Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Những bài học vẫn vẹn nguyên giá trị
Trong suốt 77 năm qua, những bài học của Cách mạng Tháng Tám vẫn giữ nguyên giá trị. Đảng ta đã vận dụng, phát huy hiệu quả những bài học có ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
Thời khắc lịch sử
Bước sang năm 1945, tình hình thế giới có những chuyển biến mau lẹ, ảnh hưởng trực tiếp và tạo ra những điều kiện thuận lợi cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, trong đó có cách mạng Việt Nam. Chủ nghĩa phát xít đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt, tại mặt trận châu Á – Thái Bình Dương, quân đội phát xít Nhật đứng trước nguy cơ sụp đổ. Trong tình thế đó, ngày 9/3/1945, quân Nhật ở Đông Dương tiến hành đảo chính lật đổ quân Pháp, độc chiếm Đông Dương. Sự kiện này đã tạo những tiền đề quan trọng cho cách mạng Đông Dương chuẩn bị các điều kiện tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Đảng đã kịp thời ra Chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, đồng thời phát động Cao trào Kháng Nhật cứu nước làm tiền đề cho Tổng khởi nghĩa sau này.
(Ảnh tư liệu)
Ngay sau khi nắm bắt được thông tin phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng minh, Ngày 14/8 /1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng cộng sản Đông Dương họp tại Tân trào nhận định thời cơ cách mạng đã đến, phải nhanh chóng chớp thời cơ cách mạng, phát động lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật trước khi quân đồng minh vào Đông Dương.
Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp, tham dự có khoảng 60 đại biểu thay mặt cho 3 miền, kiều bào nước ngoài, các đảng phái, đoàn thể, dân tộc...Đại hội đã nhiệt liệt tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng và 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh, thông qua Lệnh Tổng khởi nghĩa, quyết định Quốc kỳ, Quốc ca, thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam do Hồ Chí Minh làm chủ tịch....Sau Đại hội quốc dân, Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào cả nước: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta" [1].
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 20 triệu đồng bào trong cả nước đã đồng loạt vùng dậy với tinh thần "dù đốt cháy cả dãy Trường sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập". Trong vòng 15 ngày (từ ngày 14 - 28/8/1945) Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công trên cả nước, chính quyền đã về tay nhân dân.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, thay mặt cho Chính phủ Lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Thắng lợi của cách mạng tháng Tám đã đập tan xiềng xích nô lệ của chủ nghĩa đế quốc trong hơn 80 năm, ách thống trị của phát xít Nhật 5 năm, chấm dứt sự tồn tại của chế độ quân chủ chuyên chế suốt 1000 năm. Việt Nam từ xứ thuộc địa nửa phong kiến mất độc lập, trở thành nước độc lập, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời – Nhà nước cộng hòa đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, có quyền quyết định vận mệnh của mình; Đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do.
Đánh giá về Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc” [2].
Giá trị những bài học lịch sử
77 năm trôi qua, nhưng những bài học của Cách mạng Tháng Tám cho đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị và có tính thực tiễn lớn lao.
Trước hết, bài học về giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản trong tiến trình cách mạng.
Ngay từ năm 1927, trong Tác phẩm Đường Kách mệnh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định: cách mạng muốn thắng lợi “trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam” [3].
(Ảnh tư liệu)
Từ nhận thức đó, sau khi trở thành người cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã có những bước chuẩn bị về tổ chức, chính trị, tư tưởng cho việc thành lập Đảng và triệu tập Hội nghị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930.
Ngay sau khi ra đời, Đảng đã từng bước xây dựng, củng cố lực lượng, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam thông qua 3 cao trào cách mạng. Đường lối của Đảng từng bước được kiện toàn qua thực tiễn đấu tranh, đặc biệt là sự chuyển hướng chiến lược kể từ sau Hội nghị Trung ương 6 (tháng 11/1939). Trong lãnh đạo tổng khởi nghĩa giành chính quyền, trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình, Đảng đã kịp thời đề ra những chủ trương đúng đắn, giải quyết những vấn đề cấp thiết của cách mạng, qua dó thể hiện tính linh hoạt của Đảng.
Đường lối cách mạng của Đảng luôn giương cao ngọn cờ Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội, coi đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam. “Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau” [4].
Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, có những giai đoạn lịch sử, có những sai lầm, khuyết điểm, Đảng đã thẳng thắn thừa nhận và kiên quyết sửa chữa, vì lợi ích của nhân dân. Chính điều đó đã giúp cho Đảng nhanh chóng lấy lại niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân.
