Tri ân người có công – lan tỏa giá trị nhân văn trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Chuyện về người lính khoác áo Blouse: Đại tá, PGS. TS. Mai Xuân Hiên
Sinh năm 1955, Đại tá, PGS. TS. Mai Xuân Hiên, một người lính – bác sĩ, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tốt nghiệp Học viện Quân y với tấm bằng bác sĩ nội trú, ông nhận nhiệm vụ công tác chiến đấu tại Trung đoàn Đông Khê, Sư đoàn 331 (Cao Bằng).
Trong điều kiện đầy khó khăn, thiếu thốn, nguy hiểm cận kề của mảnh đất biên giới, với tinh thần và ý chí quả cảm của một người lính quân y, ông đã cùng với những đồng đội của mình vượt qua bom đạn, ngày đêm lập trạm, sơ cứu và điều trị, cứu sống hàng trăm thương binh, bệnh binh khỏi làn sinh tử. Đó cũng là những ngày tháng không thể nào quên đối với người lính Mai Xuân Hiên khi chứng kiến sự chiến đấu ngoan cường và cả sự hi sinh của những đồng đội quanh mình. Trong một lần tham gia cấp cứu và điều trị cho chiến sĩ ngoài mặt trận, một mảnh bom cày vào vai đã khiến ông trở thành thương binh 4/4.
Khi khói lửa đã lùi lại phía sau, ông vẫn tiếp tục hành trình của một người lính quân y với tinh thần không bao giờ khuất phục trước khó khăn, thử thách. Trở lại công tác tại Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Quân y 103 – Học viện Quân y, bằng kinh nghiệm và chuyên môn sâu sắc, ông đã trực tiếp tham gia hàng nghìn ca ghép mổ, cứu sống vô số ca nguy kịch, đặc biệt là các trường hợp suy tim, suy đa tạng. Ông cũng là người tiên phong trong các đột phá y học tại khoa hồi sức, như cơ chế chẩn đoán cấp cứu nhanh, sử dụng chế độ lọc máu liều thấp kết hợp thuốc hướng đích, giúp giảm tỉ lệ tử vong trung bình 20 đến 30% so với trước đây. Với tâm huyết và kinh nghiệm của mình, ông luôn sẵn sàng hướng dẫn, chia sẻ các đề tài nghiên cứu, tham gia giảng dạy, đào tạo ra nhiều thế hệ bác sĩ, điều dưỡng viên tài năng, góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền Y học nước nhà.

Đại tá, PGS. TS. Mai Xuân Hiên
Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19 vừa qua, dù đã ngoài 65 tuổi, bác sĩ Hiên vẫn không quản ngại hiểm nguy, trực tiếp tham gia cùng các y bác sĩ trẻ, chiến đấu ngày đêm không ngủ khi dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ. Với y đức cao cả, ông luôn tự nhắc nhủ: "Bệnh nhân nặng hôm qua, là thương binh hôm kia – mạng sống nằm trong tay mình, phải chữa bằng trách nhiệm và tâm huyết". Câu nói ấy đã trở thành kim chỉ nam, lan tỏa mạnh mẽ trong đội ngũ đàn em, thôi thúc họ cống hiến hết mình vì người bệnh.
Không chỉ trong thời chiến, ngay cả khi hòa bình đã lập lại, bác sĩ Hiên vẫn không ngừng chiến đấu. Ông thường xuyên tham gia và chủ trì các buổi khám bệnh miễn phí cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các thương binh. Hình ảnh đó đã trở thành một biểu tượng đẹp đẽ về y đức trong thời hậu chiến. Không chỉ đứng sau bàn khám, ông còn là người khởi xướng, đi đầu trong các chương trình y tế cộng đồng, thể hiện tầm nhìn và tinh thần không mệt mỏi vì sức khỏe cộng đồng.
