Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với Ủy ban Dân tộc về quản lý nhà nước đối với cơ sở giáo dục

Ngày 31/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) có buổi làm việc với Ủy ban Dân tộc về một số nội dung liên quan đến quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục trực thuộc Ủy ban Dân tộc. Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Kim Chi, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà chủ trì buổi làm việc.
01/11/2024 10:00

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà cho biết: Ngày 26/9/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1127/QĐ-TTg chuyển 4 trường dự bị đại học và Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc từ Bộ GDĐT về trực thuộc Ủy ban Dân tộc. Ngày 8/10/2022, Bộ GDĐT và Ủy ban Dân tộc đã tiến hành bàn giao, tiếp nhận 5 trường này.

Sau khi tiếp nhận các trường nêu trên, Ủy ban Dân tộc đã nhận được sự quan tâm của Bộ GDĐT trong việc phối hợp thực hiện quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường tổ chức hoạt động giáo dục đảm bảo đúng các quy định của pháp luật. Tuy nhiên trong quá trình triển khai việc quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục này còn gặp những vướng mắc trong quy định.

Vì vậy, Thứ trưởng Nông Thị Hà mong muốn buổi làm việc sẽ tháo gỡ những khó khăn, bất cập liên quan đến quản lý sau khi bàn giao, tiếp nhận các nhà trường nhằm tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các trường dự bị đại học phát triển, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

giaoducj

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Kim Chi, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà đồng chủ trì buổi làm việc (Ảnh: Bộ GDĐT)

Tại buổi làm việc, các đơn vị thuộc Bộ GDĐT và Ủy ban Dân tộc đã trao đổi các nội dung liên quan đến cơ cấu chức năng, nhiệm vụ của trường đại học dự bị; tổ chức hoạt động giáo dục; chương trình bồi dưỡng và tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên trường dự bị đại học; về dự án đầu tư tại Trường Dự bị đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang; chính sách cho nhà giáo và trẻ em, học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi; trao đổi và xin ý kiến về Đề án đổi mới mô hình hoạt động của các cơ sở giáo dục trực thuộc Ủy ban Dân tộc.

Sau khi lắng nghe các trao đổi, đề xuất của các đơn vị thuộc Bộ GDĐT và Ủy ban Dân tộc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nhận định, việc đầu tiên cần phải làm là bày tỏ thái độ, trách nhiệm của các đơn vị đối với giáo dục miền núi. Đây là một chủ trương, chính sách xuyên suốt của Đảng và tại thời điểm này, giáo dục dân tộc cho đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ đơn thuần là nhiệm vụ chuyên môn mà còn là nhiệm vụ chính trị.

“Nâng cao dân trí để đảm bảo an sinh xã hội một cách bền vững và góp phần tích cực chủ động để đảm bảo an ninh quốc phòng ở những vùng có vị trí, vị thế đặc biệt trong bảo đảm an ninh quốc gia. Điều đó để khẳng định rằng, Bộ GDĐT xác định đây là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng phải được chú tâm triển khai, thực hiện”, Thứ trưởng nói.

Nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo Bộ GDĐT cũng như các đơn vị thuộc Bộ trong triển khai nhiệm vụ này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi khẳng định: “Đây là nhiệm vụ khó và nếu như chỉ làm nhiệm vụ đơn thuần, tuân thủ theo đúng pháp luật thì chưa đủ mà phải làm bằng cả tâm huyết, trách nhiệm của từng cá nhân mới toàn vẹn và đầy đủ”.

Trên cơ sở những trao đổi, vướng mắc được nêu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GDĐT đề xuất nên có những buổi làm việc cụ thể, chính thức đối với từng đầu việc, đúng vai, đúng việc, đúng trách nhiệm ở các khía cạnh, lĩnh vực của hai đơn vị.

Đối với vị trí của mình, Thứ trưởng khẳng định, Bộ GDĐT luôn sẵn sàng phối hợp, tham gia về công tác chuyên môn với các công việc, lĩnh vực do Ủy ban Dân tộc chủ trì. Trong quá trình cùng thực hiện nhiệm vụ giáo dục dân tộc miền núi, hai bên phải cùng tham mưu sửa đổi nhiều chính sách, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cũng lưu ý về việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục dân tộc, ban hành cơ chế chính sách, kinh phí thực hiện, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia…

Trung tâm Truyền thông và Sự kiện

comment Bình luận

largeer