Để giữ vững, phát huy vai trò lãnh đạo của mình, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn luôn chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Không ngừng phát triển, bổ sung Cương lĩnh chính trị, đường lối, nắm vững và kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Chú trọng công tác cán bộ, coi cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Không ngừng đổi mới, tự chỉnh đốn, phòng ngừa, đẩy lùi nguy cơ sai lầm về đường lối, quan liêu xa dân và nguy cơ suy thoái biến chất của một số cán bộ, đảng viên. Đảng đã kịp thời đề ra các Nghị quyết ngăn chặn nguy cơ suy thoái về đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên, từng bước củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (30-10-2016) đã ban hành Nghị quyết Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn liền với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị (15-5-2016) về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII (25-10-2017) về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII (19-5-2018) về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp nhất là cấp chiến lược, thật sự làm cho Đảng vững mạnh, tiếp tục hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo xã hội và Nhà nước, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ mới.
Thứ hai, bài học về xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một minh chứng hùng hồn khẳng định vai trò và sức mạnh của quần chúng nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc trong thực tiễn cách mạng. Với 15 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, qua 3 cao trào cách mạng (cao trào 1930 – 1931, cao trào 1936 – 1939, cao trào kháng nhật cứu nước) Đảng đã từng bước giác ngộ, vận động, tập hợp và quy tụ sức mạnh quần chúng thông qua Mặt trận dân tộc thống nhất mà nòng cốt là các tổ chức quần chúng như Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Nông dân cứu quốc,… quy tụ sức mạnh dân tộc tiến hành cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc thành công.
Bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc tiếp tục phát huy trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Để tiếp tục phát huy bài học đó, ngày nay chúng ta phải luôn tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, luôn đổi mới phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tổ chức, để phát huy vai trò của nhân dân, nhất là vai trò giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
(Ảnh tư liệu)
Sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế đặt ra cho Đảng và dân tộc ta nhiều vận hội mới, nhưng cũng đan xen nhiều thách thức, khó khăn. Điều đó đòi hỏi Đảng phải tiếp tục phát huy được sức mạnh vô tận của khối đại đoàn kết dân tộc, qua đó tiếp tục động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào cuộc chiến đấu xóa đói nghèo, lạc hậu, xây dựng và bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Sự nghiệp đổi mới đất nước có thành công hay không phụ thuộc vào chính nhân dân, vào khối đại đoàn kết dân tộc.
Trải qua 13 kỳ đại hội với 92 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định giá trị to lớn của bài học sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh của nhân dân, lấy dân làm gốc: “trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc” và “đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân,…”.
Thứ ba, bài học về nhận định và “chớp” thời cơ cách mạng.
Thực tiễn diễn biến tình hình thế giới, khu vực và trong nước thời gian trước, trong và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đặt ra cho Đảng cộng sản Đông Dương những yêu cầu cấp bách cần giải quyết. Những quyết sách kịp thời, đúng đắn trong Cách mạng Tháng Tám là minh chứng sinh động về sự nhạy bén của Hồ Chí Minh và Đảng ta trong nhận định, thúc đẩy và chỉ đạo chớp thời cơ tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.
Ngay sau khi quân Nhật đảo chính lật đổ quân Pháp để độc chiếm Đông Dương, ngày 12/3/1945, trong Chỉ thị “Nhật. Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, Đảng ta đã nhận định những điều kiện để tiến hành tổng khởi nghĩa đã xuất hiện, nhưng chưa “chín muồi”. Đồng thời đưa ra dự kiến các điều kiện thuận lợi để tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền: Quân đồng minh kéo vào Đông Dương đánh Nhật đã bám chắc, tiến sâu trên đất nước ta và quân Nhật đã kéo ra mặt trận ngăn cản quân đồng minh để phía sau sơ hở; Cách mạng Nhật bùng nổ và chính quyền cách mạng Nhật được thành lập; Nhật bị mất nước như Pháp năm 1940 và quân đội viễn chinh Nhật mất tinh thần… Chỉ thị nhấn mạnh vẫn phải trên tinh thần dựa vào sức mình là chính.
Đến đầu tháng 8/1945 mọi công tác chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước đã hoàn tất. Các tầng lớp nhân dân đã sẵn sàng vùng dậy khi có lệnh của Mặt trận Việt Minh, của Đảng và Hồ chủ tịch. Vấn đề đặt ra lúc này là cần phải có thời cơ cách mạng.
Ngày 14/8/1945 chính quyền phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện, chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Quân đội Nhật ở Đông Dương như rắn mất đầu bị tê liệt hoàn toàn, chính quyền tay sai Nhật ở Đông Dương hoang mang tột độ. Trong khi đó khí thế cách mạng phát triển mạnh mẽ, hàng triệu quần chúng sục sôi sẵn sàng vùng dậy khởi nghĩa giành chính quyền, các tầng lớp trung gian đã thực sự ngả về phía cách mạng, tin tưởng cách mạng. Thời cơ cách mạng xuất hiện.
Trong khi đó các thế lực đế quốc đang chuẩn bị tiến vào Đông Dương giải giáp quân đội Nhật theo quyết định của Hội nghị Pốtxđam (7/1945) để thực hiện ý đồ riêng của mình, bọn phản động mưu toan nổi dậy cướp chính quyền chống phá cách mạng, lực lượng quân đội Nhật ở Đông Dương vẫn còn nguyên vẹn, quân Pháp đang toan tính, với sự trợ giúp của Anh, hậu thuẫn của Mỹ quay trở lại xâm lược Việt Nam...
Thời cơ cách mạng để giành chính quyền chỉ tồn tại trong thời gian từ khi Nhật tuyên bố đầu hàng đến trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương, vào khoảng nửa cuối tháng 8/1945.
Như vậy, thời cơ cách mạng đã chín muồi, nếu không nhanh chóng tiến hành tổng khởi nghĩa thì khi quân Đồng minh vào Đông Dương, việc khởi nghĩa sẽ trở nên rất khó khăn. Do vậy, phải bằng mội giá giành chính quyền trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương, để tiếp đón họ với tư cách là người chủ của đất nước. Vấn đề giành chính quyền được đặt ra như một cuộc chạy đua nước rút với quân Đồng minh mà Đảng và nhân dân Việt Nam không thể chậm trễ, không chỉ để tranh thủ thời cơ, mà còn phải khắc phục nguy cơ, đưa cách mạng đến thành công.
Nhận định đúng thời cơ, chớp thời cơ là một khoa học và là một nghệ thuật. Tuy nhiên để cách mạng đi đến thắng lợi thì vấn đề thời cơ là chưa đủ. Đảng và Hồ Chí Minh đã có sự chuẩn bị lực lượng để chớp thời cơ cách mạng trong suốt 15 năm kể từ khi Đảng ra đời vào năm 1930. Việc chuẩn bị lực lượng để chớp thời cơ và nhận định thời cơ xuất hiện để chớp là những yếu tố hết sức quan trọng, quyết định sự thành bại của cách mạng, đưa cách mạng đến thắng lợi một cách nhanh chóng và ít tổn thất nhất.
Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, phức tạp, khó lường hiện nay đã đặt dân tộc ta trước nhiều thuận lợi, khó khăn, thách thức. Việc vận dụng sáng tạo bài học chớp thời cơ trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi Đảng ta phải nâng cao năng lực phân tích, dự báo, đánh giá thực tiễn sâu sắc, trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể, nhận diện và nắm bắt đúng thời cơ để đưa ra quyết sách đúng, có lợi cho cách mạng, cho đất nước.
Trong quá trình hội nhập khu vực và thế giới, luôn quán triệt quan điểm giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tự chủ, giữ gìn môi trường hòa bình trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi. Việt Nam phải tạo ra sức mạnh nội sinh làm nền tảng cho sự phát triển bền vững. Muốn vậy, cần chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững; tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc trong xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường quốc phòng và an ninh; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ..
Thạc sỹ Vũ Văn Chương
Tài liệu tham khảo:
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, t.3,tr.596.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7,tr.25.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2,tr.289.
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.65
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Reborn Lift – Phương pháp trẻ hóa đa điểm giúp căn chỉnh gương mặt theo chuẩn tỷ lệ vàng
Phương pháp Reborn Lift được nhiều chị em lựa chọn vì mang đến giải pháp trẻ hóa toàn diện, giúp điều chỉnh các đường nét khuôn mặt theo chuẩn tỷ lệ vàng, tạo nên vẻ đẹp hài hòa và tự nhiên. Sử dụng công nghệ nâng cơ đa điểm tiên tiến, Reborn Lift không chỉ giúp làn da trở nên săn chắc mà còn hỗ trợ định hình cấu trúc khuôn mặt, duy trì sự cân đối và nét tươi trẻ lâu dài.November 23 at 6:06 pm -
Hội nghị Quốc tế “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu – cổ”
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20% dân số phải sống chung với viêm mũi xoang mạn tính, trong khi ung thư đầu cổ chiếm tới 10% tổng số ca ung thư - những con số vô cùng đáng báo động. Trước sự gia tăng nhanh chóng của các ca bệnh, việc nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu - cổ đã trở nên vô cùng cấp thiết.November 22 at 3:53 pm -
Đau hơn sau khi tiêm tế bào gốc trong điều trị thoái hóa khớp: Điều bình thường và cách xử lý
Liệu pháp tế bào gốc mang lại hy vọng cho người bệnh trên hành trình tìm kiếm giải pháp cải thiện và giảm bớt đau đớn từ chấn thương hoặc các bệnh lý mãn tính.November 20 at 5:33 pm -
Mở khóa thanh xuân, trẻ khỏe toàn diện với liệu pháp tế bào gốc
Lão hóa là một quá trình phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến làn da, mái tóc mà còn tác động đến cấu trúc và chức năng của các cơ quan bên trong cơ thể. Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của y học tái tạo, liệu pháp tế bào gốc được ứng dụng toàn diện giúp cơ thể khỏe mạnh từ bên trong, đồng thời duy trì nét tươi trẻ, rạng rỡ bên ngoài, làm chậm quá trình lão hóa.November 20 at 5:33 pm