Với những thành tích và cống hiến xuất sắc trong suốt cuộc đời, Đại tá, PGS. TS. Mai Xuân Hiên đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, hạng Ba và Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì. Trong nghiên cứu khoa học, ông vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về tham gia đề tài khoa học công nghệ "Cụm công trình ghép tạng" và được Bộ Y tế tặng thưởng "Huy chương vì sức khỏe nhân dân". Mặc dù đã nghỉ hưu, tinh thần cống hiến của ông vẫn không dừng lại, mà hòa vào tinh thần phục vụ nhân dân trên khắp đất nước.
Những "bông hoa thép" giữa lòng đất mẹ: Bà mẹ Việt Nam anh hùng
Để có được độc lập, tự do và phát triển ngày nay, bên cạnh những hi sinh xương máu của các thương, bệnh binh, của những người chiến sĩ đã ngày đêm chiến đấu trong mưa bom bão đạn, không thể không kể đến những hi sinh âm thầm của những người vợ, người mẹ nơi hậu phương, những người phụ nữ anh hùng đã gạt bỏ niềm riêng để tiến chồng, tiễn con ra trận.
Theo thống kê, hiện nay cả nước còn khoảng 2.988 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, với hơn 140.000 danh hiệu đã được trao tặng. Nhà nước vẫn đang tiếp tục thực hiện chính sách phụng dưỡng suốt đời, xây nhà tình nghĩa và khám sức khỏe định kỳ cho các Mẹ, thể hiện trách nhiệm xã hội sâu sắc và sự tôn trọng, tri ân những gì mà các Mẹ đã hy sinh, đóng góp cho thế hệ sau. Nhiều địa phương cũng thường xuyên phối hợp với quân y tổ chức các trạm khám lưu động, thiện nguyện đến từng gia đình, không để người mẹ nào phải chịu cảnh neo đơn, cơ cực, thiếu sức khỏe.
Câu chuyện về các mẹ cũng đã trở thành biểu tượng được tuyên truyền, giáo dục trong các thế hệ trẻ về đức hi sinh và lòng hiến dâng vì tổ quốc. Hình ảnh mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ bên mâm cơm với chín cái bát, chín đôi đũa dành cho chín người con đã hi sinh cho cách mạng không khỏi khiến nhiều người phải xót xa. Nhưng trong chính sự mất mát, neo đơn ấy lại càng bừng sáng đức hiếu sinh vĩ đại của mẹ. Hình ảnh mẹ Thứ đã lồng vào hình ảnh của hàng ngàn, hàng vạn người mẹ Việt Nam Anh hùng khác để tạo nên dáng hình của Đất nước ngày nay…

Hình ảnh mẹ Nguyễn Thị Thứ bên mâm cơm với 9 cái bát, 9 đôi đũa dành cho 9 người con của mình
Mẹ Nguyễn Thị Thứ, sinh năm 1904 tại xóm Rừng, thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam – một vùng quê giàu truyền thống yêu nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Quảng Nam chìm trong bom đạn, ruộng đồng tan hoang, nhà cháy trơ khung. Quân địch xới tung từng góc nhà, đào bới mồ mả cha ông. Ngọn lửa căm thù đã bùng cháy trong trái tim người mẹ yêu nước, được truyền sang cho chín người con trai của bà. Giữ trong mình lòng yêu nước, khát khao giành lại tự do và ngọn lửa căm thù giặc, các anh lần lượt lên đường. Tiếp theo là những năm tháng mẹ nuôi giấu cán bộ, mong ngóng tin con.
Hai cuộc kháng chiến tàn khốc, đau thương đã lấy đi tất cả chín người con trai của mẹ. Nhưng mẹ chưa một lần hối hận về những gì mình đã làm. Dù đau thương tột cùng, mẹ vẫn luôn mỉm cười, đón nhận mọi thứ. Nỗi đau riêng của mẹ hòa vào nỗi đau chung của đất nước, mẹ vẫn nén chịu và vững vàng vượt qua. Cội nguồn của sự chịu đựng ấy chính là nỗi căm thù, căm phẫn quân xâm lược. Sau khi đất nước giành được độc lập, mẹ vẫn sống ở ngôi nhà xưa của ông cha để lại tại thôn Thanh Quýt để hương khói cho chồng và các con. Mẹ Thứ trút hơi thở cuối cùng vào lúc 1 giờ 40 phút ngày 10/12/2010, thượng thọ 106 tuổi.
