Cảnh báo các nguy cơ sốc nhiệt khi làm các công việc ngoài trời nắng kéo dài

Khi nhiệt độ ngoài trời đạt 40 độ C, nắng nóng gay gắt có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như cháy nắng, chuột rút, say nắng, ngất xỉu, và đặc biệt là sốc nhiệt, một tình trạng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong nếu không được xử trí kịp thời.
24/07/2025 13:18

 1. Dấu hiệu của sốc nhiệt

Sốc nhiệt là tình trạng tăng thân nhiệt quá mức (trên 40 độ C), kèm theo rối loạn các chức năng cơ thể như hệ thần kinh, tuần hoàn và hô hấp. Người bị sốc nhiệt thường làm việc hoặc di chuyển ngoài trời nhiều giờ dưới nắng nóng mà không nghỉ ngơi và bổ sung đủ nước. Trước khi sốc nhiệt, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn, chuột rút, da nhợt nhạt, thở nhanh và nhiệt độ cơ thể trên 38 độ C. Khi sốc nhiệt xảy ra, các triệu chứng này vẫn tiếp tục sau 30 phút, nhiệt độ cơ thể có thể vượt quá 40 độ C, cơ thể khô và không đổ mồ hôi, thở nhanh hoặc hụt hơi, mất tỉnh táo, co giật hoặc không phản ứng.

Empty

Hoạt động dưới thời tiết nắng nóng trong thời gian dài có thể gây shock nhiệt (Ảnh minh họa)

2. Cách sơ cứu khi bị sốc nhiệt

Khi phát hiện người bị sốc nhiệt, cần đưa bệnh nhân vào nơi thoáng mát ngay lập tức. Cởi bớt quần áo, cho uống nước có pha muối hoặc nước chanh, và chườm mát vào các khu vực như cổ, nách, bẹn, lưng để làm giảm nhiệt độ cơ thể. Nếu triệu chứng nghiêm trọng như sốt cao, hôn mê, hoặc co giật, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu. Các biến chứng thường gặp khi cấp cứu sốc nhiệt muộn bao gồm co giật, suy thận, tổn thương thần kinh và các cơ quan khác, thậm chí tử vong.

3. Những đối tượng dễ bị sốc nhiệt

Mặc dù ai cũng có thể bị sốc nhiệt khi nhiệt độ quá cao, nhưng những nhóm đối tượng sau đây có nguy cơ cao hơn: người già, trẻ em, phụ nữ, những người mắc bệnh lý mạn tính như tim mạch, gan, ung thư, và những người lao động ngoài trời như công nhân, nông dân, vận động viên thể thao. Những người này có khả năng chịu đựng nắng nóng kém và dễ bị mất nước, kiệt sức nhanh chóng.

4. Biện pháp phòng tránh sốc nhiệt

Để tránh sốc nhiệt, bạn nên hạn chế ra ngoài khi trời nắng gắt. Nếu cần ra ngoài, hãy che chắn cơ thể bằng áo khoác chống nắng, khăn che, mũ rộng vành, hoặc dùng ô. Che chắn phần gáy là rất quan trọng vì đây là nơi điều hòa thân nhiệt của cơ thể. Đối với người lao động, cần mặc áo chống nắng, kính bảo hộ và nghỉ ngơi sau mỗi 1-2 giờ làm việc ngoài trời, bổ sung nước và điện giải. Uống đủ nước là điều quan trọng để tránh mất nước và duy trì sự cân bằng điện giải trong cơ thể. Tránh uống rượu và caffeine vì chúng có thể làm mất nước nhanh chóng. Ngoài ra, việc sử dụng kem chống nắng, đeo kính râm, và tăng cường luyện tập thể dục giúp cơ thể thích ứng với nắng nóng và bảo vệ sức khỏe.

Thảo Nguyên (Tổng hợp)

comment Bình luận