Bệnh Whitmore là gì? Tại sao người ở vùng lũ dễ bị bệnh Whitmore?

Mới đây, vụ việc Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình qua đời do nhiễm bệnh bởi vi khuẩn Burkholderia pseudomallei có trong nước bạc (nước lũ) gây bệnh Whitmore làm nhiều người thương cảm. Vậy bệnh Whitmore là gì? Tại sao người vùng lũ dễ bị bệnh Whitmore?
13/11/2020 10:04

Một chủ tịch xã qua đời vì nhiễm bệnh Whitmore khi cứu dân trong lũ

1_-_chu_tich_xa_qua_doi_svut_thumb

Tang lễ ông Phan Thanh Miên được tổ chức theo phong tục địa phương.

Được biết, khi trận “đại hồng thủy” lịch sử càn quét qua xã Bắc Trạch vào giữa tháng 10/2020 vừa qua, ông Miên đã dẫn đầu lực lượng cứu hộ cứu nạn địa phương này giải cứu thành công nhiều hộ gia đình bị cô lập bởi nước lũ.

Quá trình cứu dân, ông Miên đã bị thương ở khớp gối phải nhưng vì tình huống khẩn cấp nên tiếp tục dầm nước bạc (rất độc) nhiều ngày và tiếp tục cứu hộ, cứu đói cho bà con.

Khi mưa lũ đã qua thì xuất hiện triệu chứng sốt nhẹ nên ông Miên đến Trạm Y tế xã Bắc Trạch tiêm thuốc hạ sốt nhưng không đỡ. Ông Miên được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) để điều trị nhưng vẫn không thuyên giảm và ngày càng xấu hơn nên tiếp tục được chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế.

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán ông Miên bị nhiễm vi khuẩn trong nước bạc có tên là Burkholderia pseudomallei gây ra bệnh Whitmore từ viêm khớp gối phải. Ông Miên phải thở máy, lọc máu liên tục do bị nhiễm trùng quá nặng và phổi bị đen nên đã tử vong vào ngày 11/11.

Bệnh Whitmore là gì?

whitmore-xuat-hien-o-nhieu-tinh-nhung-ai-de-mac-benh-1

Hình minh họa

Bệnh melioidosis hay còn được gọi là bệnh Whitmore, đây là bệnh truyền nhiễm có thể lây nhiễm cho người hoặc động vật. Nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei tồn tại trong nước và đất bị ô nhiễm. Bệnh này chủ yếu xảy ra ở các nước khí hậu nhiệt đới, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á và miền bắc Australia do lây truyền sang người và động vật thông qua tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh bị ô nhiễm.

Cách thức lây nhiễm bệnh Whitmore

Bất kỳ ai đều có thể bị nhiễm Melioidosis thông qua tiếp xúc trực tiếp với đất và nước mặt bị ô nhiễm. Con người và động vật được cho là bị nhiễm trùng do hít phải bụi bẩn hoặc giọt nước bị nhiễm bẩn, uống phải nguồn nước bị ô nhiễm và tiếp xúc với đất bị ô nhiễm, đặc biệt là qua các vết trầy xước trên da.

Rất hiếm khi người bệnh bị mắc bệnh do lây truyền từ người khác. Một vài trường hợp đã được ghi nhận, đất và nước mặt bị ô nhiễm là cách thức chủ yếu mà con người bị nhiễm bệnh này.

Biểu hiện của bệnh Whitmore

20190920_104110_931165_whit-more.max-800x800

Hình minh họa

Theo PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ, đặc trưng của vi khuẩn B. pseudomallei là gây viêm và áp xe ở các cơ quan trên cơ thể nên khi bệnh nhân mắc bệnh, biểu hiện lâm sàng rất đa dạng.

Khoảng 35% trẻ mắc bệnh có biểu hiện viêm mủ tuyến nước bọt mang tai, 65% ở các thể khác như sốt cao, viêm phổi, áp xe ở lách và thận, cũng có thể biểu hiện khu trú bằng các ổ nhiễm khuẩn trên da, đặc biệt ở vùng đầu, mặt và cổ. Diễn biến nặng có thể gây sốc nhiễm khuẩn huyết dẫn đến tử vong.

Ở trẻ em thường có triệu chứng sốt cao, nhiễm trùng nhiễm độc và biểu hiện sưng tuyến mang tai thường gặp hơn các triệu chứng khác. Ở người lớn bệnh cảnh phổ biến nhất là viêm phổi, sau đó tới viêm da, nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm trùng huyết...

Ở người lớn, đa số bệnh nhân mắc bệnh có biểu hiện viêm phổi kèm nhiễm khuẩn huyết, viêm bàng quang, có các vết mưng mủ trên da, một số trường hợp còn có biểu hiện viêm cơ, viêm khớp hoặc viêm màng não.

Đối với những người có hệ miễn dịch suy giảm, đang mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, suy thận, bệnh gan, bệnh phổi... sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn và diễn biến bệnh phức tạp, nặng nề hơn, có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kháng sinh phù hợp.

Trong đó những trường hợp bị nhiễm khuẩn huyết sẽ diễn tiến bệnh nặng hơn, tiên lượng xấu hơn, nguy cơ tử vong cao hơn

Còn theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, Whitmore được coi là "kẻ mạo danh" vì bệnh không có những biểu hiện lâm sàng rõ ràng và thường bị chẩn đoán lâm sàng nhầm sang các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu...

Để chẩn đoán chính xác bệnh phải dựa trên các xét nghiệm phân lập và định danh vi khuẩn trong các mẫu bệnh phẩm máu, mủ, đờm, nước tiểu, hoặc dịch não tủy.

Tại sao người ở vùng lũ dễ bị bệnh Whitmore?

1_zing

Hình minh họa

Hiện tại đang mùa mưa, là thời điểm thuận lợi để vi khuẩn whitmore phát triển. Đặc biệt là những vùng lũ lụt, ngập nặng vi khuẩn gây bệnh whitmore lại càng phát triển mạnh mẽ. Bệnh không có triệu chứng rõ ràng và dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác. Nếu người ở vùng mưa lũ, có vết thương ngoài da nhưng không được tiến hành xử lý kịp thời thì vi khuẩn dễ xâm nhập vào, gây bệnh. Ngoài ra, độc tính của vi khuẩn gây bệnh whitmore cũng cao hơn các loại vi khuẩn khác nên với những người có hệ miễn dịch suy giảm, đang mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, suy thận, bệnh gan, bệnh phổi... mà sống ở những vùng mưa lũ có vi khuẩn gây bệnh Whitmore đang phát triển thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Làm thế nào để phòng bệnh Whitmore ở vùng lũ?

Để chủ động phòng bệnh Whitmore, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:

  • Hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn ở vùng lũ, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng trước lũ.
  • Sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, nước lụt, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao.
  • Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước lũ bị ô nhễm nặng. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.
  • Những người có bệnh mạn tính như tiểu đường, suy giảm miễm dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn do nước lũ gây ra.
  • Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei  và điều trị kịp thời.Đến nay Whitmore chưa có vắcxin phòng bệnh.

Diệu Hằng ( Tổng hợp)

comment Bình luận

largeer