Châu lục chống COVID-19 tốt nhất thế giới lại đối mặt với nguy cơ phong tỏa

Trước sự lây lan chóng mặt của biến thể Delta, nhiều quốc gia tại châu Á bắt buộc phải triển khai lệnh phong tỏa và hạn chế nhằm đối đầu với đợt bùng phát dịch tồi tệ lần này.
30/06/2021 06:07

Mặc dù từng được xem là điểm sáng trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19, sự xuất hiện của biến thể Delta đã khiến số người nhiễm tại nhiều khu vực tại châu Á - Thái Bình Dương, như Malaysia, Indonesia, hay Australia, gia tăng nhanh chóng.

Điều này khiến giới chức buộc phải tăng cường hoặc gia hạn thêm lệnh phong tỏa. Cảnh tượng vốn tưởng bị lãng quên từ lâu: đường phố vắng ngắt, cửa hàng đóng cửa, tàu điện ngầm vắng khách lại bắt đầu xuất hiện trở lại.

Liên tục thắt chặt hạn chế di chuyển

Theo Strait Times, ngày 27/6, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cho biết sẽ gia hạn thời gian phong tỏa toàn quốc cho đến khi số ca mắc COVID-19 hàng ngày tại nước này giảm xuống còn dưới 4.000. Ngoài ra, cho đến khi các mục tiêu về tiêm chủng và tỷ lệ sử dụng giường trontg phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) đạt yêu cầu, khả năng mở cửa trở lại mới được chính phủ xem xét.

Ban đầu, Malaysia dự kiến kết thúc lệnh phong tỏa vào ngày 28/6. Tuy nhiên, sau gần bốn tuần kể từ khi phong tỏa toàn quốc, số ca nhiễm hàng ngày tại quốc gia Đông Nam Á này vẫn ở trên mức 5.000. Tính đến ngày 29/6, Malaysia ghi nhận tổng cộng hơn 739.000 ca mắc, số người qua đời vì Covid-19 vượt mốc 5.000, theo Worldometers.

250

Nhân viên y tế khử trùng một con phố ở Indonesia

Nước láng giềng Indonesia cũng bắt đầu đưa ra kế hoạch áp đặt các lệnh hạn chế nghiêm ngặt hơn bắt đầu từ ngày 30/6, sau khi cho rằng các biện pháp phong tỏa cục bộ hiện tại là không hiệu quả.

Theo nguồn tin từ Strait Times, Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ cùng các quan chức họp nội bộ vào ngày 29/6. Các biện pháp mới có thể buộc tất cả người lao động trong những lĩnh vực không thiết yếu phải làm việc tại nhà và cấm người dân ăn tại nhà hàng. Hiện tại, chính phủ vẫn cho phép 1/4 số người lao động làm việc tại văn phòng, các quán ăn được phép đón 1/4 số khách.

Ngoài ra, chỉ những ai đã tiêm chủng và có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19 mới được phép di chuyển bằng đường hàng không nội địa. Chưa rõ Indonesia sẽ áp dụng biện pháp cứng rắn này toàn quốc hay tại các khu vực màu đỏ, nơi có số ca mắc tăng mạnh, bao gồm thủ đô Jakarta.

Cùng ngày, nước này tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới vượt mốc 20.000 người, nâng tổng số người nhiễm và qua đời vì virus corona lên con số 2.156.465 và 58.024.

Ở Australia, tình hình cũng không tươi sáng hơn là bao. Hơn 12 triệu người Australia - gần một nửa dân số - hiện ở trong tình trạng phong tỏa khi quốc gia này phải vật lộn để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta.

Hôm 29/6, theo Reuters, Brisbane trở thành thủ phủ thứ tư của Australia đưa ra lệnh hạn chế di chuyển ra khỏi nhà, ngoại trừ những lý do thiết yếu như mua sắm và tập thể dục, trong ít nhất ba ngày. Động thái này được đưa ra chưa đầy 24 giờ sau khi Perth cũng phải áp dụng lệnh tương tự.

Trước đó, tại thành phố Sydney, bang New South Wales, giới chức đã buộc phải thông báo lệnh phong tỏa trong vòng hai tuần kéo dài đến ngày 9/7 vì 150 trường hợp mắc biến thể Delta. Cùng ngày, sau 67.000 người xét nghiệm, bang đã phát hiện thêm 19 trường hợp nhiễm mới.

Chạy đua tiêm chủng

Việc số ca nhiễm gia tăng liên tục, cùng với nỗi lo phong tỏa lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế, nhiều quốc gia đang chạy đua với kế hoạch tiêm chủng với nhiều mục tiêu tham vọng.

Theo South China Morning Post, chính phủ Malaysia đặt mục tiêu tiêm chủng cho 60% dân số cho đến cuối tháng 9. Hiện nay, mới chỉ có 5,5% trong tổng số 32 triệu người được tiêm đầy đủ hai mũi theo khuyến cáo.

Tuy nhiên, nước này cũng đang gặp phải tình trạng do dự khi tiêm ở một số bộ phận người dân. Thông tin sai lệch trên mạng xã hội đã khiến nhóm người cao tuổi sợ hãi khi đi tiêm chủng, đồng thời họ cũng có xu hướng lựa chọn vaccine Sinovac của Trung Quốc chứ không muốn sử dụng vaccine Pfizer.

249

Nhân viên của All Nippon Airways nhận liều vaccine Moderna tại sân bay Haneda, Tokyo

Tại Nhật Bản, ba tuần trước khi Tokyo đăng cai Thế vận hội Olympic, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định chính phủ đang “cảnh giác cao độ” bởi số ca nhiễm đang bắt đầu có xu hướng “tăng nhẹ tại thủ đô”. Ông Suga nhấn mạnh mình sẽ “nhanh nhẹn” điều chỉnh các chính sách sao cho phù hợp với tình hình thực tế.

Chiến dịch tiêm chủng của Nhật Bản đi từ cuộc đua marathon thành chạy nước rút khi quốc gia 126 triệu dân gấp rút tiêm chủng càng nhiều người càng tốt trước thềm Thế vận hội. Mới đây, chính phủ thông báo họ đã đạt được mục tiêu tiêm chủng cho một triệu người trong một ngày.

Tuy nhiên, mới chỉ có 8% dân số Nhật Bản được tiêm chủng, so với mức trung bình 10% trên toàn cầu, theo CNBC. Đối với nhiều chuyên gia, sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này có thể biến thành một sự kiện siêu lây nhiễm với quy mô toàn cầu, nếu như tiến độ tiêm chủng của Nhật Bản không tăng tốc.

Theo Zing new

comment Bình luận

largeer