Buồn ngủ là dấu hiệu của bệnh lý

Cảm giác buồn ngủ xảy ra ở hầu hết tất cả mọi người. Tuy nhiên, đây cũng là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý chúng ta nên chú ý.
06/11/2020 15:40

Nhiều người nghĩ rằng ngủ 8h/ngày tức là ngủ đủ giấc, tuy nhiên mỗi ngày ngủ bao nhiêu giờ là đủ thực tế có thể thay đổi theo từng người. Lượng thời gian ngủ của hầu hết mọi người khoảng từ 7 đến 9 giờ. Tuy nhiên, khi bạn già đi, số giờ ngủ trung bình của giấc ngủ giảm còn 7 đến 8 giờ, với một số người thậm chí ngủ ít giờ hơn.

Các tổ chức nghiên cứu về giấc ngủ uy tín đã đưa ra các khuyến cáo thời gian ngủ hợp lý theo lứa tuổi như sau:

Trẻ mới sinh cần 20h/ngày, càng lớn thời gian ngủ của trẻ càng giảm, đến 6 tuổi trẻ cần 10h - 12h/ ngày để ngủ.

Thanh thiếu niên (14-17 tuổi) cần ngủ 8 - 10h/ngày.

Thanh niên và người trưởng thành (18-64 tuổi) cần ngủ 7 - 9h/ngày.

Người già (trên 65 tuổi) cần ngủ 7 - 8h/ngày. 

Tuy nhiên, nhiều người mặc dù đã ngủ đủ giấc nhưng vẫn luôn cảm thấy buồn ngủ. Theo nghiên cứu đã chứng minh, đây có thể là dấu hiệu của bệnh lý.

buon ngu

Hình minh họa.

Béo phì, trầm cảm

Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Y Penn State (Mỹ) cho thấy béo phì và trầm cảm (bên cạnh thiếu ngủ) là nguyên nhân cơ bản gây buồn ngủ thường xuyên.

Cơ chế chính khiến người thừa cân lúc nào cũng cảm thấy quá mệt mỏi có thể là tình trạng viêm mãn tính ở mức độ thấp. Các tế bào mỡ, đặc biệt là từ mỡ bụng, sản xuất các hợp chất miễn dịch gọi là cytokine thúc đẩy cơn buồn ngủ.

Những người bị trầm cảm trong nghiên cứu này cũng có tỷ lệ cao mắc chứng buồn ngủ ban ngày. Rối loạn giấc ngủ sinh lý, bao gồm việc mất nhiều thời gian mới ru ngủ được và hay thức giấc lúc giữa đêm, giúp giải thích cơn buồn ngủ ban ngày của họ.

Tình trạng luôn cảm thấy quá mệt mỏi trong ngày có thể làm giảm năng suất làm việc cũng như dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn như tai nạn giao thông...

Thiếu máu

Theo Prevention, luôn cảm thấy buồn ngủ, mệt mỏi vì thiếu máu là do oxy không được cung cấp đầy đủ từ phổi đến các mô và cơ quan trong cơ thể. Thiếu máu có thể do cơ thể thiếu hụt sắt, vitamin, mất máu, chảy máu bên trong hay do căn bệnh mạn tính như viêm khớp dạng thấp, ung thư hay suy thận. Ngoài ra, phụ nữ dễ bị thiếu máu trong ngày "đèn đỏ" và trong thời gian mang thai hay cho con bú vì nhu cầu sắt tăng cao.

Ngoài mệt mỏi, buồn ngủ, thiếu máu còn có những triệu chứng phổ biến như thiếu tập trung, tim đập nhanh, đau ngực và đau đầu.

Tiểu đường

Một trong những hệ lụy của bệnh tiểu đường đó là khiến cho não thiếu ôxy trong thời gian dài. Ngoài việc gây ra buồn ngủ, mệt mỏi, bệnh tiểu đường còn có thể gây ra một loạt những tác động tiêu cực về thể chất, khiến cho người bệnh cảm thấy một khi đặt lưng nằm ngủ là không muốn tỉnh dậy trong thời gian ngắn. Trong thực tế, bệnh nhân tiểu đường thường có thời gian ngủ vào ban ngày gấp đôi những người khác.

Tại sao cảm thấy rất buồn ngủ sau khi ăn được cho là triệu chứng ban đầu của bệnh tiểu đường? Trước hết nó có liên quan tới hạ đường huyết. Khi đột nhiên bạn ăn một lượng cacbonhidrat lớn, dẫn tới cơ thể sẽ dư ra một lượng glucose lớn, và cơ thể sẽ phải tiết ra quá mức lượng insulin để giải quyết phần dư thừa này. Sau khi lượng đường dư thừa được giải quyết, cơ thể lại thiếu đường và rơi vào trạng thái hạ đường huyết. Vì các chất dinh dưỡng chưa kịp chuyển tới não bộ, cho nên sẽ xuất hiện cảm giác rất buồn ngủ. Khi cơ thể phải tiết insulin quá mức sẽ trở thành gánh nặng cho cơ thể, và có thể coi nó là những dấu hiệu sớm của bệnh tiểu đường.

Bệnh tim

Buồn ngủ, mệt mỏi, mất sức cũng là một trong những triệu chứng phổ biến của bệnh tim. Bệnh tim làm cho tuần hoàn máu không lưu thông, các chất thải trong quá trình trao đổi chất sẽ tích lũy trong các mô về lâu dài sẽ gây ức chế thần kinh, gây ra mệt mỏi. Tuy nhiên buồn ngủ do bệnh tim không có tính đặc thù, nó rất khó để phân biệt với triệu chứng gây ra bởi các bệnh khác. Bên cạnh đó, bệnh tim còn có thêm các triệu chứng khác như khó thở, tức ngực…

Các bệnh hô hấp trong giấc ngủ

Nguyên nhân xuất hiện buồn ngủ, mệt mỏi vào ban ngày là do hô hấp trong khi ngủ của chúng ta kém, gây ra thiếu ôxy cho cơ thể. Cơ thể thiếu ô xy sẽ làm cho các cơ quan không được nghỉ ngơi đầy đủ sau một ngày dài học tập và làm việc vất vả. Những bệnh nhân mắc bệnh cảm cúm, viêm xoang, thường găp phải khó khăn trong hô hấp cũng sẽ có giấc ngủ liên tục bị gián đoạn. Lời khuyên của các bác sĩ đưa ra là thay đổi tư thế ngủ, tránh nằm nghiêng về bên trái sẽ giúp chúng ta có giấc ngủ sâu và khỏe mạnh hơn.

Tú Dương (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer