Chế độ ăn uống dành cho phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ

Khoảng 10% phụ nữ phát triển chứng tiểu đường thai kỳ, căn bệnh gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ và bé. Tin mừng là vận động cơ thể và áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý có thể giúp 90% thai phụ bị tiểu đường thai kỳ kiểm soát hiệu quả tình trạng này.
22/08/2023 17:54

Thông thường, bác sĩ khuyến cáo thai phụ (nhất là những người có nguy cơ cao như thừa cân, lớn tuổi, từng bị tăng đường huyết, gia đình có tiền sử tiểu đường...) xét nghiệm đường huyết từ tuần thứ 24 đến 28 để chẩn đoán tiểu đường thai kỳ. Nếu có bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn áp dụng chế độ dinh dưỡng riêng để duy trì ổn định đường huyết. Trong đó, chế độ ăn kiêng do Hiệp hội Tiểu đường Mỹ (ADA) thiết kế được khẳng định có lợi cho thai phụ bị tiểu đường thai kỳ, giúp họ hạ sinh em bé khỏe mạnh và tránh được các biến chứng nguy hiểm khi sinh.

Chế độ ăn kiêng ADA là gì?

Về cơ bản, mục đích của chế độ ăn ADA là khuyến khích thai phụ tiêu thụ đa dạng các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe, đồng thời kiểm soát chặt chẽ lượng tinh bột và đường dung nạp vào cơ thể. Bà bầu cũng có thể chọn các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, cân bằng hàm lượng tinh bột và chất xơ để giữ đường huyết ở mức kiểm soát. Kiểm soát đường huyết bằng dinh dưỡng theo chế độ ăn ADA bao gồm 3 phương pháp để mẹ bầu lựa chọn, đó là:

Ảnh: iStock

Ảnh: iStock

Tính hàm lượng tinh bột và đường (carbohydrate)

Bác sĩ và thai phụ sẽ thảo luận để xác định lượng tinh bột và đường trong từng bữa ăn. Ban đầu, quá trình này sẽ mang tính thử nghiệm và có thể tính toán sai lệch do lượng bột, đường mà thai phụ dung nạp phụ thuộc vào lối sống, sự trao đổi chất và hoạt động thể chất của mỗi người. Nhưng một khi có định lượng cụ thể, thai phụ cần học cách tính hàm lượng tinh bột và đường trong thức ăn mà họ dùng nhằm đảm bảo không tiêu thụ quá mức tinh bột và đường trong 1 bữa ăn.

Tính chỉ số đường huyết (GI) của thực phẩm

Đây là chỉ số đánh giá khả năng làm tăng lượng đường trong máu của các loại thực phẩm sau khi tiêu thụ. Thai phụ sẽ cần kết hợp hầu hết các loại thực phẩm có chỉ số GI thấp hoặc trung bình với nhau dựa vào bảng chỉ số đường huyết thực phẩm. Ví dụ, mẹ bầu nên ăn một món có GI cao với một món có GI thấp để cân bằng đường huyết.

Phương pháp đĩa thức ăn (The Plate Method)

Thai phụ dùng đĩa ăn để phân chia những thành phần cốt lõi trong bữa ăn, đảm bảo chứa cả chất đạm (thịt, cá, trứng, tôm, cua...), rau củ không chứa chất bột, đường, cũng như tinh bột. Cụ thể, theo chuyên gia Stephanie Dunbar, Trưởng bộ phận dinh dưỡng và y học của ADA, thai phụ nên dành nửa đĩa cho rau củ không tinh bột, 1/4 đĩa cho chất đạm và góc còn lại để chứa ngũ cốc nguyên hạt hoặc rau củ chứa tinh bột (như khoai lang, khoai tây, bắp, bí đỏ, cà rốt, củ dền...). Sau khi ăn, các mẹ bầu cũng nên tráng miệng với một phần nhỏ trái cây và sữa ít béo để đảm bảo no bụng và cân bằng tâm trạng.

Điều cần lưu ý khi chọn thực phẩm

Khi lên thực đơn cho chị em bị tiểu đường thai kỳ, điều quan trọng là phải chọn thực phẩm theo hướng đa dạng, biết loại thực phẩm nào cần hạn chế tiêu thụ và loại nào phải tránh xa hoàn toàn. Theo đó, thực phẩm mà thai phụ bị tiểu đường nên ăn gồm cải bó xôi, bông cải xanh, cà chua, bột yến mạch, gạo lứt, đậu lăng, đậu đen, sữa ít béo hoặc không béo và dầu ôliu. Còn thực phẩm họ cần tránh xa là cà phê, nước trái cây, thức uống pha chế chứa hương vị, các món chiên, thức ăn nhanh...

Tuy chế độ ăn kiêng ADA đòi hỏi thai phụ phải tuân thủ một số thay đổi trong chế độ ăn uống thường ngày và áp dụng phương pháp chăm sóc sức khỏe bổ sung, song vẫn đảm bảo chị em có thể thưởng thức các món bổ dưỡng trong suốt thai kỳ.

Theo Fox News

comment Bình luận

largeer