Campuchia lên chiến lược sống chung với COVID-19

Lễ hội Pchum Ben đang trở thành phép thử cho khả năng thành công của chiến lược chung sống với COVID-19 mà chính phủ Campuchia theo đuổi.
07/10/2021 11:34

Pchum Ben, lễ hội truyền thống lớn nhất hàng năm của Campuchia, là dịp để người dân nước này tưởng nhớ đến công ơn của ông bà, cha mẹ và người thân; tạ ơn những người đã khuất và cầu phước cho những người còn sống.

Lê hội Pchum Ben năm nay diễn ra trong thời điểm nhạy cảm, khi chính phủ Campuchia rục rịch mở cửa trở lại nền kinh tế sau thời gian dài phong tỏa vì dịch bệnh COVID-19, theo Phnom Penh Post.

Lễ hội giữa đại dịch

Lễ hội Pchum Ben năm nay bắt đầu vào ngày 5/10 và kết thúc hôm nay 7/10. Phật giáo Campuchia tin rằng mỗi năm, linh hồn của ông bà, tổ tiên sẽ được phóng sinh trong 15 ngày. Đây là thời gian quá trình thanh tẩy linh hồn những người đã khuất.

Kết cục của những linh hồn được quyết định bởi nhân quả mà người này tạo ra khi còn sống, cũng như bởi những sự cầu khấn của người thân trong lễ hội Pchum Ben.

Năm nay, lễ hội Pchum Ben không còn được tổ chức hoành tráng như các năm trước, do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Tuy vậy, chính phủ Campuchia vẫn tìm cách khôi phục một số hoạt động.

Các chùa chiền, đền thờ phải hạn chế tiếp đón người tới cầu khấn, do lo ngại sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong những không gian kín. Nhưng thay vào đó, các hoạt động vui chơi giải trí, địa điểm du lịch khắp cả nước được mở cửa trở lại.

Dù thời tiết xấu, hàng chục nghìn người đổ tới các bãi biển ở miền Nam Campuchia, theo Khmer Times.

1

Người dân Campuchia tham gia một hoạt động trong lễ hội Pchum Ben

Theo Bộ Du lịch Campuchia, tỉnh ven biển Kampot đón hơn 30.000 lượt du khách trong 2 ngày đầu của lễ hội Pchum Ben. Trong khi đó, Kep và Preah Sihanouk lần lượt đón số du khách là 27.000 và 18.000.

Bộ trưởng Du lịch Thong Khon cho biết khoảng gần 1.500 lượt du khách nước ngoài đã tới Campuchia trong thời gian này.

Người dân đổ tới các điểm du lịch nhiều tới mức giao thông kẹt cứng trên nhiều tuyến đường.

Ngay trước ngày diễn ra lễ hội Pchum Ben, chính phủ Campuchia ra chỉ thị yêu cầu các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, cơ sở giáo dục áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ người dân lây lan virus trong thời gian nghỉ lễ.

Chỉ thị cũng yêu cầu thực thi nghiêm các quy định y tế, đặc biệt là "3 không và 3 có". "3 không" gồm không lui tới các không gian kín, không tụ tập đông người, không chạm vào người lạ. "3 có" gồm đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, và giãn cách 1,5 m.

Các doanh nghiệp, tổ chức cũng được yêu cầu nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm tất cả người lao động sau khi lễ hội Pchum Ben kết thúc.

Cuộc thử nghiệm của Campuchia

Trong một thông điệp gửi tới người dân Campuchia ngày 6/10, Thủ tướng Hun Sen cho biết lễ hội Pchum Ben năm nay diễn ra sau chiến dịch tiêm chủng lớn chưa từng có. Người dân Campuchia đã di chuyển khắp cả nước sau khi phần lớn đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.

Thủ tướng Hun Sen cho hay lễ hội Pchum Ben là bài kiểm tra khả năng Campuchia có thể mở cửa hoàn toàn nền kinh tế vào cuối năm nay hay không, theo Khmer Times.

Thủ tướng Hun Sen cho biết người dân Campuchia cần sẵn sàng đối mặt hậu quả về y tế cộng đồng, trong khi chính quyền đã sẵn sàng cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra, như trường hợp số ca mắc tăng vọt ở Ấn Độ sau dịp lễ hội.

2

Thủ tướng Campuchia Hun Sen

Nhà lãnh đạo Campuchia cho biết nếu số ca mắc bệnh và tử vong không ở mức quá đáng lo ngại, nước này sẽ mở cửa nền kinh tế và xã hội, đặc biệt là trường học và ngành du lịch.

"Kết quả khả quan sau lễ hội Pchum Ben sẽ dẫn đến cơ hội mở cửa đất nước trong mọi lĩnh vực, đưa đất nước trở lại trạng thái ban đầu trước đại dịch bất chấp COVID-19 tồn tại, chúng ta sẽ điều chỉnh cuộc sống theo trạng thái bình thường mới", Thủ tướng Hun Sen nói.

Ông Hun Sen cũng cho biết các hoạt động nhân dịp lễ hội Té nước năm nay, diễn ra từ 18-20/11, sẽ không được tổ chức. Tuy nhiên, người dân Campuchia vẫn được nghỉ lễ theo quy định và có thể đi du lịch.

Theo thông báo của Bộ Y tế Campuchia, đến ngày 5/10, nước này đã tiêm ít nhất một mũi vaccine COVID-19 cho 13,45 triệu người, tương đương 84% dân số.

Khoảng 11,13 triệu người, tương đương 69,5% dân số, đã tiêm đủ liều vaccine COVID-19. Trong khi đó, hơn 900.000 người, tức 5,6% dân số, đã tiêm mũi vaccine bổ sung.

Trong ngày 6/10, Campuchia ghi nhận 221 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 ở nước này lên 113.924.

Campuchia cũng ghi nhận 13 trường hợp tử vong, nâng số người chết vì dịch bệnh lên 2.431.

Hường Thu (Theo Phnom Penh Post)

comment Bình luận

largeer