Bình Thuận: Ghi nhận 4 người cùng bị 1 con chó dại cắn

Liên quan đến 1 con chó dại thả rông cắn người tại phường Đức Thắng (Phan Thiết, Bình Thuận) xảy ra vào ngày 15/3, Trung tâm Y tế thành phố Phan Thiết vừa cho biết, kết quả điều tra, xác minh ghi nhận có 4 trường hợp nạn nhân cùng bị 1 con chó dại này cắn.
22/03/2024 14:36

Trước sự việc trên, Trung tâm Y tế thành phố Phan Thiết cùng với Trạm Y tế Đức Thắng hướng dẫn người dân cách xử lý vết thương khi bị chó, mèo… cắn. Tuyên truyền, vận động người bị chó cắn đi tiêm ngừa vaccine dại, huyết thanh kháng dại đầy đủ. Đồng thời, truyền thông về mức độ nguy hiểm và cách phòng, chống bệnh dại tới cộng đồng dân cư, trường học, cung cấp thông tin các điểm tiêm chủng phòng dại bao gồm các điểm tiêm dịch vụ để người dân biết đi tiêm phòng.

Trước đó, vào ngày 15/3/2024, UBND phường Đức Thắng (Phan Thiết) báo tin cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh có 1 con chó chạy rông cắn người đi bộ trên đường Ngô Sỹ Liên, thuộc khu phố 1, phường Đức Thắng và có những dấu hiệu nghi mắc bệnh dại. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp thành phố Phan Thiết tiến hành bắt giữ chó, tổ chức theo dõi các dấu hiệu diễn biến trên chó. Đến 15 giờ cùng ngày, chó chết và được lấy mẫu gửi Chi cục Thú y Vùng VI xét nghiệm dại. Kết quả là dương tính với virus dại.

binhthuan

(Ảnh: Báo Bình Thuận)

Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp thành phố Phan Thiết phối hợp với UBND phường Đức Thắng tiến hành phun thuốc sát trùng. Cùng với đó, là tiêm vaccine phòng dại cho chó, mèo miễn phí tại khu vực có chó bị dại nhằm hạn chế bệnh dại lây lan trên động vật. Để chủ động hơn trong công tác phòng, chống bệnh dại trước thực trạng số người tử vong do bệnh dại có chiều hướng tăng cao, Trung tâm Y tế thành phố Phan Thiết kêu gọi người dân không thả rông chó, mèo - chó ra đường phải được rọ mõm; không đùa nghịch trêu, chọc chó, mèo. Người nuôi chó, mèo phải tiêm ngừa đầy đủ cho chó, mèo; tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm… người dân rửa kỹ vết thương bằng nước sạch và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng, thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Đây là bước sơ cứu quan trọng và có hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidin, Iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn, hướng dẫn xử trí vết thương và tiêm ngừa dại kịp thời. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Theo Báo Bình Thuận

comment Bình luận

largeer