Bó bột và các vấn đề thường gặp

Bó bột là phương pháp bất động xương gãy, phục hồi vị trí giải phẫu và thúc đẩy quá trình liền xương, hạn chế các tổn thương thứ phát. Có thể được chỉ định phối hợp sau phẫu thuật để ổn định phần mềm và vùng tổn thương giúp phục hồi tốt hơn.
14/03/2025 16:54

Tác dụng của bó bột: 

Phương pháp này có các ưu điểm như:

- Bất động xương gãy, giữ xương về đúng vị trí giải phẫu.

- Thúc đẩy quá trình liền xương và tổ chức phần mềm bị tổn thương.

- Hạn chế di lệch thứ phát.

- Giảm phù nề, nhiều trường hợp điều trị tạm thời để chờ phẫu thuật.

- Giảm đau.

- Hỗ trợ người bệnh phục hồi chức năng.

Vật liệu thường sử dụng

- Sợi thủy tinh hay còn gọi là bột thủy tinh: Bột làm từ sợi thủy tinh, nhẹ và không thấm nước, dưới lớp sợi còn có lớp lót chống thấm đặc biệt.

- Thạch cao: Bột từ thạch cao dễ tạo hình, rẻ tuy nhiên dễ thấm nước, cồng kềnh và nặng nề.

bobot

(Ảnh: Sở Y tế Hà Nội)

Chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

- Gãy kín không di lệch hoặc ít di lệch.

- Gãy xương ở trẻ em và người lớn tuổi.

- Bất động tạm thời, chờ phẫu thuật.

- Chấn thương phần mềm các khớp cổ tay, cổ chân.

Chống chỉ định:

- Sưng nề quá nhiều: Khi chi bị sưng nề quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ chèn ép khoang, có thể đặt nẹp bột hoặc bột hở giảm sưng trước khi bó bột.

- Nhiễm trùng, loét da tại vị trí cần bó bột: Bó bột trên vùng da bị loét có thể làm vết thương lâu lành hoặc nhiễm trùng.

- Gãy xương di lệch lớn cần phẫu thuật.

Quy trình thực hiện

Chuẩn bị:

- Đánh giá mức độ sưng nề, tổn thương phần mềm.

- Kiểm tra mạch máu, thần kinh ngoại vi của chi cần bó.

- Giải thích cho bệnh nhân về quá trình thực hiện.

- Chụp X-quang kiểm tra ổ gãy (nếu cần).

Tiến hành:

- Bước 1: Đặt bệnh nhân ở tư thể thoải mái, nắn chỉnh trước khi bó bột nếu gãy lệch.

- Bước 2: Lót bột bằng vật liệu mềm để bảo vệ  khu vực thương tổn.

- Bước 3: Quấn từng lớp bột đều đặn lực vừa phải, làm ẩm vật liệu trước khi mang cho bệnh nhân.

Chăm sóc sau khi thực hiện:

- Giữ bột khô, không để ẩm ướt.

- Kê cao chi bị bó trong 24-48 giờ đầu để giảm sưng.

- Cử động nhẹ nhàng các khớp không bị bó để tránh cứng khớp.

- Theo dõi dấu hiệu bất thường: đau tăng, tê bì, tím tái, mất cảm giác hãy đi khám ngay.

- Tái khám theo lịch hẹn để kiểm tra tình trạng xương.

Một số vấn đề thường gặp sau bó bột

Sưng nề, đau tăng sau bó bột

Nguyên nhân:

- Do chấn thương viêm, sưng nề, tụ máu.

- Bột quá chặt gây cản trở tuần hoàn – Hội chứng chèn ép bột.

- Tư thế bất động không đúng.

Cách xử lý:

- Kê cao chi bị bó để giảm sưng (cao hơn mức tim, ít nhất 24-48 giờ đầu).

- Cử động nhẹ nhàng các ngón tay/ngón chân để kích thích tuần hoàn.

- Nếu sưng đau nhiều, bột có thể quá chặt → Cần đi khám ngay để điều chỉnh.

Loét da do bột tỳ đè

Nguyên nhân:

- Bột cứng, tì vào các điểm xương.

- Bệnh nhân cử động không đúng cách.

- Vùng da bị tổn thương trước đó.

Cách xử lý: Cần liên hệ ngay với bác sĩ và đến cơ sở y tế để khám kiểm tra và điều chỉnh bột.

Ngứa ngáy, khó chịu dưới lớp bột

Nguyên nhân:

- Bột tiếp xúc với da gây kích ứng nhẹ.

- Thời gian bó bột dài, mồ hôi tích tụ.

Cách xử lý:

- Dùng máy sấy thổi mát và làm khô.

- Không được dung vật nhọn chọc để gãi gây tổn thương da.

- Nếu ngứa quá mức kèm mẩn đỏ cần đi khám lại ngay.

Bột lỏng, ẩm, bị vỡ hoặc có mùi hôi

Nguyên nhân:

- Tiếp xúc với nước, hoặc mồ hôi gây bẩn và bột mềm mất tác dụng cố định.

- Bột bị va đập, nứt gãy.

- Sau khi hết sưng nề 7-10 ngày, bột sẽ lỏng ra và mất tác dụng.

Cách xử lý: Cần tái khám và thay lại bột mới.

Cứng khớp sau tháo bột

Nguyên nhân:

- Do bất động lâu ngày, cơ khớp kém linh hoạt.

- Không tập phục hồi chức năng sau tháo bột.

Cách xử lý:

- Tập phục hồi chứng năng sớm theo chỉ định của bác sĩ.

- Cử động nhẹ nhàng sau bó bột, tránh vận động mạnh quá mức ngay lập tức.

Lưu ý quan trọng: Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào như đau tăng, tím tái, tê bì, bột lỏng lẻo hoặc có mùi hôi cần liên hệ ngay với bác sĩ và tới cơ sở y tế kiểm tra.

Bó bột sau bao lâu có thể tháo bột?

Thời gian bó bột phụ thuộc vào loại gãy xương và tình trạng cụ thể của bệnh nhân.

Đối với người có sức khỏe tốt gãy xương chi trên có thể lành sau 4-8 tuần, chi dưới là 8-12 tuần tùy vào vị trí xương gãy, tuổi tác và giới tính và tình trạng cụ thể của bệnh nhân.

Bệnh nhân được kiểm tra về lâm sàng và X-quang. Nếu xương đảm bảo đã lành có thể tiến hành tháo bột.

Sở Y tế Hà Nội

comment Bình luận

largeer