Cà Mau thực hiện chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2045

UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2045.
28/03/2023 15:26

Chương trình được chia làm 2 giai đoạn chính: Giai đoạn 1 từ năm 2023 – 2030; giai đoạn 2 từ năm 2031 – 2045.

Theo mục tiêu chương trình đề ra, đến năm 2030 giảm tối đa thiệt hại về người do thiên tai gây ra. Trong đó, tập trung giảm thiệt hại do sạt lở đất, thiệt hại về kinh tế do thiên tai thấp hơn giai đoạn 2010 – 2020; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai nhằm đảm bảo độ tin cậy và kịp thời, đáp ứng tốt yêu cầu phòng, chống thiên tai; 100% cơ quan, tổ chức và hộ gia đình vùng bị ảnh hưởng của thiên tai được tiếp cận thông tin về thiên tai đầy đủ, kịp thời.

Ảnh: Camau.gov

Ảnh: Camau.gov

Phấn đấu 100% cơ quan thường trực phòng, chống thiên tai cấp tỉnh đáp ứng được yêu cầu tham mưu, hỗ trợ ra quyết định chỉ đạo phòng, chống thiên tai, năng lực của lực lượng tham mưu hỗ trợ chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được kiện toàn.

Nâng cao nhận thức về rủi ro thiên tai và kỹ năng phòng, chống thiên tai của các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân, nhất là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Phấn đấu 100% cơ quan hành chính các cấp, tổ chức và hộ gia đình vùng ảnh hưởng thường xuyên của thiên tai được tiếp nhận đầy đủ thông tin, tài liệu về thiên tai và rủi ro thiên tai, hiểu biết kỹ năng phòng tránh thiên tai; 100% lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, trang bị đầy đủ kiến thức và trang thiết bị cần thiết; 100% tổ chức, hộ gia đình đảm bảo các yêu cầu phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.

Công trình cơ sở hạ tầng, nhà ở của người dân đủ khả năng chống chịu trước thiên tai theo mức thiết kế, từng bước nâng cấp đáp ứng yêu cầu về quản lý rủi ro thiên tai trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu. Tập trung khắc phục, xử lý 100% vị trí trọng điểm đê điều đặc biệt xung yếu; hoàn thành sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi hư hỏng, xuống cấp; 100% khu vực trọng điểm xung yếu về phòng, chống thiên tai được theo dõi, giám sát chủ động.

Triển khai thực hiện kế hoạch đến năm 2030 theo các mục tiêu đề ra, kết thúc giai đoạn đến năm 2030 sẽ tiến hành sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện. Trên cơ sở đó, rà soát, xây dựng mục tiêu cụ thể để thực hiện giai đoạn 2031 - 2045 hiệu quả, sát thực tế. 

Cẩm Đào

comment Bình luận

largeer