Thứ Ba, 3/12/2019 02:20
RSS
Hotline: 0913019054

Cách dùng cây bả dột làm thuốc

Có một loại thảo dược mang trong mình khả năng cầm máu, làm lành vết thương, điều hoà kinh nguyệt đó là cây bả dột hay còn gọi là cây ba dót.
19/01/2024 16:11

Mô tả

Thân: Bả dột là dạng cây thân thảo sống lâu năm, mọc thấp thường chỉ cao khoảng 60cm. Thân cây nhỏ có màu tím.

Lá: Hình mác, thuôn nhọn, mép lá nhẵn (lưu ý không nhầm lẫn với cây mần tưới: có hình dáng gần giống).

Mùi: Vỏ lá bạn sẽ thấy dược liệu có mùi thơm, ở trong thành phần hóa học của cây có chứa tinh dầu.

Thành phần hóa học: Trong lá bả dột có một lượng nhỏ tinh dầu tạo mùi thơm, qua các nghiên cứu tại Khoa Thực vật học, Đại học Annamalai, Ấn Độ đã xác định tinh dầu từ lá bả dột Eupatorium triplinerve được phân tích và đã được xác định thành phần chính trong tinh dầu là: 2-tert-butyl-1, 4-methoxybenzene (74,3%) và b-Selinene (8,6%).

badot

Cây bả dột. Ảnh: Caythuoc.org

Những nghiên cứu khoa học

Hoạt động chống trầm cảm, chống oxy hóa: Nghiên cứu trên chuột Wistar mới đây tại Đại học Liên bang do Pará, Brazil đã xác định được hoạt động an thần nhẹ, giải lo âu và chống trầm cảm trên hệ thần kinh trung ương của chiết xuất hydro-alcohol từ cây bả dột Eupatorium triplinerve.

Hoạt động kháng viêm đại tràng do axit axetic gây ra: Một thí nghiệm trên chuột tại Khoa Công nghệ sinh học, Đại học Periyar, Ấn Độ đã ghi nhận hoạt động chống viêm đại tràng của chiết xuất methanolic từ cây bả dột.

Xác nhận lá bả dột có công dụng dưỡng da và làm trắng da: Một nghiên cứu mới đây tại Đại học Mulawarman, Indonesia đã tiến hành xác định hiệu quả của bài thuốc làm trắng da từ lá bả dột của người dân bản địa ở Đông Kalimantan, Indonesia. Dựa trên những kết quả nghiên cứu thử nghiệm, Đại học Mulawarman xác nhận rằng kinh nghiệm sử dụng lá bả dột dưỡng da, làm trắng da là có cơ sở khoa học.

Tính vị: Cây bả dột có vị đắng, mùi thơm nhẹ, tính ấm.

Công dụng của cây bả dột

Kinh nghiệm dân gian được ghi chép tại tài liệu Cây thuốc An Giang – Võ Văn Chi có thống kê một số công dụng nổi bật của cây ba dót như sau:

- Cầm máu.

- Sát khuẩn.

- Điều hòa kinh nguyệt.

- Điều trị chứng rong kinh.

- Nhuận tràng nếu dùng liều cao.

- Dưỡng trắng da: Tại Indonesia người dân một số nơi còn dùng lá bả dột như một loại thảo dược dưỡng da và làm trắng da (Đã có nghiên cứu xác nhận công dụng này).

Liều dùng: 8g – 20g cây khô hoặc 30g – 50g cây tươi/ngày.

Cách dùng cây bả dột làm thuốc

Cầm máu, sát khuẩn vết thương: Dùng cây tươi giã nát đắp vào vết thương chảy máu, với cách đơn giản này có thể nhanh chóng cầm chảy máu với những vết thương nhẹ.

Điều trị rong kinh: Dùng 10g cây khô, rửa sạch, đun lấy khoảng 2 bát nước chia làm 2 lần để uống trong ngày.

Thuốc nhuận tràng: Dùng cây khô 20g hoặc cây tươi 40g, đun lấy khoảng 2 bát nước, chia làm 2 lần uống sau bữa ăn (bởi theo kinh nghiệm dân gian, nếu dùng liều cao bả dột có công dụng nhuận tràng).

Lưu ý phân biệt cây bả dột

Có một loại cây với hình dáng rất giống cây bả dột, đó là cây mần tưới. Cây này hình dáng giống hệt bả dột, chỉ khác: Mép lá bả dột trơn nhẵn, méo lá mần tưới có răng cưa.

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận