Bộ Y tế tổ chức cuộc họp nhóm đối tác y tế

Sáng ngày 30/1/2024 tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp nhóm đối tác y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương và bà Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO) đồng chủ trì cuộc họp.
31/01/2024 08:28

Tham dự có, đại diện đến từ các Đại sứ quán, các cơ quan/tổ chức hợp tác song phương và đa phương, các ngân hàng phát triển, các tổ chức phi Chính phủ quốc tế; các Bộ Ban ngành, đại biểu đến từ các tỉnh/thành phố, các cơ quan đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế và các cơ quan, tổ chức có liên quan…

Empty

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan gửi lời tri ân và cảm ơn sâu sắc tới các Đối tác phát triển, các Bộ Ban ngành, các cơ quan tổ chức và mong muốn quan hệ hợp tác đối tác ngày càng phát triển sâu rộng và bền chặt hơn nữa; trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ và hợp tác hiệu quả của Tổ chức Y tế thế giới và Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho việc duy trì và phát triển các hoạt động của diễn đàn nhóm đối tác y tế.

Empty

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị

Năm 2023, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, điều hành của Chính phủ, sự nỗ lực của toàn ngành Y tế, sự phối hợp của các Bộ, ngành và đặc biệt sự hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế, ngành Y tế đã đạt được những kết quả tích cực.

Toàn ngành đã hoàn thành 03/03 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2023 được Quốc hội giao; công tác chỉ đạo, điều hành được thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; công tác xây dựng thể chế tiếp tục được chú trọng và tập trung hoàn thiện để tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế và địa phương; dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác được kiểm soát tốt đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác khám bệnh, chữa bệnh. Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông thường phục hồi mạnh sau đại dịch COVID-19; các dịch vụ y tế ngày một đa dạng, chất lượng được nâng lên rõ rệt, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh được đầu tư xây dựng hiện đại và đồng bộ; kỹ thuật y học tiên tiến được chuyển giao xuống tuyến dưới; công tác khám, chữa bệnh từ xa, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại ngày càng được đẩy mạnh ở các tuyến, cơ sở y tế; triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển y tế cơ sở; tập trung cho công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính trong lĩnh vực y tế.

Năm 2023, Bộ Y tế đã tham mưu trình Quốc hội ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh và 02 Nghị quyết; Ban Bí thư ban hành 01 Chỉ thị; Chính phủ ban hành 04 Nghị định, 05 Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 08 Quyết định; Bộ Y tế ban hành 23 Thông tư theo thẩm quyền. Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở, khẳng định sự quan tâm và ưu tiên của Chính phủ trong việc tăng cường y tế cơ sở trong tình hình mới; các công tác về y tế dự phòng, khám chữa bệnh tiếp tục được hoàn thiện và triển khai trên cơ sở khung pháp lý dần hoàn thiện hơn; chăm sóc sức khỏe cho nhóm đối tượng đặc thù được tăng cường theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ và mức độ bao phủ; các vấn đề về năng lực hệ thống y tế như nguồn nhân lực, tài chính, thuốc, vắc xin vật tư và trang thiết bị y tế đã được phần nào tháo gỡ khó khăn và tiếp tục đổi mới hoàn thiện về chính sách.

Empty

Các đại biểu tham dự cuộc họp nhóm đối tác y tế năm 2024

Trên cơ sở các kết quả đạt được trong năm 2023, sang năm 2024, ngành Y tế sẽ tiếp tục kiên trì với mục tiêu phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, tập trung kiểm soát các dịch bệnh mới phát sinh; tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tất cả các tuyến; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách; giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế. Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: (1) Hoàn thiện thể chế, chính sách với 02 văn bản luật quan trọng là Luật Dược và Luật BHYT sửa đổi, cùng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật khám chữa bệnh.; (2) Nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng để ứng phó với các tình huống khẩn cấp và sự cố y tế công cộng; bảo đảm an ninh y tế, an toàn thực phẩm; (3) Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, đổi mới mạnh mẽ y tế cơ sở trong tình hình mới hướng tới thực hiện bao phủ sức khỏe toàn dân; (4) Triển khai quyết liệt chuyển đổi số ngành Y tế; (5) Phát triển nguồn nhân lực y tế, (6) Thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, nghiên cứu sản xuất vắc xin, thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế. Tăng cường công tác quản lý dược, thực phẩm, trang thiết bị y tế. Nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất, kiểm nghiệm, kiểm định thuốc, vắc xin, sinh phẩm, trang thiết bị y tế; (7) Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về công tác dân số trong tình hình mới; (8) Tăng cường vai trò, vị thế của y tế Việt Nam trên trường quốc tế; thúc đẩy các hợp tác về y tế. Các nội dung trọng tâm lồng ghép với mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 về y tế sẽ được cụ thể hóa thành các nhiệm vụ để các đơn vị chức năng phối hợp triển khai thực hiện.

Để thực hiện các mục tiêu trên, cùng với năng lực của ngành Y tế và nguồn lực do Chính phủ phân bổ, ngành Y tế rất cần sự đồng hành và hỗ trợ của các đối tác phát triển.  Những hỗ trợ và hợp tác của các Đối tác phát triển dành cho Việt Nam vô cùng quý báu, giúp Việt Nam tăng cường năng lực về chuyên môn kĩ thuật và nguồn lực, đặc biệt trong những tình huống khẩn cấp với các vấn đề về y tế công cộng. Việt Nam đã trở thành đối tác chiến lược với nhiều quốc gia trên thế giới và là thành viên tích cực của Liên Hợp quốc. Bộ trưởng Bộ Y tế hy vọng hợp tác về y tế tiếp tục là một phần quan trọng trong mối quan hệ hợp tác chiến lược song phương và đa phương của quốc gia.

