Chuẩn bị thuốc tại nhà ứng phó COVID-19

Hiện nay ở Việt Nam, một số nơi có ca mắc COVID-19 tăng cao, nhiều F0 phải điều trị tại nhà. Vì vậy, kiến thức về các loại thuốc điều trị bệnh này tại nhà cần thiết không chỉ với nhân viên y tế mà người dân cũng cần nắm được.
11/09/2021 21:05

Tại buổi chia sẻ trực tuyến, BS Trần Thị Hải Ninh - Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã giải đáp những băn khoăn của bệnh nhân trong việc "Chuẩn bị thuốc tại nhà ứng phó COVID-19".

Câu hỏi: Tôi là F0 sắp vào khu cách ly, tôi chưa có biểu hiện triệu chứng. Tôi cần chuẩn bị những loại thuốc nào mang theo?

Nếu là F0 chưa có triệu chứng thì bạn chưa cần dùng thuốc. Biết mình sắp vào khu cách ly thì bạn sẽ càng yên tâm hơn vì nhân viên y tế tại đây sẽ chỉ định thuốc cho bạn khi cần. Tuy nhiên bạn có thể mang theo thuốc điều trị bệnh nền đang dùng. Nếu ở khu cách ly dã chiến thì bạn có thể chuẩn bị thêm thuốc hạ sốt, nước muối, dung dịch súc họng.

Câu hỏi: Em đang cho con bú, cần chuẩn bị những loại thuốc gì để không ảnh hưởng đến con? Bé 6 tháng tuổi, tiền sử dị ứng. Bác sĩ lưu ý gì giúp tôi khi dùng thuốc không ạ? 

Về cơ bản hầu hết các thuốc mẹ uống đều có thể bài tiết qua sữa và tác động đến con. Nếu sức khỏe bình thường, bạn không cần uống loại thuốc nào. Bạn có thể bổ sung thêm vitamin, sắt và canxi trong quá trình cho con bú. Nếu sức khỏe bình thường, bạn không cần uống thêm loại thuốc nào cả vì thuốc có thể bài tiết qua sữa và ảnh hưởng đến con.

thuocchof0dieutritainha

Câu hỏi: Bác sĩ có thể giới thiệu cách sử dụng một số loại thuốc phổ thông dễ dàng tích trữ tại nhà để sử dụng trong trường hợp không may trở thành F0?

Đầu tiên là thuốc hạ sốt. Chắc là chúng ta rất quen thuộc với các loại thuốc hạ sốt rồi, thuốc thường dùng là paracetamol, có nhiều chế phẩm khác nhau và tiện dụng.

Quý vị có thể tìm thấy ngay ở gần nơi mình sống. Quan trọng nhất là liều lượng sử dụng như thế nào. Bệnh nhân của tôi thường tự động uống 1-2 viên paracetamol khi mua được, cái đó chỉ là ước lượng thôi ạ.

Chúng ta có thể tính theo công thức đơn giản về liều dùng cho cả người lớn và trẻ em, đó là 10-15mg cho một kilogram cân nặng, nhân với cân nặng của chúng ta. Ví dụ một người 50kg thì uống được 1 viên 500 mg, người 75kg có thể uống 2 viên 500mg.

Lưu ý thuốc này uống cách nhau 4-6 tiếng, không thể uống quá nhiều, một ngày tối đa 5 lần. Vì bên cạnh hiệu quả giảm sốt, giảm đau, thuốc có tác dụng phụ gây suy gan. Chúng tôi đã gặp rất nhiều bệnh nhân bị suy gan, ngộ độc gan vì uống thuốc paracetamol quá liều, quá trình điều trị rất phức tạp và đe dọa tử vong.

Thứ hai nữa là với người bị ho, chảy nước mũi, chúng ta có thể rửa súc họng bằng nước muối sinh lý, không cần liều lượng cụ thể. Chúng ta nên duy trì khoảng 3 lần một ngày, nhiều hơn thì có thể dùng 4-5 lần một ngày.

Sở Y tế TP HCM cũng có hướng dẫn cụ thể, chi tiết gói thuốc dành cho F0 tại nhà. Gói này gồm các thuốc hạ sốt như tôi đã chia sẻ, hạ sốt paracetamol, dễ sử dụng.

