Sau sáp nhập, bức tranh mức sinh các tỉnh thành Việt Nam thay đổi ra sao?
Tính đến giữa năm 2025, cả nước còn lại 34 tỉnh, thành sau khi thực hiện kế hoạch sáp nhập. Theo thống kê của Cục Dân số (Bộ Y tế), trong số 34 tỉnh, thành, có tới 13 địa phương ghi nhận mức sinh dưới mức sinh thay thế – tức dưới 2,1 con/phụ nữ. Đáng chú ý nhất là TP HCM (đã sáp nhập thêm Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu) với tỷ suất sinh chỉ 1,43 con – thấp nhất cả nước và cũng là mức thấp chưa từng có trong lịch sử thống kê dân số tại Việt Nam.

TP.HCM sau sát nhập là địa phương có tỷ suất sinh thấp nhất cả nước, chỉ 1,43 con.
Các tỉnh khác có mức sinh rất thấp gồm Tây Ninh (1,52 con), Cần Thơ (1,55 con), Cà Mau (1,58 con) và Vĩnh Long (1,60 con). Những con số này đặt ra nhiều lo ngại khi mức sinh đang ngày càng rời xa ngưỡng cần thiết để duy trì dân số ổn định trong dài hạn.
Phía đối lập là các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi mức sinh vẫn duy trì ở mức cao. Điện Biên dẫn đầu cả nước với tỷ suất sinh đạt 2,6 con/phụ nữ. Tuyên Quang (sáp nhập Hà Giang và Tuyên Quang) đạt 2,55 con, trong khi Lào Cai (sáp nhập với Yên Bái) đạt 2,5 con. Đây là ba địa phương duy nhất giữ mức sinh từ 2,5 con trở lên.
Địa phương duy nhất ở khu vực phía Bắc có mức sinh thấp dưới 2 con là Hà Nội (1,86 con/phụ nữ), tiếp tục giảm 0,02 con/phụ nữ so với năm 2023. Đây là mức sinh thấp nhất tại Hà Nội được thống kê trong lịch sử.
Phần lớn các tỉnh còn lại – 18 địa phương – có mức sinh dao động trong khoảng từ 2,1 đến dưới 2,5 con/phụ nữ. Đây là mức tương đối ổn định, song cũng cần được theo dõi sát sao để tránh trượt xuống ngưỡng thấp như các đô thị lớn.
Sự chênh lệch mức sinh giữa các vùng phản ánh nhiều yếu tố tác động khác nhau, từ kinh tế, giáo dục, hạ tầng y tế đến văn hóa và lối sống. Ở các đô thị lớn như TP HCM, áp lực công việc, chi phí nuôi dạy con cái và xu hướng trì hoãn kết hôn là những yếu tố khiến nhiều người trẻ không muốn hoặc không thể sinh đủ hai con. Trong khi đó, ở các vùng nông thôn và miền núi, đặc biệt là nơi dân tộc thiểu số sinh sống, việc sinh con vẫn được xem là bình thường và ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố chi phí hay áp lực xã hội.
Việt Nam hiện đang đối mặt với tỷ lệ sinh trung bình toàn quốc là 1,91 con/phụ nữ – thấp hơn mức sinh thay thế và thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam chỉ cao hơn Brunei (1,8 con/phụ nữ), Malaysia (1,6 con/phụ nữ), Thái Lan và Singapore (1,0 con/phụ nữ). Điều này đặt ra bài toán lớn cho hệ thống an sinh xã hội, bởi tỷ lệ người cao tuổi đang tăng nhanh, trong khi lực lượng lao động trong tương lai lại suy giảm đáng kể.
Trước thực trạng này, nhiều địa phương đã chủ động triển khai các chính sách khuyến sinh. TP HCM hiện đang hỗ trợ 3 triệu đồng cho phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi, đồng thời kết hợp các chương trình tư vấn, khám sức khỏe sinh sản và hỗ trợ sàng lọc trước sinh.
Chiến lược dân số Việt Nam đến 2030 cũng đặt mục tiêu là duy trì vững chắc mức sinh thay thế, tức bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con, quy mô dân số 104 triệu người. Bộ Y tế cũng đã đề xuất nhiều nội dung nhằm đảm bảo mức sinh thay thế, hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh đủ hai con. Trong đó, bãi bỏ tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên, khuyến khích phụ nữ kết hôn trước tuổi 30 và sinh đủ hai con trước tuổi 35. Dự thảo Luật Dân số mới cho phép các cặp vợ chồng tự quyết định số con, đồng thời khuyến khích sinh đủ hai con thông qua hỗ trợ tài chính, nhà ở xã hội, tăng thời gian nghỉ thai sản và trợ cấp vùng có mức sinh thấp.
Việc sáp nhập tỉnh thành không chỉ nhằm mục tiêu tinh gọn bộ máy mà còn giúp nhà nước nhìn rõ hơn các xu hướng nhân khẩu học đang diễn ra âm thầm nhưng rất quyết liệt. Chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền đang ngày càng rõ nét. Nếu không có những chính sách phù hợp, linh hoạt và sát thực tế, Việt Nam sẽ sớm đối mặt với bài toán dân số già hóa và thiếu hụt lao động trong tương lai gần – điều đã từng xảy ra ở nhiều quốc gia phát triển.

- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Xác thực truy xuất nguồn gốc - 'thuốc đặc trị' chống hàng giả
Khi nền kinh tế số đang trở thành một trong những trụ cột phát triển của đất nước, thì yêu cầu về tính xác thực, minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc của hàng hóa không chỉ phục vụ công tác quản lý nhà nước mà còn là điều kiện tiên quyết để nâng cao niềm tin thị trường trong nước và hội nhập quốc tế.July 9 at 8:25 am -
Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được chia thành 02 cấp
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 6/7/2025 sửa đổi, bổ sung một số nội dung Quyết định số 148/QĐ-TTg về việc phê duyệt Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).July 7 at 7:32 am -
Đau họng, ợ hơi, tức ngực: Người đàn ông ngỡ ngàng phát hiện ung thư đại tràng sớm qua nội soi
Người đàn ông 37 tuổi khỏe mạnh bàng hoàng phát hiện có tổn thương nguy cơ ung thư nhờ công nghệ nội soi hiện đại tại Bệnh viện Thu Cúc. Câu chuyện của anh là hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều người trẻ còn đang chủ quan, thờ ơ với sức khỏe tiêu hóa.July 2 at 10:13 am -
Lấy lại nụ cười tự tin với dịch vụ bọc răng sứ tại TCI
Hàng nghìn khách hàng đã tìm lại nụ cười tự tin nhờ dịch vụ bọc răng sứ tại Khoa Răng Hàm Mặt bệnh viện Đa khoa Quốc tế (ĐKQT) Thu Cúc TCI.July 1 at 12:01 pm