Chưa tìm thấy nguyên nhân khiến một số bệnh nhân COVID-19 lại mắc thêm bệnh tiểu đường

Theo trang livescience.com, các nhà khoa học khắp thế giới để ý thấy cố ca bệnh tiểu đường mới gia tăng vào năm 2020 và đặc biệt, họ nhận thấy một số bệnh nhân COVID-19 không có tiền sử tiểu đường nhưng đột nhiên mắc căn bệnh này.
24/03/2021 05:25

Xu hướng này đã khiến nhiều nhóm nghiên cứu về hiện tượng trên. Nhóm nhà nghiên cứu tại Đại học King’s College London ở Anh và Đại học Monash ở Australia đã thiết lập cơ sở dữ liệu CoviDiab Registry để các bác sĩ có thể nhập thông tin về các trường hợp COVID-19 mới mắc tiểu đường.

Trên 350 bác sĩ đã nhập thông tin vào cơ sở dữ liệu này. Họ cho biết có cả các ca mắc tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2.

Tiến sĩ Francesco Rubino tại Đại học King’s College London nói: “Trong vài tháng qua, chúng tôi thấy ngày càng nhiều bệnh nhân mắc tiểu đường trong khi hoặc không lâu sau khi mắc COVID-19.

Chúng tôi đang bắt đầu nghĩ rằng mối liên quan này có thể là đúng. Có khả năng virus SARS-CoV-2 gây trục trặc cho cơ chế chuyển hóa đường”.

Các nghiên cứu khác cũng tìm thấy mối liên hệ giữa bệnh COVID-19 và tiểu đường.

Ví dụ, một bản rà soát 8 nghiên cứu gồm dữ liệu của trên 3.700 bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 cho thấy khoảng 14% trong số đó đã xuất hiện bệnh tiểu đường. Nghiên cứu sơ bộ 47.000 bệnh nhân COVID-19 ở Anh cũng cho thấy 4,9% phát triển triệu chứng tiểu đường.

Tiến sĩ Remi Rabasa-Lhoret, nhà nghiên cứu bệnh chuyển hóa tại Viện Nghiên cứu Lâm sàng Montreal, nói: “Chúng tôi rõ ràng nhận thấy có những người chưa từng mắc tiểu đường nay đã mắc căn bệnh này. Có khả năng COVID-19 gây ra bệnh này”.

Câu hỏi quan trọng là tại sao và các nhà khoa học đã có vài giải thiết giải thích.

Tạp chí Scientific American cho rằng có thể virus SARS-CoV-2 trực tiếp tấn công các tế bào sản sinh insulin ở tuyến tụy.

Hoặc là virus có thể gián tiếp làm hư tổn các tế bào này bằng cách nhiễm vào các phần khác của tuyến tụy hoặc mạch máu cung cấp ô-xy và dưỡng chất cho tuyến tụy. 

Một giả thiết khác cho rằng virus nhiễm vào các bộ phận liên quan tới điều tiết đường máu như ruột và bằng cách nào đó nó đã làm giảm khả năng phân giải glucose của cơ thể.

Trước đây, các loại virus khác như virus entero (gây bệnh chân tay miệng) có liên quan tới bệnh tiểu đường. Ngoài ra, một nhóm nhỏ bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV gây bệnh SARS đầu những năm 2000 cũng mắc tiểu đường sau đó.

covid23321

Nói chung, nhiễm virus cấp tính có thể gây viêm nhiễm nghiêm trọng trong cơ thể và để phản ứng lại, cơ thể sinh ra hormone chống căng thẳng như cortisol để làm giảm viêm nhiễm. Hormon chống căng thẳng có thể làm lượng đường huyết tăng và mức tăng không phải lúc nào cũng giảm sau khi hết viêm nhiễm.

Ngoài ra, bệnh nhân COVID-19 thường được điều trị bằng thuốc steroid như dexamethasone – có thể gây tăng đường huyết. Do đó, có thể những steroid này cũng góp phần gây ra tiểu đường ở bệnh nhân COVID-19.

Tiểu đường do steroid gây ra có thể giảm sau khi bệnh nhân ngừng dùng thuốc steroid, nhưng đôi khi bệnh tiểu đường trở thành bệnh mãn tính.

Một yếu tố khác khiến các nhà khoa học chưa rõ về mối liên hệ giữa COVID-19 và tiểu đường. Đó là có bao nhiêu trong số các bệnh nhân khi mắc COVID-19 đã ở giai đoạn bệnh tiểu đường chưa phát triển, tức là có lượng đường huyết cao hơn trung bình. Có thể bệnh nhân có đường huyết cao hơn bình thường trong nhiều năm và họ không biết. Giờ họ mắc COVID-19 và căn bệnh này khiến họ thực sự mắc bệnh tiểu đường.

Các nhà khoa học cũng không rõ liệu bệnh nhân mắc tiểu đường trong khi hoặc sau khi nhiễm COVID-19 có phải chung sống với bệnh tiểu đường suốt đời hay không.

Một số bệnh nhân mắc tiểu đường sau khi nhiễm SARS hồi những năm 2000 đã trở về bình thường. Bệnh nhân mắc COVID-19 cũng có thể như vậy, tức là chỉ có triệu chứng tiểu đường ngắn hạn. Tuy nhiên, điều này sẽ cần nghiên cứu thêm để xác nhận.

Theo báo Tin Tức

comment Bình luận

largeer