Còn nhóm thuốc kháng viêm và chống đông, tôi cũng nhận được nhiều cuộc gọi từ các bạn quan tâm, song các thuốc này sử dụng không hề đơn giản, ta không thể tự sử dụng mà phải được hướng dẫn. Bản thân gói thuốc được Sở Y tế TP HCM gửi cho các bệnh nhân cũng có hướng dẫn cụ thể rồi.

Thuốc kháng viêm và chống đông không dùng khi chưa có biểu hiện suy hô hấp. Thế nào là biểu hiện suy hô hấp? Bình thường, trạng thái nhịp thở là dưới 20 lần/phút ở người trưởng thành. Nếu đếm nhịp thở trên 25 lần/phút thì có nguy cơ khó thở, rõ ràng hơn nữa còn có tức ngực, khó thở, không thể nói dài, trọn vẹn một câu. Đó là triệu chứng gợi ý suy hô hấp. Nếu có thể trang bị máy SpO2 cặp ở đầu ngón tay để đo cho chính xác. Bình thường SpO2 trên 96%, nếu ta chỉ hít thở khí thở. Nếu SpO2 dưới 95% là dấu hiệu suy hô hấp. Yêu cầu kỹ thuật cặp phải đúng và không nên sơn móng tay vì tín hiệu không đúng, cho kết quả SpO2 bị hạ dù không thiếu oxy.

Quay lại với các thuốc chống viêm, chống đông thì chỉ dành cho các bệnh nhân suy hô hấp. Không phải cứ uống thuốc chống đông và viêm thì mọi người yên tâm ở nhà, việc sử dụng các thuốc đó chỉ là trong lúc chờ đợi liên hệ được nhân viên y tế. Đây chỉ là thuốc hạn chế bệnh tiến triển nặng hơn trong thời gian chờ nhân viên y tế hỗ trợ kịp thời.

Các thuốc chống viêm thì hàng đầu là dexamethasone. Vấn đề này hơi chuyên sâu, tôi chỉ xin phép nói qua về tên thuốc, cụ thể về hàm lượng liều lượng thì Sở Y TP HCM đã ghi rất rõ rồi, các bạn có thể đọc theo cái đó. Ưu tiên sử dụng dexamethasone, có thể thay bằng methylprednisolone hoặc prednisolone nếu không có dexamethasone, đây là dòng thuốc chống viêm có thể dùng được.

Tiếp theo là các thuốc chống đông. Sở Y tế đang khuyến cáo có 3 thuốc chống đông với hàm lượng khác nhau, trong thuốc đã ghi rất rõ hàm lượng bao nhiêu. Ví dụ rivaroxaban, apixaban, dabigatran. Các thuốc này nghe tên dài và không thuần việt. Tuy nhiên các thông tin về thuốc có thể dễ dàng tiếp cận được nếu các bạn có cơ hội để vào mạng internet, có thể đọc được tên và hàm lượng, liều dùng.

Với các bác cao tuổi không thuận tiện tiếp cận internet, thì trong các gói thuốc đã ghi rất rõ hàm lượng, liều lượng, cách dùng như thế nào, chỉ cần ta tuân thủ đúngg theo hướng dẫn đó thì ta có thể đảm bảo an toàn trong dùng thuốc.

thuocf0dieutritainha1

Câu hỏi: Tôi là F0 được cách ly tại nhà, hiện tôi sốt 38,5, ho khan, mệt mỏi, xin chuyên gia hướng dẫn cách sử dụng paracetamol đúng cách? Ngoài ra, con trai 3 tuổi của tôi cũng có biểu hiện sốt trên 38 độ 5, sổ mũi, ho, tôi nên dùng thuốc hạ sốt cho bé như thế nào?

Khi có triệu chứng sốt trên 38,5 độ hoặc em bé 3 tuổi sốt trên 38 độ có thẻ dùng thuốc hạ số. Liều dùng paracetamol với người lớn là 10-15 mg cho một kg cân nặng. Ví dụ một người 50 kg thì uống được 1 viên, người 75 kg có thể uống 2 viên 500 mg. Tối đa chỉ sử dụng không quá 5 lần một ngày. Cứ cách 4-6 tiếng thì dùng thuốc một lần.

