Chi dưới thường gặp những chấn thương nào khi luyện tập?

Chi dưới chính là bộ phận từ háng đến bàn chân. Đây là bộ phận chịu lực chính của cơ thể nên khi luyện tập, vận động rất dễ xảy ra chấn thương.
09/10/2020 07:39

Các chấn thương dễ gặp

Bong gân: Bong gân là chấn thương xảy ra ở dây chằng - là mô nối 2 hoặc nhiều xương tại một khớp. Khi bị bong gân tức là có một hoặc nhiều dây chằng bị giãn hoặc rách.

Bong gân là tình trạng tổn thương thường gặp khi vận động quá mức gây ảnh hưởng đến xương khớp. Tình trạng này hay xảy ra ở vùng cổ chân, khi bàn chân quay vào trong làm dây chằng phía ngoài mắt cá bị căng quá mức dẫn tới bong gân mắt cá chân, gây ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và sức khỏe của người bệnh.

Khi bị bong gân, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện sưng tím, tụ máu tại vị trí dây chằng bị tổn thương, khi ấn vào sẽ thấy đau, rất khó chịu, hạn chế vận động tại vùng bị tổn thương.

Nếu gặp phải chấn thương này, người bệnh nên đi khám, để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, kiểm tra, đánh giá mức độ tổn thương, từ đó có hướng điều trị phù hợp. Với loại chấn thương này, người bệnh cần vận động hợp lý, tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ vật lý trị liệu để không làm mất đi tính linh hoạt và dẻo dai của dây chằng.

Unti1tled_resize

Căng cơ và bong gân là những chấn thương chi dưới dễ gặp khi tập luyện.

Căng cơ: Đây là chấn thương thể thao thường gặp nhất. Căng cơ là tình trạng cơ hoặc gân bị giãn căng hoặc bị rách. Thường gặp ở các cơ là cơ đùi sau, cơ tứ đầu (cơ đùi trước), cơ háng, cơ bắp chân, cơ bả vai và cơ lưng. Khi bị căng cơ, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như: sưng, đau nhức và khó cử động tại vùng cơ bị căng. Trong trường hợp cơ bị căng ít, người bệnh sẽ thấy đỡ hơn khi cơ được nghỉ ngơi vài ngày. Với những trường hợp nặng hơn, bệnh nhân có thể bị đau trong nhiều ngày, khiến cho việc vận động gặp khó khăn.

Khi bị căng cơ, người bệnh có thể dùng đá để chườm và băng ép vùng cơ bị căng lại. Trong trường hợp đau nhiều, bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau. Nếu tình trạng căng cơ không giảm, các triệu chứng tăng lên, người bệnh nên đến các cơ sở y tế ngay.

Chấn thương ở đầu gối: Trong quá trình luyện tập thể dục thể thao có thể gặp phải các loại chấn thương khớp gối sau đây:

Rách dây chằng chéo trước: Dây chằng chéo trước tham gia việc giữ ổn định khớp gối. Chấn thương rách dây chằng chéo trước có thể gặp phải khi: Đặt chân xuống sàn nhà sai tư thế; Đổi hướng quá nhanh; Dừng lại đột ngột. Tình trạng này sẽ có các biểu hiện như là: sưng đau tại chỗ, hạn chế vận động khớp gối, khiến cho việc đi lại gặp nhiều khó khăn.

Khi bị chấn thương rách dây chằng chéo trước thường cần phải tiến hành phẫu thuật để tái tạo lại và tập vật lý trị liệu để phục hồi khả năng vận động khớp gối.

Rách dây chằng bên trong gối: Dây chằng bên trong gối nằm ở mặt trong đầu gối, là bộ phận liên kết giữa xương đùi và xương chày. Chấn thương rách dây chằng bên trong gối thường xảy ra khi khớp gối bị đẩy sang một bên quá mức khi di chuyển hoặc khi bị tổn thương đầu gối. Nếu không may gặp phải chấn thương này, bạn sẽ có các biểu hiện như sưng, đau nhức tại khớp gối, khớp gối mất ổn định. Chấn thương này có thể được điều trị bằng cách chườm đá, băng ép và tập vật lý trị liệu. Trường hợp tổn thương gây ảnh hưởng đến các cấu trúc khác như sụn chêm, dây chằng, thì bạn có thể phải điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.

Hội chứng bánh chè - đùi: Có thể gặp phải hội chứng bánh chè - đùi do tập thể dục thể thao như chạy bộ, chơi bóng chuyền, bóng rổ. Việc chuyển động lặp đi lặp lại của xương bánh chè vào xương đùi có thể gây ra tổn thương với sụn bên dưới. Hội chứng bánh chè - đùi có triệu chứng thường gặp là đau, nhưng phải sau một thời gian bị chấn thương bệnh nhân mới cảm nhận được các cơn đau.

Giống như chấn thương bong gân, khi bị hội chứng bánh chè - đùi, bệnh nhân cần tiếp tục luyện tập, tuy nhiên nên có sự hướng dẫn của các chuyên gia vật lý trị liệu.

Khi nào cần phải đi khám?

Các chấn thương thể thao nếu không được chưa trị đúng cách sẽ dai dẳng, kéo dài và gây hậu quả xấu cho sức khỏe. Vì vậy khi có các triệu chứng đau nhức khó chịu như trên, đau kéo dài trong nhiều ngày và không có dấu hiệu thuyên giảm, nên đi khám để các bác sĩ chuyên khoa kiểm tra, đánh giá mức độ tổn thương và có hướng điều trị kịp thời.

Đặc biệt khi có một trong các biểu hiện dưới đây, người bệnh cần đi khám ngay: Vết thương sưng to. Vết thương sưng tấy nhiều và đổi màu da. Xương hoặc khớp bị biến dạng hoặc không thể vận động như bình thường được. Trong trường hợp chấn thương ở chân mà bạn không thể chịu được trọng lượng bên chân đau hoặc bạn cảm thấy nặng hơn, đi lại khó khăn, bạn hãy đi khám ngay lập tức.

Theo SKĐS

comment Bình luận

largeer