Chiến lược phát triển dược liệu Việt Nam
Phân tích những nguyên nhân và đưa ra định hướng phát triển cây dược liệu Việt Nam, PGS.TS. Trần Văn Ơn - Giảng viên cao cấp Trường ĐH Dược Hà Nội, Chuyên gia cao cấp Công ty CP Dược khoa, Cố vấn cao cấp Chương trình Mỗi xã Một sản phẩm (OCOP) đã có tham luận với đề tài “Chiến lược phát triển dược liệu Việt Nam” tại hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát triển và sử dụng nguồn dược liệu vì sức khỏe cộng đồng” do Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần Ao Vua tổ chức ngày 23/4/2022, tại Khu du lịch Ao Vua (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội).
Các tồn tại, thách thức và nguyên nhân
Các tồn tại, thách thức
- Các khó khăn của cách phát triển dược liệu theo truyền thống:
Theo truyền thống, dược liệu được phát triển theo các cách sau:
- Sản xuất dược liệu thô, thuốc phiến,… cho YHCT: Thị trường nhỏ do chỉ giới hạn ở trong nước, lại phải cạnh tranh trong “đại dương đỏ” với các doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó các doanh nghiệp Việt Nam thường đuối sức hơn. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã thử nhưng thất bại và phải bỏ cuộc sau khi thua lỗ hàng chục đến hàng trăm tỷ. Đặc điểm chung của các doanh nghiệp này là cố gắng trồng các cây nhập nội/”thuốc Bắc”. Kết quả là phần lớn dược liệu cho YHCT trong nước vẫn phải nhập khẩu.
- Cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, công nghiệp thực phẩm, đồ uống, gồm:
- Cho thị trường trong nước: Một số doanh nghiệp đã duy trì được vùng trồng, xây dựng chuỗi phát triển các cây phục vụ cho sản phẩm của mình như Traphaco, Nam Dược, Dược khoa, OPC,.... Đặc điểm chính là các doanh nghiệp này phát triển các cây bản địa hoặc không trực tiếp cạnh tranh với dược liệu Trung Quốc (thuốc Bắc), như Actiso, Dây thìa canh, Kim tiền thảo,... Tuy nhiên phân khúc này có quy mô nhỏ, phần lớn chỉ trồng vài ha đã bão hòa thị trường (do các sản phẩm này "bán cả năm không hết").
- Cho thị trường xuất khẩu: Nhiều loại cây dược liệu bản địa đã được phát triển với quy mô lớn ở nhiều địa phương, như Quế, Hồi, Thảo quả,... nhưng ít được các địa phương coi là cây dược liệu. Nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào chuỗi xuất khẩu các sản phẩm từ các dược liệu này, như Vinasamex. Đặc trưng của phân khúc này là phải vượt qua các "hàng rào kỹ thuật" do các quốc gia nhập khẩu dựng lên. Do đó, rất khó tiếp cận các thị trường có giá trị cao (như Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á), mà chủ yếu bán thô, với giá trị thấp cho một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ,...
- Chiết xuất, từ đó tạo ra thuốc hiện đại: Chỉ có rất ít dược liệu được sản xuất theo con đường này, như Thanh hao hoa vàng (sản xuất Artemisinin), Bình vôi (sản xuất rotundine), Vàng đắng (sản xuất Berberin),... nhưng đã ngừng sản xuất và kinh doanh.
Các khó khăn, thách thức trong chuỗi giá trị dược liệu
- Thiếu tổ chức: Việc chuyển từ các quy hoạch, chương trình, đề án,... đã ban hành vào thực tiễn còn một khoảng cách rất xa do thiếu các kế hoạch được xây dựng một cách khoa học, chỉ rõ trách nhiệm, tổ chức triển khai,.. Việc phát triển dược liệu thường được điều hành và chỉ đạo bởi “Ban chỉ đạo”. Bởi các thành viên “Ban chỉ đạo” thường là các lãnh đạo chính quyền và ngành, ít dành được thời gian thỏa đáng cho việc phát triển dược liệu. Thêm vào đó, việc phát triển dược liệu thành công hay không cũng ít ảnh hưởng đến thành tích cá nhân. Bởi vậy phần lớn việc phát triển dược liệu dừng lại ở các văn bản.
