dấu hiệu “làm thay bác sĩ”, khi không có chuyên môn, chứng chỉ hành nghề do cơ quan thẩm quyền cấp phép.

CEO Nhã Lê tư vấn chuyên môn thay cho bác sĩ

CEO Nhã Lê tư vấn chuyên môn "thay cho bác sĩ", nhưng có phải là bác sỹ?

Trước thực trạng “bát nháo” về người tư vấn, người tiêm và sử dụng sản phẩm filler không nhãn phụ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, phóng viên tiếp tục tìm hiểu về người phụ trách chuyên môn tại BVTM JT Angel và được biết là bác sĩ Nguyễn Hữu Tường. Theo hồ sơ đăng ký, thời gian hành nghề của bác sĩ Nguyễn Hữu Tường tại BVTM JT Angel là từ 8h đến 18h từ thứ Hai đến Chủ nhật.

Tuy nhiên, từ tháng 5 năm 2024 đến tháng 11 năm 2024, phóng viên đã 3 lần đến Bệnh viện đặt lịch làm việc với bác sĩ Nguyễn Hữu Tường, nhưng bộ phận lễ tân trả lời: “Bác đi vắng!”, “Không biết BS Nguyễn Hữu Tường là ai!”, “Ở đây nhiều sếp, anh muốn gặp sếp nào?”. Điều này đặt ra câu hỏi liệu bác sĩ cố tình né tránh phóng viên hay có hành vi thuê bằng đang diễn ra tại cơ sở này để qua mặt cơ quan chức năng?

Trước những dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về hoạt động khám chữa bệnh tại BVTM JT Angel nêu trên, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc kiểm tra, xác minh và xử phạt nghiêm minh, (nếu vi phạm), để bảo vệ quyền lợi và sức khoẻ cho người dân và cộng đồng.

Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

                                                                                                               Nhóm PV

comment Bình luận

largeer