Câu chuyện bài trừ hủ tục lạc hậu ở xứ Thanh

Phát huy vai trò tiên phong của đảng viên người Mông, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, những hủ tục liên quan đến việc cưới xin, ma chay... đang dần được xóa bỏ tại miền biên viễn xứ Thanh.
22/03/2024 07:38
Ông Lầu Minh Pó - Người có uy tín tiêu biểu bản huyện Mường Lát(Thanh Hóa), chia sẻ kinh nghiệm trong công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Ông Lầu Minh Pó - Người có uy tín tiêu biểu tại huyện Mường Lát (Thanh Hóa), chia sẻ kinh nghiệm trong công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Phát huy vai trò người có uy tín ở cơ sở

Trong đời sống văn hóa của đồng bào Mông, bên cạnh những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc thì cũng còn không ít những hủ tục liên quan đến việc cưới xin, ma chay. Những nghi lễ rườm rà, tốn kém đã gây ra nhiều hệ lụy xấu từ đời này sang đời khác.

Tại Thanh Hóa, những năm gần đây, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên người Mông, những hủ tục này đã và đang dần được xóa bỏ.

Nói về cuộc “cách mạng” loại bỏ hủ tục vùng cao ở xứ Thanh, có lẽ không ai xa lạ cái tên Lầu Minh Pó - nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát. Ông được xem là người đặt nền móng, xóa bỏ hủ tục treo người chết trong nhà của đồng bào Mông, tạo thói quen sử dụng quan tài để an táng người quá cố.

Nhắc lại hành trình đưa người chết vào quan tài, ông Pó không tin mình có thể làm được. Ông xem đây là cuộc cách mạng, để thành công như ngày hôm nay là nhờ sự quyết đoán và may mắn. Ông kể, ý định đưa người chết vào quan tài đã được ông suy nghĩ, ấp ủ từ khi còn làm giáo viên Trường Phổ thông cơ sở cấp 1-2 xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát. Nhiều lần viếng đám ma tại gia đình các giáo viên trong trường, ông nhận thấy, đám ma của đồng bào Thái, Kinh và các dân tộc khác rất văn minh. Đặc biệt, người chết được đưa vào quan tài rất sạch sẽ.

Trong đời sống của đồng bào dân tộc ít người, bên cạnh những nét văn hóa đặc sắc, vẫn còn không ít hủ tục

Trong đời sống của đồng bào dân tộc ít người, bên cạnh những nét văn hóa đặc sắc, vẫn còn không ít hủ tục

Năm 2005, ông Pó được bổ nhiệm giữ chức Trưởng Ban tổ chức Huyện ủy Mường Lát. Lúc này, ông bắt đầu công cuộc tuyên truyền, vận động đồng bào Mông xóa bỏ hủ tục tang ma. Ban đầu, việc tuyên truyền của ông chưa được nhiều người dân làm theo. Cho tới tháng 3/2013, chú ruột ông Pó qua đời. Lúc bấy giờ, ông quyết định sẽ là người tiên phong, đưa chú mình vào quan tài an táng để làm gương cho mọi người.

Quyết định của ông Pó ngay lập tức gặp sự phản đối kịch liệt của người thân trong dòng họ. “Khi bố gọi điện thông báo chú tôi mất, tôi nói sẽ đưa vào quan tài thì bố con cãi nhau. Bố bảo không được nhưng tôi đã cãi lời ông. Sau đó, tôi gọi cho mấy cán bộ huyện, xã xuống đưa chú tôi vào quan tài”, ông Pó nhớ lại.

Khi thi thể của chú ông Pó được đưa vào quan tài, nhiều người chỉ trích, nói ông Pó sẽ gặp những điều không may mắn. “Họ bảo tôi sẽ ‘nhanh đi’ thôi, sau 3 tháng ‘các cụ’ sẽ về đưa tôi đi cùng, tôi làm như thế thì gia đình làm ăn không phát triển, ốm đau suốt đời... Nhưng tôi không sợ vì tôi nghĩ mình có như thế nào thì đã có Nhà nước, có Đảng lo cho rồi”, ông Pó cười nói.

Sau 3 tháng kể từ ngày đưa thi thể người chú vào quan tài an táng, nhìn thấy ông Pó không có gì bất thường, vẫn khỏe mạnh. Lúc này, mọi người trong bản mới nhận ra việc làm của ông Pó là văn minh, sạch sẽ nên đã noi theo. Mỗi khi có người thân qua đời, họ đều đưa vào quan tài để an táng, thời gian làm tang ma cũng rút ngắn chỉ còn 2-3 ngày.

Một góc huyện Mường Lát (Thanh Hóa)

Một góc thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa

Ông Pó cho hay, để có được kết quả như ngày hôm nay cũng nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của lãnh đạo từ tỉnh đến huyện, xã. Đặc biệt là sự ra đời của đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa” vào năm 2013. Đề án đã góp phần thay đổi tư tưởng của đồng bào Mông, người dân dần hiểu được việc thay đổi trong tang lễ không làm ảnh hưởng xấu đến dòng họ, gia đình mình. Từ đó nhận biết được quan niệm, các hủ tục trước kia là sự mê tín do nhận thức cổ hủ, lạc hậu.

Bài trừ hủ tục từ góc nhìn văn hóa

Hủ tục là tập tục, tập quán đã lỗi thời, lạc hậu. Những yếu tố tiêu cực của nó làm cản trở tiến trình phát triển. Nghiêm trọng hơn là những hủ tục mang màu sắc mê tín, trở thành tội ác, là gánh nặng truyền đời đối với các cộng đồng người, nhất là đồng bào các dân tộc ít người.

Chúng ta đặt vấn đề tìm giải pháp khắc phục, dẫn tới bài trừ hủ tục là rất đúng. Thế nhưng, từ góc độ văn hóa, đây là một vấn đề nhạy cảm, không thể giải quyết một cách đơn giản mà phải hết sức cẩn trọng; phải xem xét tổng thể cả hệ thống chứ không “cắt xén” ra từng bộ phận để xử lý, cấm đoán.

Trong khía cạnh bài trừ hủ tục, biện pháp tuyên truyền, giáo dục và nêu gương nên đặt lên hàng đầu.

Trong khía cạnh bài trừ hủ tục, biện pháp tuyên truyền, giáo dục và nêu gương nên đặt lên hàng đầu.

Tín ngưỡng của cộng đồng đã trở thành nhận thức, là hệ thống quan niệm đã ăn sâu trong máu thịt. Từ nhận thức đã chuyển hóa thành hành vi. Bởi vậy, để giải quyết vấn đề hủ tục, phải có một cái nhìn toàn diện, trên cơ sở nghiên cứu một cách hệ thống, chuyên sâu. Giải quyết một vấn đề mang yếu tố văn hóa-xã hội bằng các giải pháp văn hóa thì hiệu quả của nó sẽ cao hơn và triệt để hơn các giải pháp khác.

Hiện nay, tại Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn một số hủ tục, nhất là trong cộng đồng các dân tộc ít người. Tuy nhiên, pháp luật chỉ có thể xử lý hành vi phạm tội, có tác dụng trừng phạt để ngăn ngừa chứ không thể giải quyết triệt để về mặt nhận thức.

Trong khía cạnh bài trừ hủ tục, biện pháp tuyên truyền, giáo dục và nêu gương sinh động từ cuộc sống nên đặt lên hàng đầu. Bằng cách nào đó để người ta hiểu ra rằng, đó là những hành vi sai trái để họ từ bỏ. Ðó chính là giải quyết vấn đề một cách căn cơ…

Mạnh Linh

comment Bình luận

largeer