Cẩn trọng với đồ chơi bạo lực mùa Trung thu ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ nhỏ

Mùa trung thu năm nay bên cạnh những món đồ chơi truyền thống như đèn lồng, đèn ông sao, mặt nạ đầu lân... thì những mặt hàng đồ chơi mang tính bạo lực, không hợp quy được nhập lậu lại ngang nhiên bày bán trên thị trường.
24/09/2020 09:12

Theo khảo sát của PV, không khó để tìm mua các loại mặt nạ cao su, kiếm, đao, súng bắn bi, súng đạn nhựa, súng đạn cao su… được bày bán trên các tuyến phố lớn trên địa bàn TP. Hà Nội như: Tô Hiệu (Q. Cầu Giấy), Hàng Mã (Q. Hoàn Kiếm), Lương Văn Can (Q. Hoàn Kiếm)….Đây hầu hết đều là mặt hàng nằm trong danh sách cấm lưu thông trên thị trường, với giá dao động từ 50.000 đồng – 300.000 đồng. Khi được hỏi về nguồn gốc, xuất xứ của những mặt hàng này, những người bán hàng cho biết họ cũng không nắm rõ bởi hàng được nhập qua nhiều mối buôn.

Không chỉ xuất hiện nhiều loại đồ chơi mang tính bạo lực, không rõ nguồn gốc mà hiện nay trên nhiều loại đồ chơi không được gắn dấu hợp quy, chứa hóa chất độc hại, tác động xấu đến sức khỏe, nhân cách của trẻ em khi sử dụng.

 

Anh N.H (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Con trai nhà tôi thích mua mặt nạ, nên tôi đã đưa cháu ra Hàng Mã tìm mua. Thế nhưng khi thấy chủ cửa hàng đưa ra chiếc mặt nạ đen đúa, với hình thù ma quái, đến mình là người lớn mà còn phát hoảng. Mua cái này về, nó đeo vào dọa em gái hay các bạn khác khéo các cháu khóc thét. không hiểu sao họ lại bán cho bọn trẻ cái này?".

Chị V.T (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Cứ mỗi dịp Trung thu là tôi thường mua đồ chơi làm quà cho các con, thị trường đồ chơi rất đa dạng và nhiều mẫu mã bắt mắt. Tuy nhiên, hầu hết các mặt hàng đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không có dấu hợp quy, chính vì vậy tôi rất lo lắng về chất lượng của những món đồ chơi này, liệu có đảm bảo cho sức khỏe của trẻ em?”

Theo quy định các loại đồ chơi dành cho trẻ em phải tuân thủ theo QCVN 3:2009/BKHCN, trước khi lưu thông trên thị trường phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy theo quy chuẩn. Tuy nhiên, tất cả loại đồ chơi này đều không có tem hay chữ tiếng việt (với hàng nhập) mà toàn chữ Trung Quốc.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thanh Mai (nguyên giảng viên trường ĐH Văn hóa) thì đồ chơi bạo lực, nguy hiểm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây tác động tiêu cực đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ.

Bất kể một loại đồ chơi nào cũng ảnh hưởng đến tâm lý. Một món đồ chơi thông minh sẽ giúp trẻ vừa giải trí, vừa phát triển trí tuệ. Nhưng những loại đồ chơi bạo lực tác động tiêu cực đến trẻ sẽ ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều.

Bởi đồ chơi là những thứ mà trẻ tiếp xúc, cảm nhận ngay từ những khoảnh khắc đầu đời và có ảnh hưởng lâu dài về sau. Ðồ chơi phải có tính phù hợp với từng lứa tuổi của trẻ. Nếu để trẻ nhỏ tiếp xúc với những loại đồ chơi mang tính bạo lực: súng, pháo… sẽ tác động sâu sắc đến tính cách của trẻ: tạo nên tính hung dữ, bạo lực.

 

Thiết nghĩ, trước tác động tiêu cực từ những loại đồ chơi bạo lực như vậy, cần thiết hơn cả là người lớn, các bậc phụ huynh phải tỉnh táo và quan tâm đến thú chơi của con trẻ hơn. Nhiều ông bố, bà mẹ vẫn còn quá hờ hững khi chọn mua đồ chơi cho con và thường ít chú ý đến xuất xứ, hậu quả sử dụng mà chủ yếu tập trung vào giá cả của sản phẩm và sở thích của con trẻ.

Trong một diễn biến mới nhất liên quan đến đồ chơi bạo lực, chiều 23/9, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Nghệ An) phối hợp Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường Nghệ An tiến hành kiểm tra tại cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em, địa chỉ tại khối 23, phường Hồng Sơn (TP. Vinh).

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện gần 100 mặt hàng đồ chơi trẻ em, gồm súng nhựa và kiếm nhựa - là những mặt hàng cấm kinh doanh. Số hàng đồ chơi nguy hiểm này được chủ hàng gom về để bán vào dịp Tết Trung thu sắp tới. Lực lượng chức năng đã thu giữ toàn bộ số hàng, hoàn thiện hồ sơ để xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ cơ sở theo đúng quy định pháp luật.

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, đồ chơi trẻ em chỉ được lưu hành trên thị trường khi đã có chứng nhận phù hợp với các tiêu chuẩn về an toàn, hàm lượng độc tố không được vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Đồ chơi bạo lực thực chất là một dạng vũ khí sát thương, nguy hại cho cả trẻ em lẫn người lớn. Nghị định 59/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, nêu rõ: Đồ chơi nguy hiểm, đồ chơi có hại tới giáo dục nhân cách và sức khỏe của trẻ em hoặc tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội (bao gồm các chương trình trò chơi điện tử) thuộc danh mục hàng hóa bị cấm kinh doanh.

Còn theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ, cá nhân, tổ chức sản xuất có thể bị phạt hành chính từ 500.000 đến 1.000.000 đồng; ngoài ra, có thể bị phạt bổ sung. Cá nhân, tổ chức cho trẻ em chơi những loại đồ chơi nguy hiểm có thể bị phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng.

Theo ViệtQ

comment Bình luận

largeer