Bối cảnh lịch sử ra đời và ý nghĩa của Đề cương văn hóa Việt Nam

Tám thập kỷ đã trôi qua, nhưng giá trị, ý nghĩa của Đề cương văn hóa Việt Nam vẫn vẹn nguyên và mãi trường tồn với lịch sử, sự phát triển của quốc gia, dân tộc Việt Nam.
01/03/2023 21:07

Bước sang những năm 30 của thế kỷ XX, tình hình chính trị thế giới trở nên hết sức căng thẳng, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933, chủ nghĩa phát xít xuất hiện ở Ý, Tây Ban Nha, Đức, Nhật, đe dọa trực tiếp tới an ninh hòa bình của nhân loại. Trước nguy cơ đó, tháng 7/1935, Đại hội VII của Quốc Tế Cộng Sản họp đã xác định kẻ thù chính, trước mắt của nhân loại lúc này là chủ nghĩa phát xít, do vậy nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng thế giới lúc này là chống phát xít, chống chiến tranh, thực hiện hòa bình dân chủ, đồng thời chủ trương thành lập ở các nước Mặt trận Nhân dân chống phát xít chống chiến tranh.

Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 1/9/1939, phát xít Đức nổ súng tấn công Ba Lan, chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ và nhanh chóng lan rộng ra toàn châu Âu. Tại châu Á – Thái Bình Dương, phát xít Nhật ráo riết chuẩn bị và tiến hành xâm lược Trung Quốc, Triều Tiên. Ngày 22/9/1940, phát xít Nhật tấn công quân Pháp ở Lạng Sơn và Hải Phòng, quân Pháp nhanh chóng đầu hàng và ký hiệp ước ngày 23/9/1940 bắt tay cùng phát xít Nhật thống trị Đông Dương, đẩy Nhân dân ta vào cảnh “một cổ hai tròng”.

decuongvevanhoa

(Ảnh: Vietnamplus)

Trước khi phát xít Nhật “nhẩy” vào Đông Dương, Nhân dân ta đã, đang chịu 82 năm nô dịch của thực dân Pháp, đất nước, con người Việt Nam chìm trong “đêm trường nô lệ”. Ngoài những chính sách cai trị thâm độc về chính trị, kinh tế, thực dân Pháp đã thi hành những thủ đoạn phát xít trói buộc và tìm cách “giết chết” văn hóa Việt Nam: Mua chuộc, hăm dọa và đàn áp các nhà văn hóa cách mạng dân chủ, ra tài liệu tổ chức các cơ quan đoàn thể văn hóa để “nhồi sọ”, kiểm duyệt nghiêm ngặt các tài liệu văn hóa, mật thiết liên lạc với tôn giáo, để truyền bá văn hóa trung cổ, văn hóa ngu dân,…

Sau khi phát xít Nhật “nhẩy” vào Đông Dương, cùng với chính sách thống trị về chính trị, kinh tế, chính sách thống trị về văn hóa được phát xít Nhật đặc biệt coi trọng. Chúng tìm mọi cách để “tuyên truyền chủ nghĩa Đại Đông Á; Gây ra một quan niệm cho người Nhật là cứu tinh của giống gia vàng và văn hóa Nhật Bản chiếu rọi những tia sáng văn minh tiến bộ cho các giống nòi Đại Đông Á; Tìm hết cách phô trương và giới thiệu văn hóa Nhật Bản (triển lãm, diễn thuyết, đặt phòng du lịch, viện văn hóa, trao đổi du học sinh, mời nghệ sĩ Đông Dương sang thăm nước Nhật, mở báo chí tuyên truyền, tổ chức ca kịch, chiếu bóng…); đàn áp các nhà văn hóa chống Nhật và mua chuộc các nhà văn có tài”1 

Khi nói về chính sách thống trị của phát xít Nhật về văn hóa ở Đông Dương, đồng chí Trường Chinh viết: “Đặt chân lên đất Đông Dương, đế quốc Nhật liền lợi dụng văn hóa để tuyên truyền chủ nghĩa Đại Đông Á. Chúng làm cho một số trí thức không thấy được bản chất tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc và tin rằng người Nhật là bạn “da vàng” sẽ giúp đỡ các dân tộc “da vàng” thoát khỏi ách thuộc địa của các nước phương Tây… Với chương trình văn hóa Nhật – Việt, phát xít Nhật tuyển thanh niên đi học ở Nhật, tổ chức những đoàn tham quan và những hoạt động nghệ thuật để tuyên truyền cho cái gọi là “tính ưu việt” của văn hóa Phù Tang… Phát xít Pháp lúc đó cũng cực kỳ nguy hại và thâm độc. Chúng dùng bất cứ hình thức nào, phương tiện nào, miễn là đánh lạc hướng được người dân Việt Nam khỏi con đường cứu nước của Đảng… Chúng vừa phục hồi những quan điểm đạo đức cổ hủ và giả dối của giai cấp địa chủ phong kiến, lại vừa tuyên truyền lối sống dâm ô đồi trụy của giai cấp tư sản. Chúng vừa khuyến khích mê tín dị đoan, hủ tục, lại vừa du nhập các trào lưu văn hóa phản động mệnh danh là “mới”.2

Trước chính sách thống trị văn hóa đế quốc phát xít của thực dân Pháp và phát xít Nhật, nền văn hóa Việt Nam có nguy cơ biến thành nền văn hóa nô dịch, phát xít nghèo nàn lạc hậu. Cùng với đó, do bị hạn chế của thế giới quan, không ít văn nghệ sĩ đã lâm vào tình trạng hoang mang, do dự, bi quan, hoài nghi, một số có cuộc sống trụy lạc, xa rời thực tiễn cuộc sống coi mình như không có dính dáng gì đến chính trị và thời cuộc, đến vận mệnh quốc gia dân tộc. Lúc này cuộc đấu tranh chống phát xít Nhật – Pháp trên mặt trận tư tưởng – văn hóa diễn ra hết sức gay go, quyết liệt và cần thiết phải có một văn bản chính thống về văn hóa để định hướng cho giới văn nghệ sĩ, để “soi đường cho quốc dân đi”.