Sự đóng góp to lớn của gia đình mẹ trong kháng chiến đã được Nhà nước trao tặng Bảng vàng có công cách mạng. Riêng mẹ được tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất. Ngày 17/12/1994, mẹ Nguyễn Thị Thứ vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Mẹ là biểu tượng của lòng yêu nước, kiên cường, bất khuất, hy sinh cho đất nước để giành lại độc lập, tự do. Dù mẹ không còn nữa, những gì mẹ cống hiến cho Tổ quốc sẽ mãi mãi được ghi nhớ và là một tấm gương sáng để các thế hệ noi theo.
Mãi mãi một tinh thần cống hiến
Sau khi đất nước giành lại được độc lập và hòa bình, những gì chiến tranh để lại vẫn không thể nào xóa nhòa. Nó vẫn ở đó, dưới hình ảnh những vết sẹo trên cơ thể, những ký ức được kể lại cho con cháu hoặc được lưu giữ trong những trang sách. Nhưng dù cho có chịu những tổn thương về thể xác và tinh thần, "họ" – những y bác sĩ, những người lính, những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng – vẫn chọn tiếp tục con đường đã chọn, tiếp tục cống hiến cho Tổ quốc, nguyện một lòng trung thành và hy sinh cho Đảng và Nhà nước, góp phần phát triển đất nước dành cho thế hệ con cháu phía sau. Qua những hoạt động cộng đồng, từng ca trực, khám chữa bệnh, từng lời nhắc nhở, họ vẫn luôn gieo mầm cho thế hệ mai sau biết về sự dũng cảm, chính trực, siêng năng, về lòng biết ơn đối với ông cha ta và với cộng đồng.
Việc tri ân người có công là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi chúng ta. Đây là một hành động mang tính đạo lý, thể hiện cốt lõi của một nhân cách con người trong xã hội văn minh và phát triển.
Luật sư Thanh Bình (Đoàn luật sư TP.HCM)

- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Phát hiện thêm công dụng mới trong thuốc điều trị ung thư của Singapore
Các nhà nghiên cứu Singapore phát hiện ra rằng một loại thuốc điều trị ung thư do nước này phát triển có thể trở thành thuốc điều trị mới cho 2 nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu thế giới.July 16 at 8:04 am -
Thái Lan sản xuất thuốc điều trị ung thư nhắm đích đầu tiên được phát triển trong nước
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Thái Lan đã sản xuất thuốc viên điều trị ung thư nhắm đích đầu tiên – có tên Imcranib 100 - hoàn toàn được phát triển trong nước. Đây là kết quả của tầm nhìn khoa học và sự lãnh đạo của Công chúa hoàng gia Thái Lan - Giáo sư Tiến sĩ Chulabhorn Krom Phra Srisavangavadhana.July 15 at 9:13 am -
Xác thực truy xuất nguồn gốc - 'thuốc đặc trị' chống hàng giả
Khi nền kinh tế số đang trở thành một trong những trụ cột phát triển của đất nước, thì yêu cầu về tính xác thực, minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc của hàng hóa không chỉ phục vụ công tác quản lý nhà nước mà còn là điều kiện tiên quyết để nâng cao niềm tin thị trường trong nước và hội nhập quốc tế.July 9 at 8:25 am -
Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được chia thành 02 cấp
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 6/7/2025 sửa đổi, bổ sung một số nội dung Quyết định số 148/QĐ-TTg về việc phê duyệt Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).July 7 at 7:32 am