Cao Bằng: Bệnh nhi 7 tuổi nhập viện nghi ngộ độc do ăn nấm hái trong vườn

Mới đây, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng vừa tiếp nhận bệnh nhi 7 tuổi nhập viện nghi ngộ độc do ăn nấm hái trong vườn.
26/04/2024 08:12

Theo người nhà kể, Khoảng 19h ngày 23/4, bệnh nhi cùng gia đình ăn nấm không rõ loại được hái trong vườn. Đến 23h, bệnh nhi nôn nhiều lần kèm theo đau bụng mệt lả, trong gia đình cũng có ông nội có biểu hiện tương tự nên được đưa vào viện cấp cứu.

Tại bệnh viện, sau khi được tiến hành xử trí cấp cứu, cả 2 ông cháu bệnh nhi đều đã ổn định.

images1385176_1

(Ảnh minh họa)

Theo các bác sĩ, nấm vừa là một loại thực phẩm dinh dưỡng, bồi bổ sức khỏe vừa là một loại thuốc quý có thể chữa được nhiều bệnh nan y. Tuy nhiên, không phải loại nấm nào cũng sử dụng làm thực phẩm được. Những loại nấm chúng ta thường sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày có thể kể đến như: nấm rơm, nấm hương, nấm kim châm, nấm sò, nấm mèo… 

Trong khoảng 10.000 loài nấm trên toàn thế giới, hiện nay ước tính có khoảng 50 - 100 loài gây độc. Việt Nam là một nước nhiệt đới khí hậu nóng ẩm nên thuận tiện cho các loài nấm phát triển, đặc biệt vào mùa xuân, hè.

Các loại nấm độc phần lớn được xác định theo kinh nghiệm, mặc dù có một số sách hướng dẫn hoặc đơn giản xác định bằng cách cho súc vật ăn. Tuy nhiên, thực tế thì trong phần lớn các trường hợp, việc xác định nấm và độc tố là rất khó. 

Độc tố nằm trong toàn bộ cây nấm (mũ, phiến, vòng, cuống, bao gốc nấm). Độc tố có thể thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng của nấm, trong môi trường đất đai, khí hậu và thường gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe, rất phức tạp và khó tiên lượng.

Đề phòng ngộ độc nấm, các bác sĩ khuyến cáo:  Tuyệt đối không ăn nấm lạ, nấm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Chỉ được sử dụng nấm khi biết chắc chắn nấm đó không chứa chất độc hại.

Khi bị ngộ độc nấm cần phải đưa tất cả những người bị ngộ độc và cả người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến các cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa và theo dõi.

Mạnh Hà

comment Bình luận

largeer