Trước những biến chuyển mau lẹ của tình hình thế giới và trong nước đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho công cuộc cứu nước giải phóng dân tộc. Đầu năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm tìm đường cứu nước và hoạt động cách mạng đã về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Tháng 5/1941, Người triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8. Hội nghị đã khẳng định nhiệm vụ cần kíp trước mắt lúc này là giải phóng dân tộc: “Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được. Đó là nhiệm vụ của Đảng ta trong vấn đề dân tộc”3. Để tập hợp lực lượng toàn dân tộc tham gia đấu tranh chống phát xít Nhật – Pháp, giải phóng dân tộc, Đảng chủ trương thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Mặt trận Việt Minh) đoàn kết tất cả các giai cấp, tầng lớp từ công nhân, nông dân, trí thức, tiểu tư sản, tư sản dân tộc, trung tiểu địa chủ yêu nước đứng dưới ngọn cờ cứu nước của Đảng, của Mặt trận Việt Minh.

Trên cơ sở nhận thức được vị trí, vai trò của văn hóa, để phát huy vai trò của lực lượng trí thức, giới văn nghệ sĩ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, từ ngày 25 - 28/2/1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp hội nghị tại Võng La (Đông Anh, Hà Nội). Hội nghị đã thông qua Đề cương Văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo. Hội nghị chỉ rõ: “Đảng cần có cán bộ chuyên môn hoạt động về văn hóa, đặng gây ra một phong trào văn hóa tiến bộ, văn hóa cứu quốc chống lại văn hóa phát xít thụt lùi,.. phải gây ra các tổ chức văn hóa cứu quốc và phải dùng các hình thức công khai hay bán công khai đặng đoàn kết các nhà văn hóa trí thức,…”

Chỉ với khoảng 1500 từ, được chia ra thành 5 nội dung, Đề cương Văn hóa Việt Nam là văn kiện xúc tích, ngắn gọn đã nêu nổi bật được bối cảnh lịch sử, xã hội, bối cảnh của văn hóa – văn nghệ Việt Nam, nguy cơ của nền văn hóa Việt Nam, vấn đề cách mạng văn hóa và nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mác xít Đông Dương và Việt Nam.

Đề cương Văn hóa Việt Nam ra đời trở thành Cương lĩnh của Đảng về văn hóa, khẳng định vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Đề cương đã góp phần thức tỉnh, “khai thông” tư tưởng cho không ít văn nghệ sĩ, trí thức đang rơi vào cảnh bi quan chán nản, mất phương hướng, là chỗ dựa vững chắc về tư tưởng, tinh thần cho mỗi người dân, nói chung và đội ngũ những người làm công tác văn hóa, văn nghệ sĩ, nói riêng, trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trước hết là đấu tranh chống lại các luận điệu lừa bịp, phản động, mị dân, xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, xuyên tạc đường lối giải phóng dân tộc của Đảng. Đề cương Văn hóa Việt Nam ra đời đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng khi nhận thức rõ sự cần thiết phải kết hợp các lĩnh vực, các mặt trận đấu tranh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc giành độc lập, để từ đó tạo nên sức mạnh tổng hợp. Đề cương Văn hóa Việt Nam đã khái quát một cách cô đọng bản sắc truyền thống văn hóa Việt Nam qua cụm từ “Dân tộc – Đại chúng – Khoa học”. Đó là một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa có tính phổ biến, rộng rãi và luôn đấu tranh chống lại, loại bỏ những cái cũ, lạc hậu, bảo thủ để hướng tới tiến bộ văn minh, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Tám thập kỷ đã trôi qua, nhưng giá trị, ý nghĩa của Đề cương Văn hóa Việt Nam vẫn vẹn nguyên giá trị và nó sẽ mãi trường tồn cùng với sự phát triển của đất nước, dân tộc Việt Nam, đúng như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021: “Tôi tin rằng, với một Đất nước, một Dân tộc trọng văn hiến, trọng hiền tài, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; Nhân dân đoàn kết, cần cù, sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, tài năng, có trách nhiệm cao với Nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc và tương lai của Dân tộc; cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho Dân tộc, cho Giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, Đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một Dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới”.

Tài liệu tham khảo:

- Văn kiện Đảng 1930 – 1945), Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng trung ương xuất bản, Hà Nội 1977, tr.318.

- Bốn mươi năm Đề cương văn hóa Việt Nam, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội 1985. Tr.9.

- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđđ,t.7, tr.118, 119.

Thạc sỹ Vũ Văn Chương – Đại học Hải Phòng

comment Bình luận

largeer