Cây cần hôi giúp thông phổi, điều trị lao phổi, ho gà

Ngoài rau cần tây và rau cần ta thì các loại cần khác như cần hôi, cần ami, cần cánh túi, cần dại, cần núi, cần lá sợi… đều có thể dùng làm thuốc. Trong đó, cây cần hôi là cái tên khá quen thuộc và công dụng làm thuốc của nó cũng có nhiều điểm đáng ghi nhận.
12/09/2024 17:51

Đặc điểm cơ bản và cách nhận dạng cây cần hôi

Cây cần hôi (còn được gọi là cây băng biên), có tên khoa học là Pimpinella diversifolia. Ở nước ta, cây này mọc chủ yếu ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc.

Đặc điểm nhận dạng: Cây thuộc dạng thân thảo nhưng có thể cao đến 1,2 m. Lá ở gần gốc có hình tam giác, mép khía răng tai bèo và cuống lá phình to thành bẹ, có lông. Lá ở giữa thân chia thành 3 thùy, cuống lá ngắn hơn lá dưới gốc. Lá ở trên ngọn cũng chia thành 3 thùy và mép lá có khía răng. Hoa có màu trắng, mọc thành cụm. Quả hình trái xoan, hơi dẹp và có lông.

caycanhoi

Cây cần hôi. (Ảnh: Caythuoc.org)

Công dụng làm thuốc của cây cần hôi

Theo kinh nghiệm dân gian thì toàn cây cần hôi đều có thể dùng làm thuốc (cũng có khi chỉ dùng rễ).

Nếu dùng toàn cây thì sau khi nhổ xong, ta rửa sạch rồi dùng tươi hoặc dùng khô (nếu dùng khô thì phơi gió cho khô - tức phơi trong bóng râm).

Nếu chỉ dùng rễ thì ta đào vào mùa hạ, rửa rồi phơi khô và để dùng dần.

Theo y học cổ truyền thì cần hôi có vị cay và đắng, có tính ấm và hơi độc. Tuy nhiên, ở liều vừa đủ thì nó lại có nhiều công dụng như:

- Trừ hàn, điều trị cảm mạo do phong hàn.

- Khư phong, thông phổi, điều trị lao phổi, ho gà.

- Giúp tiêu sưng.

- Hoạt huyết, tán ứ.

- Giúp giảm đau, giải độc.

- Điều trị kiết lỵ và tiêu chảy.

- Điều trị sốt rét và đau dạ dày.

- Gây trung tiện (xì hơi).

Cách dùng: Lấy từ 12 – 20g cây cần hôi, xắt nhỏ, nấu lấy nước uống.

Riêng với trường hợp bị ong chích, bò cạp đốt hay rắn độc cắn thì ta vừa uống thuốc để giải độc từ bên trong, vừa lấy một lượng cây tươi, giã nát rồi đắp lên (để giải độc bên ngoài, tại vết thương).

Ngoài ra, ở Trung Quốc, người ta còn dùng cây này điều trị mụn nhọt ở mũi họng (bằng cách lấy cây tươi (hoặc rễ), giã nát, vắt lấy nước rồi nhỏ vào).

Lưu ý: Phụ nữ mang thai không được dùng.

Các nghiên cứu về cây cần hôi

Nhìn chung, trên thế giới, các nghiên cứu về tác dụng điều trị bệnh của cây cần hôi còn khá ít (các công trình thường tập trung vào phân tích thành phần tinh dầu và các hoạt tính cơ bản của cây thuốc này). Mặc dù vậy, đây lại là những dữ liệu quan trọng để khai thác giá trị dược liệu của cây cần hôi (trong tương lai).

Trong đó, có thể kể ra kết quả nghiên cứu sau: Theo tạp chí Phytochemistry, kết quả phân tích thành phần hoạt chất cho thấy tinh dầu từ rễ cây cần hôi có chứa các hoạt chất như: (+)-Z-2-methyl-2-butenoate (angelate) and (+)-isobutyrate esters of 4-methoxy-2-(E-3-methyloxiranyl)phenol…. Bên cạnh đó, một kết quả nghiên cứu khác (đăng trên tạp chí khác) cũng công bố cây cần hôi có chứa tinh dầu với nhiều hoạt chất đa dạng, cụ thể là có khoảng 38 thành phần chính, đáng kể là sesquiphellandrene(17.77%), 1H-benzocycloheptene(22.70%) và β-chamigrene (15.94%).

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer