Cách xử trí và phòng ngừa nhồi máu cơ tim hiệu quả mà bạn nên biết

Việc xử trí kịp thời khi bị nhồi máu cơ tim có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp người bệnh đảm bảo được tính mạng. Ngoài việc xử lý thì việc phòng ngừa cũng là điều mà mọi người nên quan tâm để tránh rơi vào tình huống nguy hiểm.
18/09/2020 09:59

Nên xử trí thế nào khi bị nhồi máu cơ tim?

1. Nếu bạn là bệnh nhân

dau-hieu-nhoi-mau-co-tim-3.jpg-e1594361561885

Nếu bạn nghi ngờ mình có dấu hiệu cảnh báo của cơn nhồi máu cơ tim thì hãy thực hiện những cách xử trí dưới đây:

– Dừng lại toàn bộ việc đang làm, ngồi với tư thế nửa nằm, nửa ngồi (được dựa lưng là tốt nhất) và co đầu gối lên trên mặt phẳng góc 75 độ so với mặt đất. Đây được xem là tư thế nghỉ tiêu tốn ít oxy nhất.

– Nới lỏng cổ áo, tuyệt đối không xoa dầu ngay cả khi cảm thấy ớn lạnh, vã mồ hôi lạnh.

– Hít thở đều để giúp thư giãn và không làm tăng nhịp tim. Trong những tình huống này, việc giữ bình tĩnh là quan trọng nhất để hạn chế làm cho thiếu máu cơ tim nặng lên.

– Gọi người thân hoặc 115 để được trợ giúp.

– Trong thời gian chờ đợi, bạn có thể dùng thuốc cấp cứu của bác sĩ kê, thường là Nitroglycerin viên đặt dưới lưỡi hoặc dạng xịt. Bạn cũng có thể dùng 1 viên aspirin nếu trước đó đã được bác sĩ chỉ định dùng với thuốc cấp cứu.

Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Một số thuốc giãn mạch như Nitroglycerin hay thuốc aspirin có thể có lợi trong cấp cứu nhồi máu cơ tim nhưng cũng có thể làm tình trạng trở nặng hơn. Ngoài ra, bạn cũng cần tránh dùng các thuốc làm ảnh hưởng đến tim mạch, thường gặp nhất là thuốc giảm đau.

2. Nếu bạn là người thân của bệnh nhân

Tùy vào tình trạng của người thân mà bạn có thể thực hiện các bước cấp cứu dưới đây:

so-cuu-nhoi-mau-co-tim-suckhoetuoitre

Trường hợp 1: Bệnh nhân còn tỉnh

– Bạn cho họ ngồi dựa lưng ở tư thế nửa nằm, nửa ngồi ngửa nghiêng 1 góc 75 độ so với mặt đất và co đầu gối lên.

– Yêu cầu người xung quanh không vây quanh để bệnh nhân thở.

– Nới rộng quần áo nhưng nhớ giữ ấm (nếu trời lạnh).

– Trấn an người bệnh để họ bớt căng thẳng và khuyến khích họ thở đều để tránh gây thiếu máu cơ tim và rối loạn nhịp nặng lên. Bạn luôn nhớ trong tình huống này người bệnh rất hoảng loạn nên bạn và người nhà cần bình tĩnh sẽ là cách tốt nhất để người bệnh được yên tâm.

– Gọi cấp cứu 115 và xin hướng xử lý tiếp theo trong khi chờ đợi các bác sĩ đến. 

Trường hợp 2: Bệnh nhân đã ngất đi

Việc đầu tiên bạn cần làm là gọi cấp cứu 115 và chuẩn bị tư thế sẵn sàng đưa người nhà vào viện. Trong khi chờ đợi, bạn có thể làm như sau:

  • Quỳ gối ngang ngực bệnh nhân, cởi áo ngoài của bệnh nhân.
  • 1 tay đặt lên trán, 1 tay nâng cằm, khai thông đường thở, loại bỏ dị vật nếu có.
  • Bắt động mạch cảnh cùng bên trong 5–10 giây, tai áp vào miệng bệnh nhân nghe hơi thở, mắt nhìn ngực kiểm tra có nhấp nhô theo nhịp thở không.

