Chế độ ăn uống và bệnh tăng huyết áp

Bệnh tim mạch là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở lứa tuổi 50-60, chiếm khoảng 15-25 % tổng số tử vong. Nó là nguyên nhân quan trọng ở Hoa Kỳ từ cách đây 40-50 năm, là nguyên nhân quan trọng ở các nước đang phát triển từ những năm 70-80 và sẽ là vấn đề y tế đáng lưu ý trong tất cả các quốc gia vào khoảng năm 2000 trở đi.
05/10/2021 11:04

Trong các bệnh tim mạch ở người lớn tuổi phải kể đến đầu tiên là bệnh tăng huyết áp (THA) và những biến chứng của nó. Tại Việt nam, THA cũng là một bệnh khá phổ biến và có xu hướng ngày một tăng lên.

Thế nào gọi là tăng huyết áp

 

Huyết áp là áp lực của máu trong lòng các động mạch. Khi tim co bóp (tâm thu) máu phụt vào các động mạch rất mạnh, thường tới 100-120 mmHg do đó gọi là huyết áp tâm thu hay huyết áp đối đa. Khi tim dãn ra (tâm trương) huyết áp hạ thấp có khi chỉ còn 60-80 mmHg nên gọi là huyết áp tâm trương hay huyết áp tối thiểu. Nếu huyết áp tối đa/huyết áp tối thiểu từ 90/60 đến 139/89 mmHg thì coi là bình thường trong đó từ 130/85 đến 139/89 được coi là huyết áp bình thường cao. Dưới 90/60 gọi là huyết áp thấp, từ 140/90 đến 159/94 gọi là THA giới hạn, từ 160/95 trở lên gọi là THA chính thức ( JNC VI).

Nếu xếp theo các giai đoạn của bệnh, người ta gọi THA giai đoạn I nghĩa là THA nhưng chưa ảnh hưởng đền các cơ quan khác như tim, thận, não, mắt. THA giai đoạn II nghĩa là đã ảnh hưởng nhưng mới chỉ có các triệu chứng chủ quan (có thể có dầy thất trái biểu hiện trên điện tim hoạc siêu âm, có hẹp động mạch võng mạc mắt, hoạc có vi-albumin niệu). THA giai đoạn III nghĩa là THA và có cả dầu hiệu khách quan lẫn chủ quan như khạc máu, khó thở, xuất huyết võng mạc, phù gai thị, xuất huyết não, suy tim…

Nguyên nhân gây tăng huyết áp

 

Có tới 90-95% THA không tìm thấy nguyên nhân, gọi là THA vô căn, còn lại rất ít (5%) gọi là THA thứ phát vì tìm thấy nguyên nhân cụ thể như có một bệnh nào đó ở thận, thượng thận hoặc do uống thuốc tránh thai… Người ta cũng đang xác định được một số nguy cơ của bệnh THA, nghĩa là nếu có nó sẽ dễ bị THA hơn, đó là: Béo phì (nhất là béo bụng), tăng cholesterol, tăng LDL, hạ HDL huyết thanh, tình trạng kháng insulin (đường huyết cao mặc dù vẫn đủ insulin), ăn mặn, uống nhiều rượu, ít hoạt động thể lực, tim nhịp nhanh, yếu tố tâm lý xã hội (vui buồn cáu giận), và yếu tố môi trường ( ồn ào,chật chội)…

t

Rượu với tăng huyết áp

 

Trong cơ thể rượu không tồn tại được lâu, chỉ một số được chuyển hoá trong gan, một số được sử dụng ngay, một số được đào thải qua hơi thở ra ngoài. Rượu có tác dụng làm tăng nhịp tim lên rất nhiều. Nếu uống rượu thường xuyên sẽ là yếu tố nguy cơ đối với bệnh THA. Người ta thấy rằng nếu đều đặn mỗi ngày uống khoảng 2 aoxơ-khoảng 56gam tương đương 60 ml rượu nguyên chất, tương đương 150 ml rượu 40 độ thì coi là nguy cơ đối với bệnh tim mạch và bệnh THA.

Tuy nhiên, y học cũng không hoàn toàn cấm rượu, hay nói cách khác, rượu cũng có một số mặt tích cực của nó, chẳng hạn một số loại rượu bia có tác dụng khai vị, kích thích tiêu hóa, một số loại dùng để xoa bóp… một số loại rượu dung làm dung môi để hòa tan các hoạt chất có trong dược liệu để đưa vào cơ thể qua đường uống.

Trên thực tế, thầy thuốc cũng hay khuyên bệnh nhân hạn chế số lượng rượu, cách sử dụng rượu khi nào và bao nhiêu, và chỉ khuyên bệnh nhân khi nào thì kiêng rượu hoàn toàn và khi nào thì cần hạn chế để rượu phát huy được mặt tích cực của nó.

Béo phì với tăng huyết áp

 

Ăn uống nhiều hơn mức cần thiết của cơ thể (cung vượt quá cầu) sẽ dẫn tới béo phì. Người béo hay bị bệnh THA. Về cơ chế của béo phì dẫn tới THA có thể bao gồm tăng thể tích máu, tăng lưu lượng tâm thu, tăng cung lượng tim và sự thay đổi nội tiết bao gồm sự tăng tiết renin, aldosterol ,insulin, triiodo thyrocin… Kenel và cộng sự (1985) theo dõi 12 năm liền trên 5127 nam, nữ từ 30-62 tuổi thấy THA tăng 8 lần ở nhóm có cân nặng vượt quá 10% và tăng 10 lần ở nhóm có cân nặng vượt quá 20% so với cân nặng lý tưởng. Mac Mahones cho biết một sự giảm trọng lượng theo kế hoạch sẽ có hiệu quả giảm huyết áp. Với 2 công trình nghiên cửu của năm 1985-1986 về giảm cân có so sánh với placebo và thuốc chẹn bêta-metoprolol tác giả thấy ở người béo, nều giảm 1000calo mỗi ngày trong 21 tuần sẽ có tác dụng giảm huyết áp đáng kể nhất. Cũng liên quan tới tình trạng thừa cân và béo phì của người THA, trong một nghiên cứu năm 2001 tại bệnh viên Hữu Nghị chúng tôi thấy có 25,4% (30/119) người THA trong tình trạng thừa cân và béo phì, trong khi năm 1993 mới chỉ có 9,13%.

Ăn nhiều mỡ với tăng huyết áp

 

20200924_khi-mac-benh-ap-luc-mau-toi-thanh-dong-mach-tang-cao-hon-binh-thuong

Ảnh hưởng của dầu mỡ lên hệ tim mạch rất khác nhau. Hầu hết các loại mỡ động vật đều có chứa cholesterol và chứa từ 60-90% acid béo bão hoà (trừ mỡ cá hay mỡ một số loài chim có chứa ít hơn) nên mỡ động vật không có lợi cho phòng chống THA. Các loại dầu thực vật không có cholesterol và chứa ít (dưới 40%) acid béo bão hoà (trừ dầu dừa và dầu nhân hạt cọ) nên dầu thực vật là loại thực phẩm có lợi cho phòng chống bệnh THA. Mỗi người một ngày ăn vào khoảng 300-500 mg cholesterol. Thức ăn chứa nhiều cholesterol là thịt gan, óc, lòng đỏ trứng, bồ dục, lòng non... Khi cholesterol tăng nhiều trong máu, nó sẽ bị lắng đọng và tích luỹ quá mức ở tể bào nội mạc để dần hình thành mảng đông lipit và phát triển thành những mảng vữa xơ, tạo nên bệnh vữa xơ động mạch, làm cho thành mạch kém đàn hồi, dẫn đến THA.

Muối ăn và bệnh tăng huyết áp

 

Nói muối ăn (NaCL), thực chất là nói đến vai trò của ion Na trong muối ăn vì nó ảnh hưởng tới việc tích giữ nước trong cơ thể. Trong điều kiện bình thường, các hocmon và thận cùng phối hợp điều hoà việc đào thải natri ăn vào. Khi quá khả năng điều chỉnh của cơ thể, hệ thống động mạch có thể tăng nhậy cảm hơn so với angiotensin II và noradrenalin. Tế bào cơ trơn tiểu động mạch ứ natri sẽ ảnh hưởng đến độ thấm của canxi qua màng, làm tăng khả năng co thắt của tiểu động mạch gây THA.

Phòng và chữa bệnh tăng huyết áp

 

Tổ chức y tế thế giới khuyên không nên dùng quá 6 gam muối/ngày (trong đó 40% từ các thực phẩm chế biến sẵn ,40% từ nấu nướng, 20% từ thức ăn tự nhiên). Các cuộc điều tra cho thấy, ở nơi ăn nhiều muối tỷ lệ THA cao hơn những nơi khác. Ví dụ ở Nhật, sau khi vận động nhân dân ăn giảm muối, tỷ lệ tai biến mạch máu não giảm 40%, tắc mạch máu não giảm 24,6%. Tại Việt Nam, điều tra của Viện Dinh Dưỡng thấy: Nghệ An là nơi người hay ăn mặn - bình quân 13,9 gam muối/ngày thì tỷ lệ THA là 17,9%. Còn ở Hà Nội, người dân ăn nhạt hơn (10,5 gam/ngày) thì chỉ có 10,6% bị THA.

Muốn phòng và chữa bệnh THA cần giảm lượng muối ăn vào chỉ còn dưới 4 gam/ngày (1,5 gam Na) hoặc ít hơn nữa. Có nghĩa là chỉ nên ăn rất nhạt, nấu nướng dùng rất ít mắm muối hoạc phải chọn thực phẩm chứa ít muối (cá biển, bánh mỳ, giò chả,… là những thức ăn chứa nhiều muối). Đồng thời cũng cần chú ý đến những nguồn Na không phải từ mắm muối, chẳng hạn như mì chính. Nhiều người ăn nhạt, kiêng mắm muối nhưng lại ăn rất nhiều mì chính để cho "dễ ăn”. Thực chất, trong 100gam muối có chứa 39,3 gam Na thì trong 100 gam mì chính cũng chứa tới 14,8 gam Na chứ cũng không phải là ít.

Và vì thế, cũng có một cách để hạn chế ion Na đưa vào cơ thể bằng cách thay muối ăn có tỷ lệ Na trong đó cao hơn bằng mì chính (có tỷ lệ Na trong đó thấp hơn) nhưng không ảnh hưởng tới khẩu vị và chất lượng bữa ăn.

PGS.TS.BSCC. Trần Đình Toán - Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh Viện Hữu Nghị Việt-Xô

comment Bình luận

largeer