Bị đau răng cô gái đi 15 bác sĩ mới biết mình mắc ung thư tuyến nước bọt

Cô Nicole Kowalski 28 tuổi ở Los Angeles (Mỹ) bị đau răng, tìm đến 15 bác sĩ với các chẩn đoán khác nhau, kết quả cô bị ung thư tuyến nước bọt
28/01/2021 09:31

Từ tháng 6.2017, Nicole bắt đầu bị đau răng ở bên phải miệng. Cô nghĩ đó chỉ là cơn đau bình thường. Tuy nhiên, nó không thuyên giảm, cô đến nha khoa chụp X-quang và bác sĩ bảo không có gì phải lo lắng.

Sáu tháng sau, cơn đau răng tiến triển thành suy nhược cơ hàm và đau mặt. Cơ thể cô uể oải và không còn sức để làm việc. Tháng 1.2018, cô tái khám thì được chẩn đoán là rối loạn chức năng khớp thái dương hàm (TMJ) do nghiến hàm vào ban đêm.

Nha sĩ đã chụp X-quang lại và nhận thấy rất nhiều xương bị thiếu. Cô được giới thiệu đến một chuyên gia nha khoa nhưng ông vẫn không chẩn đoán được và tiếp tục gửi cô đến bác sĩ chuyên phẫu thuật miệng - hàm mặt. Bác sĩ đã quyết định nhổ chiếc răng tại vị trí đau. "Lúc này chiếc răng đã lung lay và tôi hầu như không thể nhai vì quá đau. Các bác sĩ phán đoán có một khối u lành tính", Nicole nhớ lại.

Họ gửi mẫu sinh thiết răng của cô đến một bệnh viện khác. Sau 2 tuần, kết quả sinh thiết cho thấy cô bị u xơ mô mềm nhưng lành tính, cần phải phẫu thuật.

Cô tìm đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để phẫu thuật. Bác sĩ cho biết để loại bỏ khối u, cần phải nhổ bốn chiếc răng và phẫu thuật một phần vòm miệng. Cô đã được phẫu thuật vào tháng 3.2018.

Hai tuần sau, bệnh viện thông báo có sự sai lệch trong kết quả sinh thiết và cô bị ung thư tuyến nước bọt, chứ không phải là một khối u lành tính. Nó rất hiếm và thậm chí cô không hề biết về sự tồn tại của loại ung thư này.

"Gia đình tôi có tiền sử mắc ung thư, tôi luôn biết khả năng cao mình sẽ mắc căn bệnh này nhưng không nghĩ nó đến sớm như vậy. Tôi cảm thấy sợ hãi, nhưng tôi đã sẵn sàng chiến đấu", Nicole nói.

Tháng 5.2018, Nicole hoàn thành 30 ngày xạ trị. Tuy nhiên, các triệu chứng và cơn đau vẫn luôn âm ỉ trong quai hàm.

"Trong thang đau từ 1 đến 10, có lẽ tôi luôn ở mức 8 hoặc 9. Bác sĩ chuyên khoa ung thư nói rằng xương trong miệng tôi có thể bị hoại tử vì bức xạ và sẽ cần phải phẫu thuật lại. Lần này, họ sẽ phải nhổ toàn bộ răng cửa của tôi và phẫu thuật các mô bị chết", Nicole kể lại.

dau-rang_jiee

Vào tháng 12.2018, cô đã phẫu thuật lần thứ hai, kết quả sinh thiết âm tính với tế bào ung thư. Tuy nhiên, khi tái khám kết quả không như mong đợi, Nicole lại tiếp tục phải chiến đấu với căn bệnh. Cô tiếp tục thực hiện xạ trị, hóa trị không phù hợp với loại ung thư này.

Sau thời gian kiên trì chiến đấu với ung thư, vào tháng 11.2020, cô đã không còn tế bào ung thư. "Tôi rất vui khi nhận được tin tốt lành này. Tuy nhiên, tôi cũng phải đối mặt với các di chứng rất nặng nề. Tôi không còn vòm miệng nên rất khó khăn trong giao tiếp và nuốt. Mặt và mũi bị lệch, biến dạng dẫn đến khó thở. Nếu kết quả sinh thiết lần đầu chẩn đoán đúng tình trạng, tôi có thể tránh được nhiều chấn thương", Nicole nói.

Nicole phải đi trị liệu ngôn ngữ và thực hiện các bài tập hằng ngày để kéo giãn hàm.

"Tôi đã gặp 15 bác sĩ tổng thể để tìm ra đúng căn bệnh của mình. Với những ai đang lo lắng về việc mình bị chẩn đoán sai, đừng bao giờ bỏ cuộc. Hãy thẳng thắn tìm đến một bác sĩ khác, đặt câu hỏi về vấn đề của mình", Nicole chia sẻ.

Theo Thanh Niên

comment Bình luận

largeer