Chăm sóc vệ sinh răng miệng trước và sau phẫu thuật đối với bệnh nhân chấn thương hàm mặt

Chấn thương hàm mặt thường gặp nhất là do tai nạn giao thông, ngoài ra còn gặp do tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt. Trong chấn thương hàm mặt, do cấu trúc giải phẫu bị chấn thương liên quan trực tiếp đến khoang miệng nên nguy cơ nhiễm trùng cao gây khó khăn cho việc điều trị.
21/02/2023 10:25

Do đó, công tác chăm sóc vệ sinh răng miệng trước và sau phẫu thuật đối với bệnh nhân chấn thương hàm mặt là công việc quan trọng cần thiết để giảm đau nhức vùng miệng, giảm nguy cơ nhiễm trùng, góp phần tăng hiệu quả điều trị.

Empty

 Bệnh nhân cố định hàm bằng nút Ivy

Trước phẫu thuật

Chế độ ăn: ăn mềm, nguội, bổ sung nhiều chất bổ dưỡng để có sức khỏe tốt cho ca phẫu thuật (thịt, trứng, sữa…), ăn nhiều lần trong ngày.

Vệ sinh răng miệng: Vệ sinh răng miệng hàng ngày sau mỗi bữa ăn bằng gạc sạch hoặc bàn chải đánh răng, sử dụng các dung dịch súc miệng có tính sát khuẩn như Betadine 1% pha loãng, NaCl 0,9% hoặc Chlorhexidine 0,12%.

Sau phẫu thuật

Với bệnh nhân có vết thương đơn thuần

Chế độ ăn: Ăn thức ăn mềm, nguội, bổ sung dinh dưỡng tốt giúp nhanh lành thương.

Empty

Bệnh nhân cố định hàm bằng cung móc

Vệ sinh răng miệng: Tương tự như trước phẫu thuật, vệ sinh răng miệng sau mỗi bữa ăn bằng gạc sạch hoặc bàn chải đánh răng, sử dụng các dung dịch súc miệng có tính sát khuẩn như Betadine 1% pha loãng, NaCl 0,9% hoặc Chlorhexidine 0,12%.

Chú ý vệ sinh sạch bề mặt và các kẽ răng, ngách tiền đình, đặc biệt là các vết thương trong miệng cần làm sạch nhẹ nhàng tránh tổn thương thêm, vệ sinh tối thiểu 3 lần 1 ngày hoặc sau mỗi bữa ăn, thời gian vệ sinh khoảng 3-5 phút/lần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ.

Với bệnh nhân sau phẫu thuật có cố định 2 hàm

Với một số bệnh nhân sau phẫu thuật có cố định 2 hàm bằng vít neo, nút Ivy hoặc cung móc thì việc chăm sóc và vệ sinh răng miệng hết sức quan trọng và cần được chú trọng do 2 hàm đã được buộc cố định, gây khó khăn cho ăn uống và vệ sinh răng miệng.

Chế độ ăn

Khi có cố định 2 hàm vẫn có thể ăn bằng đường miệng qua các khe hở hoặc phía sau các răng hàm, ăn thức ăn lỏng như cháo, súp, sữa bằng ống hút hoặc thìa hoặc bơm tiêm, ăn làm nhiều bữa trong ngày, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng giúp nhanh lành thương.

Vệ sinh răng miệng

Cần vệ sinh tối thiểu 3 lần 1 ngày hoặc sau mỗi bữa ăn, vệ sinh khoang miệng bằng bàn chải nhỏ hoặc tăm nước, nếu bệnh nhân không tự làm được có thể nhờ người nhà hỗ trợ, thời gian vệ sinh khoảng 3-5 phút/lần đảm bảo vệ sinh sạch.

Dùng tăm nước hoặc bơm tiêm đầu tù để bơm rửa răng miệng, dung dịch vệ sinh là nước muối sinh lý hoặc các dung dịch súc miệng thông thường, bơm nước qua các kẽ răng hoặc chun buộc, giúp làm sạch các cặn bám thức ăn, bơm từ từ nhẹ nhàng để tránh gây đau, tránh là tuột chun hoặc gây thêm các vết thương trong miệng. Sau khi vệ sinh, cần kiểm tra lại xem có còn các cặn bám thức ăn trên răng hay cung móc và chun buộc hay không, đảm bảo kết quả vệ sinh tốt.

Chăm sóc khác

Theo dõi chỉ thép cố định 2 hàm hoặc chun cao su, nếu có hiện tượng buồn nôn, nôn phải tháo chỉ thép, vòng cao su để tránh trào ngược gây sặc, luôn để sẵn kéo cắt chỉ thép bên cạnh trong trường hợp cố định hàm bằng chỉ thép.

Trong quá trình cố định hàm, nếu thấy chỉ thép lỏng, vòng chun bị tuột, răng không cắn khớp cần báo cho nhân viên y tế để khám và xử trí kịp thời.

Sau 2-4 tuần đến khám lại tháo cố định 2 hàm theo lịch hẹn của bác sĩ. Sau khi tháo cố định hàm thường có há miệng hạn chế có thể chườm nóng, xoa nắn và tập há miệng hàng ngày để dự phòng khít hàm. Tập há miệng to dần, thời gian đầu (khoảng 2-4 tuần đầu) ăn các thức ăn mềm, sau chuyển dần sang thức ăn bình thường, chú ý vệ sinh răng miệng hàng ngày và sau khi ăn. Đến viện khám lại ngay khi có các dấu hiệu bất thường.

Điều dưỡng Nguyễn Nhung, Vũ Nhung - Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình,

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

comment Bình luận

largeer