Các nguyên nhân chung
- Chủ yếu định hướng sản xuất: Hiểu chưa đầy đủ về phát triển dược liệu và thường hành động theo hướng: Phát triển dược liệu là “trồng cây thuốc”.
Cũng bởi không có cá nhân/đội ngũ chuyên trách, việc phát triển dược liệu không đi vào chiều sâu và khó đạt được định hướng “kinh tế dược liệu” thay cho “trồng dược liệu” (thường tập trung vào “trồng cây gì và nuôi con gì”). Kết quả là dược liệu được phát triển tự do, thiếu các phân tích, dự báo, dẫn đến tình trạng dư thừa hoặc khan hiếm sản phẩm. Kết quả thường thấy là doanh nghiệp tháo hợp đồng (khi sản phẩm dư thừa) và người dân tháo hợp đồng (khi sản phẩm khan hiếm). Tất cả những điều này dẫn đến sự bấp bênh trong sản lượng lẫn chất lượng và ảnh hưởng lớn đến đời sống cộng đồng và nền kinh tế địa phương.
- Thiếu tập trung: Chúng ta chưa có tầm nhìn (vision) rõ ràng về phát triển dược liệu sẽ đến đâu. Khi thiếu vision, sẽ khó có mục tiêu, chiến lược thực hiện, tổ chức triển khai, đầu tư, đào tạo nhân lực,... đúng hướng và có thời hạn rõ ràng. Việc tổ chức triển khai được thực hiện theo hướng giao cho nhiều ngành nhưng không có một đơn vị phải chịu trách nhiệm rõ ràng, do đó nhiều chính sách mới dừng lại ở văn bản, hoặc được triển khai một cách chậm chạp.
- Đơn ngành: Từ lâu chúng ta chủ yếu quan niệm dược liệu chỉ để làm thuốc chữa bệnh. Điều này dẫn đến sự nghèo nàn về sản phẩm. Các bệnh viện YHCT cũng như nhà máy sản xuất dược phẩm hằng năm chỉ nhập một lượng nhỏ dược liệu. Việc phát triển dược liệu mới thường là việc của ngành y tế và nông nghiệp.
- Thiếu cơ sở hạ tầng nền tảng cho phát triển: Chúng ta thiếu giống đủ tốt để mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhằm tăng sức cạnh tranh, đủ nhiều để có thể sản xuất ở quy mô thích hợp; thiếu kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến tốt nhất nhằm tạo ra dược liệu hàng hóa có chất lượng cao nhất, có hiệu quả kinh tế. Tất cả những điều trên đang đè nặng lên vai người nông dân và các doanh nghiệp.
Để phát triển một cây nông nghiệp, người ta lập hẳn một viện cho một cây, như viện Lúa, viện Ngô, Lạc, Đậu tương,…với lực lượng hùng hậu, vậy mà với cây thuốc, với hàng nghìn loài còn chưa biết nó có bao nhiêu giống, chưa hề được trồng bao giờ, lại chỉ có một viện cùng một số ít đơn vị đào tạo thực hiện thì những khó khăn trên là dễ hiểu. Trong lĩnh vực dược liệu, Quyết định 1976 của Thủ tướng có nêu rõ sẽ xây dựng 5 vườn cây thuốc quốc gia, nhưng đến hết thời hạn hiệu lực (2020) chúng ra vẫn chưa làm rõ khái niệm thế nào là một vườn cây thuốc, nội hàm của vườn cây thuốc là gì, ai chịu trách nhiệm xây dựng và phát triển nó,...Khi thiếu hệ thống này, chúng ta thiếu nền tảng phát triển chung.
- Thiếu công nghệ: Các sản phẩm dược liệu của chúng ta sản xuất thường có giá thành cao, khó cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập ngày nay. Lý do chính là thiếu giống có chất lượng tốt, thiếu công nghệ trồng trọt và phân bón thích hợp với từng loại cây thuốc, thiếu công nghệ sơ chế/chế biến sau thu hoạch.
- Thiếu mô hình tổ chức sản xuất phù hợp: Một trong những khó khăn trong phát triển dược liệu là tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát và không có hệ thống tổ chức, với trọng tâm chính là các hộ gia đình. Một số "đại gia" đã đầu tư phát triển theo cách lập dự án, xin đất và đầu tư trồng trọt, chế biến dược liệu lại bị thua lỗ và bỏ cuộc. Điều này dẫn đến tình trạng không thể kiểm soát về số lượng, chất lượng của dược liệu và dễ dàng bị các thương nhân, kể cả thương nhân nước ngoài, kiểm soát và thao túng.
- Chưa tạo được môi trường cạnh tranh bình đẳng: Các dược liệu được có tiêu chuẩn, như GACP-WHO, nghĩa là được sản xuất "tử tế" vẫn phải cạnh tranh "bình thường" với các dược liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí là dược liệu rác, dược liệu kém chất lượng cả trong nước và nhập khẩu. Việc ngăn chặn buôn lậu dược liệu vào Việt Nam cũng mới là mong muốn. Do đó, người dân và các doanh nghiệp trong nước không thể phát triển các loại dược liệu có nguồn gốc nhập nội.
Đề xuất chiến lược phát triển dược liệu Việt Nam
Định hướng chiến lược phát triển dược liệu Việt Nam
Đổi mới tư duy
Với hiện trạng, lợi thế và bất lợi thế như trên, dưới góc độ kinh tế, đã đến lúc chúng ta nhìn nhận nghiêm túc việc phát triển dược liệu ở Việt Nam theo hướng phát triển “Ngành kinh tế dược liệu”, theo đó:
1) Khai thác lợi thế và tránh bất lợi thế:
Khai thác lợi thế cạnh tranh của Việt Nam: Đa dạng sinh học - văn hóa – cảnh quan bằng cách phát triển đầy đủ các sản phẩm và dịch vụ cho sức khỏe mà không chỉ dừng ở thuốc; gắn phát triển dược liệu với du lịch.
Tránh các bất lợi thế:
- “Nhường” cây “thuốc Bắc” cho Trung Quốc: Thay vì cố gắng trồng các loài cây thuốc này, chúng ta nên theo hướng nhập chính ngạch từ Trung Quốc và quốc gia khác với tiêu chuẩn và nguồn gốc rõ ràng. Khai thác kinh nghiệm nền Y học cổ truyền Việt Nam để thay thế một số vị thuốc nhập khẩu bằng cây bản địa và đưa các vị thuốc này vào dạy chính thức trong các trường đại học y – dược. Chọn lọc một số cây thuốc bản địa của Việt Nam và tập trung phát triển nhằm phục vụ cả nhu cầu trong nước và xuất khẩu (xem phần 2.2.2).
- “Nhường” việc tạo ra thuốc, thuốc hóa dược cho các doanh nghiệp ở các nước có trình độ tiên tiến, ít nhất trong vài chục năm tới (tham khảo Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”).
2) “Kinh tế dược liệu” thay cho “trồng dược liệu”/”sản xuất dược liệu”:
Chuyển hướng từ nền kinh tế định hướng sản xuất sang định hướng thị trường, trong đó các yếu tố định hướng quan trọng là:
- Dựa trên lợi thế cạnh tranh: Khai thác các cây dược liệu bản địa; đặc điểm văn hóa, đặc biệt là các dược liệu liên quan đến văn hóa các dân tộc và bán hàng/xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch.
- Tăng lợi thế so sánh: Khai thác các kinh nghiệm canh tác dược liệu bản địa của cộng đồng nhằm tạo ra năng suất và chất lượng cao hơn; cơ giới hóa trong các khâu trồng trọt, sơ chế nhằm hạ giá thành sản phẩm.
- Định hướng thị trường: Theo yêu cầu của thị trường (thiết kế sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng, mức độ thường xuyên,...). Về cơ bản có 3 nhóm thị trường chính: Nội địa, xuất khẩu và xuất khẩu tại chỗ. Mỗi thị trường có yêu cầu về thiết kế, tiêu chuẩn khác nhau.
- Theo chuỗi giá trị: Việc phát triển ngành dược liệu cần được triển khai trên toàn chuỗi giá trị nhằm dỡ bỏ các rào cản, thách thức được trình bày ở Bảng 2.
- Gia tăng giá trị: Giá trị dược liệu được gia tăng thông qua nhiều cách, như xây dựng tiêu chuẩn vùng trồng, chế biến, tinh chế, phát triển sản phẩm mới từ dược liệu thay vì chỉ bán thô, xây dựng thương hiệu, gắn với du lịch.
- Nâng cao hiệu quả: Không chỉ dựa vào năng suất, sản lượng, mà phải dựa vào những giá trị tích hợp, đi vào chiều sâu (như giá trị cảm nhận của khách hàng), có tính bền vững, thông qua xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, gắn kết với du lịch, xây dựng mô hình phát triển hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và cộng đồng.
- Hợp tác và liên kết: Hợp tác là nông dân, HTX và doanh nghiệp cùng nhau gỡ "nút thắt" manh mún, nhỏ lẻ thông qua các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác xã. Liên kết là kết nối giữa các chủ thể sản xuất và kinh doanh, thông qua: Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng thay cho chuỗi liên kết dễ bị tổn thương do xung đột lợi ích các bên tham gia và biến cố thị trường; Xây dựng hệ sinh thái ngành hàng, với sự tham gia của các bên, bao gồm các chủ thể chuỗi giá trị (hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp), nhà khoa học, Nhà nước, các nhà hỗ trợ chuỗi (ngân hàng, doanh nghiệp nghiên cứu phát triển, thiết kế sản phẩm).
- Nền kinh tế tuần hoàn: Khai tác các phụ phẩm, phế phẩm trong sản xuất dược liệu thành sản phẩm có giá trị.
- Xây dựng thương hiệu: Theo hướng tích hợp tiêu chuẩn GACP-WHO và organic, tạo gia dược liệu sạch, chuẩn hóa và chất lượng cao.
- Phát triển nhân lực: Đào tạo nông dân và đội ngũ lãnh đạo các HTX, doanh nghiệp tại cộng đồng về: i) An toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, các tiêu chuẩn (như GACP-WHO, organic, Fairtrade),... từ đó giúp người dân tự bảo vệ mình, phát triển ngành dược liệu có trách nhiệm, từ đó tạo nên thương hiệu ngành dược liệu; ii) Về kinh tế: Các quy luật kinh tế, kỹ năng quản trị doanh nghiệp, HTX,...; iii) Các kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh: Các công nghệ, kỹ thuật sinh học, sơ chế, chế biến, xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến đạt tiêu chuẩn theo luật định; các kỹ năng bán hàng, các ứng dụng của cách mạng CN 4.0 trong sản xuất, kinh doanh như truy xuất nguồn gốc/chất lượng, kinh tế chia sẻ, bán hàng,...
- Bền vững: Gồm bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội, thông qua xây dựng mô hình chuỗi giá trị hài hòa với sự tham gia vốn của cộng đồng, ứng dụng các tiêu chuẩn xanh, sạch,...
Các định hướng chiến lược
1) Tập trung:
Tập trung vào các loài cây dược liệu bản địa của Việt Nam và chia thành 3 nhóm (“Trục”), gồm:
- Trục/nhóm 1: Cấp quốc gia (dưới 10 loài) - Quốc dược
Các loài quen thuộc với thế giới, định hướng xuất khẩu, có thể phát triển ở quy mô lớn, ở nhiều tỉnh (từ 2 tỉnh trở lên), do đó tác động vào đời sống, thu nhập của nhiều cộng đồng, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế quốc gia. Các loài có thể cân nhắc: Sâm Ngọc Linh (Quốc bảo), Gấc, Kim ngân,...; các loài cho tinh dầu: Quế, Tràm gió...
Nguồn lực: Tập trung nguồn lực quốc gia, nghĩa là hằng năm các ngành chịu trách nhiệm phải dành tỷ lệ ngân sách nhất định cho các loài thuốc này. Các hoạt động phải được triển khai trên trên toàn chuỗi giá trị, theo hướng xuất khẩu.
- Trục/nhóm 2: Cấp tỉnh (1-2 tỉnh) - Tỉnh dược
Các loài có thể phát triển ở quy mô nhỏ hơn, đặc trưng cho tỉnh, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế của tỉnh. Các loài có thể cân nhắc: Trà hoa vàng (Quảng Ninh), Táo mèo/Sơn tra (Lào Cai, Kon Tum), Ngũ vị tử (Kon Tum), Chè vằng (Quảng Trị),...