Bạn chỉ thực hiện ép tim ngoài lồng ngực cho bệnh nhân nếu đã từng được hướng dẫn làm việc này. Nếu chưa được hướng dẫn, bạn không nên thực hiện vì sẽ gây nguy hiểm cho người bệnh. 

Phòng ngừa nhồi máu cơ tim tái phát

cac-phuong-phap-dieu-tri-hep-mach-vanh-3_800x450

1. Điều trị tốt bệnh tim mạch

Nếu đang có sẵn bệnh tim mạch, bạn nên thực hiện tốt các phương pháp điều trị theo chỉ định từ bác sĩ để ngăn ngừa những bệnh tim mạch gây biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt, bạn cần lưu ý những bệnh tim mạch có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim là:

  • Mỡ máu 
  • Tiểu đường
  • Tăng huyết áp
  • Bệnh mạch vành
  • Thiếu máu cơ tim  

2. Điều trị dài hạn cho nhồi máu cơ tim

Các biện pháp điều trị trong giai đoạn cấp cứu cũng chỉ tạm thời giải quyết được hậu quả trước mắt của cơn nhồi máu cơ tim, chứ không hoàn toàn ngăn được tiến triển xơ vữa mạch vẫn diễn ra âm thầm. Bởi vậy, về lâu dài, người bệnh cần kiên trì trong việc dùng thuốc điều trị kết hợp với thay đổi lối sống để ngăn ngừa cơn đau tim tái phát.

 

4. Thực hiện lối sống lành mạnh

Bạn hãy bảo vệ sức khỏe tim mạch bằng cách thực hiện những lối sống lành mạnh dưới đây:

• Tập thể dục: Bạn hãy tập thể dục mỗi ngày trong ít nhất 30 phút hoặc ít nhất là 5 ngày/1 tuần để cải thiện sức khỏe tim mạch. Nếu bạn mắc bệnh liên quan đến tim mạch thì nên hỏi bác sĩ trước khi tập thể dục để lựa chọn hình thức luyện tập phù hợp. 

• Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Béo phì sẽ khiến bạn tăng nguy cơ mắc tiểu đường, cao huyết áp, mức cholesterol cao nên dễ làm tăng biến chứng nhồi máu cơ tim.

• Chế độ ăn uống: Những thực phẩm tốt cho tim mạch bao gồm ngũ cốc, rau, trái cây, thịt nạc, dâu tây, việt quất… Tuy nhiên, bạn cần hạn chế đường, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, cholesterol… 

• Kiểm soát stress: Stress có khả năng làm cơ thể hình thành huyết khối gây tắc nghẽn mạch máu, dẫn đến nhồi máu cơ tim hay đột quỵ. Vì thế, bạn hãy học cách kiểm soát stress như học yoga, nghe nhạc êm dịu, nghỉ ngơi đủ, đặt mục tiêu hoàn thành công việc theo thứ tự ưu tiên… 

• Bỏ những thói quen xấu: Bạn nên từ bỏ những thói quen xấu dễ gây hại cho sức khỏe tim mạch như hút thuốc lá, uống nhiều rượu, bia…

Người bị nhồi máu cơ tim nặng nếu như không được điều trị tốt, kịp thời thì người bệnh sẽ phải đối mặt với tình trạng rối loạn nhịp tim, suy tim và sự nguy hiểm đến tính mạng vẫn luôn thường trực bất cứ lúc nào. Vì thế, bạn cần phải luôn theo dõi tình hình bệnh của mình, nhất là khi đang có các bệnh về tim mạch, để có cách cứu trái tim của mình khỏi những cơn nguy kịch. 

comment Bình luận

largeer