Các địa phương khẩn cấp triển khai nhiều biện pháp ứng phó với bão số 7

Nhiều tỉnh, địa phương đã lên phương án triển khai công tác phòng, chống bão để có thể chủ động ứng phó với diễn biến của bão và mưa lũ do bão số 7 gây ra.
14/10/2020 14:36

Tại Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ra công điện khẩn gửi các cơ quan đơn vị trên địa bàn yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, lũ.

Các đơn vị cần thông tin, cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả, tránh tư tưởng chủ quan.

Chủ tịch tỉnh cũng yêu cầu lực lượng chức năng kiểm tra, rà soát, chủ động sơ tán các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực ven sông, suối, bãi sông, hạ lưu hồ đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

Đối với khu vực ven biển, cửa sông, các địa phương phải rà soát và chuẩn bị sẵn sàng sơ tán dân theo phương án đã lập khi có lệnh.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, đến 16h ngày 13/10, toàn tỉnh có 7.194 phương tiện nghề cá, với 26.532 lao động đã về bến an toàn; còn lại 17 phương tiện với 84 lao động đang hoạt động trên vùng biển Thanh Hóa. Các phương tiện đều nắm được thông tin, diễn biến của bão số 7 và giữ liên lạc với bờ bình thường. Hiện nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Đồn Biên phòng tuyến biển thông báo, kêu gọi, hướng dẫn 17 phương tiện đang hoạt động trên biển khẩn trương vào bờ để tránh trú bão an toàn…

13-1602609720-y-3

Tàu thuyền ở Thanh Hóa và Nghệ An đã vào nơi tránh trú bão an toàn.

Tại Nghệ An, ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cũng ra công điện khẩn về phòng chống bão số 7.

Chủ tịch tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Chi cục Thủy sản và các đơn vị có liên quan khẩn trương sử dụng mọi phương tiện, bằng mọi biện pháp thông báo cho tàu thuyền trên biển biết diễn biến của bão, hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh, trú an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

Theo báo cáo của các địa phương và các ngành trong tỉnh, Nghệ An có 3.485 phương tiện với 17.473 lao động đánh bắt hải sản trên biển. Đến chiều 13/10, có 120 phương tiện với 366 lao động đang hoạt động tại vùng ven biển; 2 phương tiện với 12 lao động hoạt động ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ; có 26 phương tiện với 150 lao động đã vào tránh trú bão ở các tỉnh; 3.337 phương tiện với 16.945 lao động đang neo đậu tại bến.

Toàn tỉnh có 1.061 hồ, đập lớn nhỏ. Các đơn vị, địa phương đang vận hành theo phương án phòng, chống lụt bão được phê duyệt; các hồ chứa hiện đang đảm bảo an toàn.

Toàn tỉnh có 19 hồ chứa thủy điện đang vận hành khai thác, trong số đó có 8 hồ chứa đang vận hành theo quy trình liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả (sông Lam) và các hồ còn lại theo quy trình đơn hồ. Tất cả đã được phê duyệt các phương án phòng chống thiên tai và an toàn đập.

Theo dự báo, mưa bão đổ bộ vào Nghệ An sẽ gây thiệt hại lớn cho sản xuất, dân sinh, kinh tế xã hội, trong đó nguy cơ thiệt hại lớn và thấy rõ nhất là sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, hiện nay trong tổng số 86.174 ha lúa Hè Thu, lúa mùa đã được gieo cấy của tỉnh thì mới thu hoạch được 80.500 ha.

Tại Hà Tĩnh, để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đang hoạt động trên biển, Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển phối hợp với các địa phương ven biển đã thông báo cho 3.957 tàu cá với 14.932 lao động về nơi tránh trú an toàn.

Thiếu tá Nguyễn Đình Hiểu - Chính trị viên Phó Đồn biên phòng Cửa Sót cho biết, đến chiều 13/10, tại cảng Cửa Sót (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã có tất cả 201 tàu thuyền neo đậu, trong đó 170 tàu nội tỉnh và 31 tàu của các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Định.

"Hiện tại, còn 2 tàu của Hà Tĩnh do không về kịp nên đã neo đậu tại đảo Bạch Long Vĩ và Quảng Ninh, có tất cả 23 thuyền viên trên tàu. Tất cả đều đã vào bờ neo đậu an toàn", Thiếu tá Nguyễn Đình Hiểu cho biết thêm.

Tại Hà Nam, chiều 13/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Nam đã có công điện gửi: Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố; Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam; Công ty Cổ phần môi trường và công trình đô thị Hà Nam; Công ty Điện lực Hà Nam… về công tác ứng phó với bão số 7.

Để chủ động đối phó với bão số 7 và mưa lũ, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Nam yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo nhân dân khẩn trương thu hoạch diện tích lúa mùa còn lại, tránh để bị ngập đổ, hư hỏng do mưa úng. Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam, Công ty Cổ phần môi trường và công trình đô thị Hà Nam chủ động tiêu rút nước đệm, sẵn sàng tiêu úng hiệu quả cho diện tích trồng cây vụ đông, đồng thời xây dựng kế hoạch bơm tiêu úng cụ thể, chi tiết cho các Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Khu Công nghiệp Đồng Văn, vùng trũng, vùng thấp, vùng có nguy cơ ngập sâu trong trường hợp mưa lớn kéo dài.

Công ty Điện lực Hà Nam đảm bảo nguồn điện phục vụ cho bơm tiêu úng và thông tin liên lạc. Các cơ quan tuyên truyền bố trí thời lượng đưa tin về bão số 7 để nhân dân trong tỉnh biết, chủ động ứng phó… Các cơ quan, đơn vị cần theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, bão; thực hiện nghiêm túc chế độ thường trực, trực ban, tuần tra canh gác, chủ động có biện pháp ứng phó với diễn biến của bão.

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hà Nam, do ảnh hưởng của bão số 7 kết hợp với không khí lạnh, từ ngày 14 đến 16/10, tỉnh Hà Nam có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra tố, lốc, gió giật mạnh. Tổng lượng mưa phổ biến từ 100 đến 150 mm.

Tại Hải Phòng, để chủ động phòng, chống bão số 7, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hải Phòng đã phát đi Thông báo số 82/TB-PCTT&TKCN ngày 13/10/2020 về việc tạm dừng các hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, phà sông, phà biển, tuyến cáp treo Cát Hải-Phù Long, các hoạt động vui chơi, giải trí trên các khu vực biển, ven biển, đảo, ven sông từ 18 giờ ngày 13/10/2020.

Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, quận và Thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị chủ động thực hiện kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển khẩn trương di chuyển về nơi trú tránh an toàn; quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền thủy sản, tàu du lịch, tàu vận tải; tổ chức neo đậu tàu thuyền; gia cố lồng bè thủy sản; không để người trên các tàu thuyền, lồng bè, chòi canh thủy sản khi có gió mạnh hoặc bão đổ bộ, đặc biệt là khách du lịch trên biển và các đảo; giữ liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố căn cứ diễn biến của bão chủ động xác định thời điểm thông báo cấm biển và tạm dừng các hoạt động vận tải đường thủy nội địa, hệ thống cáp treo, cầu vượt biển, khu vui chơi giải trí tại các khu du lịch biển.

Cùng với đó, các địa phương, đơn vị chủ động rà soát, thực hiện các phương án phòng, chống bão, phương án sơ tán nhân dân ở khu vực trũng thấp, ven sông, ven biển, khu nhà cũ yếu, khu du lịch biển, khu vực có nguy cơ sạt lở và trên các phương tiện đã về nơi neo đậu.

Theo Kinh tế Môi trường

comment Bình luận

largeer