Nguồn lực: Tập trung nguồn lực của tỉnh, trên toàn chuỗi giá trị.
- Trục/nhóm 3: Cấp cộng đồng - Cộng đồng dược
Các loài/cách sử dụng truyền thống giới hạn trong làng xã, cộng đồng. Các loài có thể cân nhắc: Các cây con làm thuốc gắn với tri thức bản địa, như thuốc tắm người Dao, người Bru Vân Kiều, rau ăn làm thuốc người Dao, đồ uống người Mường,...
Nguồn lực: Theo Chương trình OCOP (Mỗi xã Một sản phẩm).
Đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ từ dược liệu:
- Khai thác dược tính của dược liệu: Theo khái niệm của WHO, sức khỏe là "tình trạng thoải mái về thể chất và tinh thần", vậy các sản phẩm/dịch vụ nào tạo được điều này đều là "thuốc". Dựa trên khái niệm như vậy, chúng ta có thể phát triển rất nhiều sản phẩm từ dược liệu: từ các loại rau ăn, đồ uống, lương thực, đến hương liệu, chất nhuộm màu thực phẩm,... để ăn, uống hằng ngày nhằm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, đến các sản phẩm chuyên sâu hơn, như các sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm và cuối cùng mới là thuốc, như thuốc Y học cổ truyền, thuốc dược liệu và thuốc "Tây". Khi đó, các tiêu chuẩn cũng cần phù hợp: với các đồ ăn, uống hằng ngày sẽ theo hướng đạt tiêu chuẩn organic, còn để làm thuốc chữa bệnh sẽ là tiêu chuẩn GACP-WHO,...
Theo khái niệm như vậy, từ dược liệu có thể tạo ra 3 tầng sản phẩm hàng hóa, gồm: i) các sản phẩm chăm sóc sức khỏe dưới dạng rau ăn, đồ uống, sản phẩm chăm sóc gia đình; ii) sản phẩm hỗ trợ điều trị, gồm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hương trị liệu và iii) sản phẩm điều trị, gồm dược liệu thô, dược liệu chế biến, thuốc từ dược liệu, thuốc YHCT và thuốc YH hiện đại.
- Gắn khai thác dược tính của dược liệu (đặc biệt là thảo dược) với tài nguyên văn hóa, cảnh quan, từ đó tạo ra i) các điểm dừng chân có giới thiệu và bán sản phẩm hàng hóa từ dược liệu, dịch vụ ẩm thực từ dược liệu; ii) các điểm/mô hình tham quan, trải nghiệm, du lịch sinh thái - nông nghiệp thảo dược, các vườn cây thuốc và iii) các dịch vụ du lịch dưỡng bệnh và điều trị (Hình 1).
Gắn với du lịch: Phát triển các "Trục Văn hóa - Thảo dược"
Các tỉnh/địa phương có tiềm năng về đa dạng sinh học - văn hóa - cảnh quan, như Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Lâm Đồng,...: Triển khai theo hướng "trục Văn hóa - Thảo dược, gồm hệ thống các HTX, SMEs phát triển dược liệu và sản phẩm hàng hóa từ dược liệu (gồm các sản phẩm chăm sóc sức khỏe dưới dạng rau ăn, đồ uống, sản phẩm chăm sóc gia đình; sản phẩm hỗ trợ điều trị, gồm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hương trị liệu; sản phẩm điều trị, gồm dược liệu thô, dược liệu chế biến), gắn với các dịch vụ du lịch (gồm các điểm dừng chân có giới thiệu và bán sản phẩm hàng hóa từ dược liệu, dịch vụ ẩm thực từ dược liệu; các điểm/mô hình tham quan, trải nghiệm, du lịch sinh thái - nông nghiệp thảo dược, các vườn cây thuốc; các dịch vụ du lịch dưỡng bệnh).
Tổ chức
Nếu chúng ta xác định phát triển dược liệu thành một "ngành", cần thiết phải hình thành một đơn vị chuyên trách ở quy mô phù hợp có chức năng kiến tạo phát triển mà không đơn thuần là quản lý Nhà nước. Từ đó mới có người chịu trách nhiệm nghiên cứu (một cách có trách nhiệm) xây dựng vision cho "ngành" dược liệu Việt Nam, trên cơ sở đó xác định mục tiêu, chiến lược thực hiện, xây dựng các chính sách phù hợp, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai,...