Nếu tính theo cân nặng, liều của bé 3 tuổi thường là 150-160 mg. Các chế phẩm thuốc hiện tại trên thị trường thường đóng gói theo hàm lượng này. Thường viên uống hoặc đặt hậu môn là 150 mg. Nếu cân nặng nặng hơn có thể dùng 250 mg, cũng có các viên dạng như vậy.

Các triệu chứng như ho chảy nước mũi là biểu hiện thông thường của Covid-19. Nhưng không cần dùng thuốc giảm ho hoặc ức chế ho vì điều này có thể khiến bạn không khạc được đờm trong phổi. Nếu dùng thuốc quá nhiều có thẻ không khạc được dịch tiết, gây hại đến cơ thể.

Câu hỏi: Cho tôi hỏi người trên 65 tuổi, có bệnh nền là tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường, nếu dương tính thì dự trữ những loại uống thuốc gì? 

Các bệnh huyết áp, tiểu đường thì người bệnh buộc phải dùng thuốc vì bệnh đã ở giai đoạn mạn. Dù không nhiễm Covid-19 thì cũng nên cố gắng dự trữ 1-2 tháng thuốc tiểu đường, huyết áp để sẵn sàng sử dụng trong các tình huống không thể ra ngoài mua thêm.

Nếu mắc COVID-19 khi đang mang bệnh nền thì bạn có thể dùng hạ sốt khi sốt trên 38,5 độ C, hoặc dùng thuốc kháng viêm, chống đông theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Câu hỏi: Thưa bác sĩ, nếu F0 đang mang bầu, bị sốt cao, có lưu ý dùng thuốc như thế nào?

Chắc chắn bạn phải sử dụng thuốc hạ sốt, vì khi thân nhiệt của mẹ tăng lên, làm cho nhịp tim của con cũng tăng lên, có thể gây suy thai. Vì vậy, dùng hạ sốt hết sức thiết yếu, dùng thuốc tính theo kilogram cân nặng, không dùng quá 5 lần một ngày, tổng liều không quá 75 mg/kg/ngày.

Có trường hợp mẹ uống thuốc thì 1-2 tiếng sau sốt lại, thế thì làm thế nào? Chúng tôi khuyên bạn thế này, bên cạnh uống thuốc, ta dùng các biện pháp vật lý giúp chúng ta hạ nhiệt được, bằng cách mặc quần áo mỏng thôi, đừng đắp thêm chăn hoặc trùm thêm chăn. Nhiệt độ phòng để thấp một chút để thân nhiệt không tăng cao. Bạn có thể lau mát cơ thể, không phải đặt khăn ấm lên trán để chườm đâu ạ, đây chỉ là hình tượng trong phim thôi. Ta có thể đặt một chậu nước khoảng 36 độ, lau khắp cơ thể trong khoảng 30 phút, đặc biệt ở vùng có nhiều mạch máu như cổ, bẹn... chắc chắn sẽ giúp hạ thân nhiệt nhiều. Sau đó ta có thể quay lại giường để nghỉ ngơi. Các bạn không nhất thiết lau đến 30 phút, nếu lau 15 phút mà hạ nhiệt độ rồi là được.

Cần uống nhiều nước, vì nước hỗ trợ giảm nhiệt độ cơ thể, không khuyến nghị uống nước lạnh hay nước đá. Có thể uống oresol, gói to pha với một lít nước, gói nhỏ pha với 200 ml nước, để hạ nhiệt độ hiệu quả.

Câu hỏi: Bệnh nhân F0 dễ bị mất nước và rối loạn điện giải do nhiều lý do từ sốt, ho đến nôn ói, tiêu chảy, chán ăn. Xin bác sĩ hướng dẫn cách bù nước như thế nào?

Khi điều trị bệnh nhân COVID-19 bác sĩ thường yêu cầu phải uống đủ ít nhất 2 lít nước mỗi ngày.

Uống nước lọc cũng đủ rồi, nhưng nước lọc không bù đủ điện giải, khoáng chất. Tốt hơn có thể uống thuốc oresol, pha 1 gói với 1 lít nước, bạn cần phải pha đúng chỉ định, đủ nồng độ thuốc, không nên pha quá đặc. Trẻ em thích uống nước hoa quả, bạn có thể thay bằng nước dừa, nước cam, cháo loãng... miễn là đủ 2 lít mỗi ngày.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer