Cảnh giác với tình trạng đau mãn tính ở độ tuổi 40

Theo phát hiện mới công bố trên Tạp chí Plos One, đau mãn tính trong độ tuổi 40 có thể là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe tổng quát sa sút khi lớn tuổi, cần phải tầm soát và điều trị sớm.
08/11/2023 21:49

Ðể đi đến kết luận trên, các chuyên gia tại Ðại học Dartmouth (Mỹ) và Ðại học Luân Ðôn (Anh) đã phân tích hồ sơ y tế của 12.037 người tham gia một khảo sát quy mô lớn tại xứ sương mù. Họ có độ tuổi trung bình là 44 lúc bắt đầu nghiên cứu, với 40% trong số đó cho biết họ bị đau nhức mãn tính (tình trạng đau kéo dài ít nhất 3 tháng, có thể liên tục hoặc gián đoạn). 

Kết quả phân tích cuối cùng cho thấy cơn đau ngắn hạn hoặc dài hạn ở tuổi 44 có liên quan đến tình trạng đau và sức khỏe yếu kém về sau. Cụ thể, có đến 84% những người bị đau mãn tính khi bắt đầu nghiên cứu cho biết bị đau nhức rất nặng ở tuổi 50. Tình trạng đau mãn tính ở tuổi 44 còn liên quan đến sức khỏe tâm thần suy yếu, mức độ hài lòng về cuộc sống thấp hơn, bi quan về tương lai, ngủ không ngon giấc và thất nghiệp ở độ tuổi từ 50-62.

Ảnh minh họa: Healthline

Ảnh minh họa: Healthline

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân gây đau mãn tính, như do chấn thương hoặc tiến triển của một số căn bệnh. Một số yếu tố nguy cơ khác như tăng cân, thiếu vận động, thói quen ăn uống kém dinh dưỡng, thiếu ngủ cũng có thể dẫn tới đau mãn tính. Các vấn đề sức khỏe tâm thần và đau mãn tính cũng thường xuất hiện cùng lúc. Tình trạng đau nhức dai dẳng cũng có thể ảnh hưởng mọi khía cạnh trong cuộc sống của mỗi người và làm giảm mức độ hài lòng của họ với cuộc sống.

Ngoài dùng thuốc, các phương pháp chữa đau nhức phổ biến gồm tập vật lý trị liệu, tập thể dục, châm cứu, liệu pháp thư giãn và tư vấn tâm lý. Ðể phòng ngừa những hệ lụy sức khỏe về sau, những người từ 30-40 tuổi cần sớm điều trị cơn đau đang gặp nhằm ngăn nó tiến triển đến giai đoạn quá muộn để chữa trị, khi hệ thần kinh trở nên nhạy cảm rồi thích nghi với cơn đau đó và khó thay đổi.

Các chuyên gia khuyến nghị một số biện pháp giúp kiểm soát và ngăn ngừa đau mãn tính bao gồm:

- Thường xuyên tập thể dục, ăn uống lành mạnh và giữ mức cân nặng cân đối.

- Chủ động tìm hiểu nguy cơ mắc bệnh do di truyền để sớm có biện pháp phòng ngừa sự phát triển của các bệnh lý gây đau mãn tính như: tiểu đường, tăng huyết áp, tăng lipid máu, thấp khớp và một số loại ung thư.

- Tìm gặp chuyên gia tâm lý để được trợ giúp khi cảm thấy bị căng thẳng tinh thần quá mức, bởi nếu vấn đề tâm lý không được chữa trị sẽ dễ dẫn đến sự phát triển của các bệnh thuộc hệ thần kinh trung ương và dẫn đến đau mãn tính.

Theo Healthline

comment Bình luận

largeer