1) Chính quyền:
Việc phát triển dược liệu liên quan đến nhiều ngành và lĩnh vực khác nhau, do đó cần có sự chỉ đạo của chính quyền:
- Cấp quốc gia: Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng và triển khai Kế hoạch tổng thể (Master Plan) phát triển dược liệu Việt Nam. Đây là cách mà Thái Lan đã thực hiện.
- Cấp tỉnh: UBND các tỉnh chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về kế hoạch phát triển dược liệu trên địa bàn quản lý.
2) Sự tham gia của các ngành:
- Ngành Y tế: Chịu trách nhiệm trong các lĩnh vực nghiên cứu phát triển, sản xuất (chiết xuất, chế biến, bào chế), tiêu chuẩn hóa, chất lượng.
- Ngành Nông nghiệp: Chịu trách nhiệm trong các lĩnh vực trồng trọt, sơ chế, sản phẩm nông nghiệp (đồ ăn, uống có lợi cho sức khỏe).
- Ngành Công - Thương mại: Chịu trách nhiệm trong các lĩnh vực quảng bá, xúc tiến bán hàng.
- Ngành Văn hóa – Thể thao – Du lịch: Chịu trách nhiệm trong các lĩnh vực du lịch sức khỏe, văn hóa - cảnh quan, trải nghiệm.
- Ngành Khoa học công nghệ: Chịu trách nhiệm về khoa học công nghệ trong toàn chuỗi.
Lời kết:
Nếu chúng ta nghiêm túc nhìn nhận và quyết tâm phát triển ngành dược liệu Việt Nam theo hướng như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra ngành kinh tế dược liệu có tổng giá trị hàng chục tỉ USD cho đất nước.
PGS.TS. Trần Văn Ơn - Giảng viên cao cấp Trường ĐH Dược Hà Nội
Chuyên gia cao cấp Công ty CP Dược khoa
Cố vấn cao cấp Chương trình Mỗi xã Một sản phẩm (OCOP)
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Hội nghị Quốc tế “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu – cổ”
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20% dân số phải sống chung với viêm mũi xoang mạn tính, trong khi ung thư đầu cổ chiếm tới 10% tổng số ca ung thư - những con số vô cùng đáng báo động. Trước sự gia tăng nhanh chóng của các ca bệnh, việc nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu - cổ đã trở nên vô cùng cấp thiết.November 22 at 3:53 pm -
Đau hơn sau khi tiêm tế bào gốc trong điều trị thoái hóa khớp: Điều bình thường và cách xử lý
Liệu pháp tế bào gốc mang lại hy vọng cho người bệnh trên hành trình tìm kiếm giải pháp cải thiện và giảm bớt đau đớn từ chấn thương hoặc các bệnh lý mãn tính.November 20 at 5:33 pm -
Mở khóa thanh xuân, trẻ khỏe toàn diện với liệu pháp tế bào gốc
Lão hóa là một quá trình phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến làn da, mái tóc mà còn tác động đến cấu trúc và chức năng của các cơ quan bên trong cơ thể. Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của y học tái tạo, liệu pháp tế bào gốc được ứng dụng toàn diện giúp cơ thể khỏe mạnh từ bên trong, đồng thời duy trì nét tươi trẻ, rạng rỡ bên ngoài, làm chậm quá trình lão hóa.November 20 at 5:33 pm -
Tầm nhìn “Borderless Future” - Định hình tương lai không biên giới tại nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 19/11/2024, tại Hội nghị Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024, khi cái tên Unilever Việt Nam được xướng lên ở vị trí số 1 trong danh sách 100 doanh nghiệp lớn có môi trường làm việc tốt nhất, đó không chỉ là khoảnh khắc đáng tự hào mà còn là sự khẳng định cho tầm nhìn, những nỗ lực bền bỉ của một doanh nghiệp Top 1 ngành FMCG trong hành trình xây dựng môi trường làm việc hiện đại, bền vững.November 20 at 5:20 pm