Tại cuộc họp, bà Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đã đề cập đến 4 điểm sáng của y tế Việt Nam.

Empty

Bà Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu

Đầu tiên là về khía cạnh tài chính y tế bền vững:

Luật Bảo hiểm Y tế đang trong quá trình sửa đổi nhằm mục đích tăng cường hơn nữa công tác quản lý bảo hiểm và hướng tới tăng tỷ lệ bao phủ từ mức đã rất ấn tượng hiện nay là hơn 93% dân số.

Rõ ràng, với mục tiêu bao phủ y tế toàn dân, vẫn còn rất nhiều việc cần làm trong lĩnh vực tài chính y tế. Các lĩnh vực cần chú trọng hơn nữa bao gồm chuyển đổi sang tài trợ đầy đủ cho tất cả các dịch vụ y tế công cộng thiết yếu từ các nguồn tài trợ trong nước; giảm tỷ lệ thanh toán từ tiền túi (đang ở mức cao nhất trong khu vực); và đưa ra các biện pháp khuyến khích phù hợp để giảm bớt áp lực quá tải đối với bệnh viện. Điều này cũng có mối liên hệ chặt chẽ với lĩnh vực thứ hai là chăm sóc sức khỏe ban đầu hay y tế cơ sở;

Thứ hai là Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở và Nghị quyết 99/2023/QH15 của Quốc hội là những văn bản hỗ trợ cấp cao quan trọng nhằm phục hồi và củng cố hệ thống y tế cơ sở của Việt Nam trong năm vừa qua.

Xã hội khỏe mạnh là một xã hội trong đó mọi người đều có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu mọi lúc, mọi nơi họ cần với chi phí hợp lý. Tôi tin tưởng rằng tất cả các đối tác phát triển đều có chung tầm nhìn này, và chúng tôi mong muốn đồng hành và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu đó trong những năm tới;

Thứ ba, biến đổi khí hậu và sức khỏe:

Ngày càng có thêm nhiều bằng chứng cho thấy mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta. Giờ đây, việc biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người là điều không phải bàn cãi. Nhìn về mặt tích cực, trong cuộc họp nhóm đối tác y tế gần đây nhất được tổ chức ngay trước thềm hội nghị COP28 vào năm ngoái, chủ đề này cũng nhận được sự quan tâm đáng kể của các đối tác cũng như cam kết hành động mạnh mẽ từ phía Bộ Y tế và Chính phủ Việt Nam;

Cuối cùng là nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh và đại dịch:

Việt Nam đã chuyển đổi sang cơ chế “quản lý bền vững” dịch bệnh COVID-19 rất thành công. Nhưng vẫn sẽ phải tiếp tục rút ra những bài học kinh nghiệm từ đại dịch COVID-19 để đảm bảo đầy đủ năng lực và thể chế để phòng ngừa, chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, để đảm bảo rằng Việt Nam luôn ở thế chủ động khi xảy ra đợt bùng phát dịch hoặc đối mặt với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

Empty

Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Đặng Quang Tấn báo cáo tại cuộc họp

Báo cáo về “Kết quả nổi bật của ngành Y tế và hợp tác quốc tế năm 2023, uwu tiên và triển vọng hợp tác năm 2024” Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Đặng Quang Tấn cho biết đã có trên 1.750 hội nghị, hội thảo có yếu tố nước ngoài đã được Bộ Y tế chủ trì và cấp phép tổ chức trong năm 2023. Huy động hiệu quả các nguồn lực và hỗ trợ kỹ thuật từ các đối tác quốc tế,  góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe Nhân dân và hoàn thành các mục tiêu chiến lược của ngành y tế. Công tác ngoại giao vắc xin mang lại ý nghĩa thiết thực, kịp thời hỗ trợ công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Năm 2024, hợp tác quốc tế ngành Y tế sẽ thực hiện trên nguyên tắc: Thực hiện tốt, hiệu quả công tác hội nhập quốc tế; tuân thủ và phù hợp với các quy định của Đảng, Nhà nước và của Ngành. Hợp tác quốc tế về y tế năm 2024  sẽ ưu tiên các lĩnh vực khám chữa bệnh, dược, y dược cổ truyền, phòng chống HIV/AIDS và 1 số ưu tiên khác.

Empty

Các đại biểu thảo luận tại cuộc họp

Tại cuộc họp, các đại biểu đến từ các nhóm ddối tác y tế, các tổ chức phi Chính phủ quốc tế đã cùng thảo luận, trao đổi về những vấn đề quan tâm liên quan đến lĩnh vực y tế, phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và các dịch bệnh khác, già hoá dân số, y tế cơ sở, chăm sóc sức khoẻ thích ứng với biến đổi khí hậu, tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch nhằm thúc đẩy hỗ trợ và giải quyết các ưu tiên, nhiệm vụ chính của ngành y tế Việt Nam, tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ, hợp tác thông qua cơ chế và diễn đàn nhóm đối tác y tế...

Bảo Ngọc

comment Bình luận

largeer