Chuyên gia giải đáp thắc mắc về dịch COVID-19

COVID-19 đã gây ra sự hoang mang cho người dân xung quanh việc tiêm vaccine, bệnh lý nền, chăm sóc bệnh nhân tại nhà, sử dụng thuốc điều trị như thế nào, cần tránh và lưu ý gì với COVID,... Dưới đây là giải đáp của chuyên gia về những thắc mắc của người dân.
13/09/2021 20:23

Trước câu hỏi "Tiêm đủ 2 mũi vaccine, mắc COVID-19 có tử vong không?", BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết sau khi tiêm mũi 1 vaccine COVID-19 thì cơ thể sẽ có kháng thể bảo vệ, ngăn chặn khả năng bệnh nặng. Khi tiêm đủ 2 mũi vaccine thì trong cơ thể có kháng thể đầy đủ hơn, không bị nhiễm bệnh, không bị bệnh nặng.

Bác sĩ Châu cho rằng nói "không" ở đây là nói theo cách dân gian, còn về mặt khoa học tất cả các vaccine đều có một tỉ lệ bảo vệ nhất định và tỉ lệ này không bao giờ đạt 100%. Tỉ lệ bảo vệ của tất cả các vaccine hiệu quả hiện nay được Bộ Y tế công nhận dao động từ 70 - 80%.

Như vậy vẫn có 20% sau khi tiêm vaccine COVID-19 xong vẫn bị nhiễm, riêng chủng Delta có hiện tượng xuyên phá hệ thống miễn dịch nên vaccine, hệ thống kháng thể của cơ thể không ngăn chặn hoàn toàn được. Hiện chủng Delta là chủng làm cho rất nhiều người đã tiêm vaccine COVID-19 vẫn bị nhiễm bệnh.

Khi nhiễm bệnh, 90% người đã tiêm 2 mũi vaccine sẽ được bảo vệ, nhiễm bệnh nhẹ, không cần thở oxy. Tuy nhiên vẫn có tỉ lệ 10% bệnh nặng và tử vong. Có nhiều lý do, trong đó không phải trường hợp nào kháng thể cũng có thể bảo vệ được cơ thể trước tác động của virus, với người lớn tuổi tỉ lệ bảo vệ có thể thấp hơn, khoảng 80 - 85%.

Empty

Trả lời câu hỏi "Hằng năm cứ tới đầu tháng 11 là tôi đi tiêm ngừa cúm. Giữa tháng 8 vừa rồi tôi được tiêm vaccine COVID-19 mũi 1, và sắp tới sẽ được tiêm mũi 2. Vậy đến tháng 11 tới tôi có đi tiêm ngừa cúm được không?". Theo PGS.TS. BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên - Trưởng Bộ môn Nhi Trường Đại học Y Dược TP HCM, kiêm Trưởng đơn vị điều trị COVID-19, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) cho biết: Bạn vẫn có thể tiêm ngừa cúm như bình thường vì không ảnh hưởng gì.

Câu hỏi từ TP HCM "Vợ em mắc COVID-19 15 ngày, trị viêm phổi đã xong, sức khỏe dần hồi phục nhưng kết quả xét nghiệm PCR cho thấy CT vẫn là 22, như vậy có sao không?. BS Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM cho hay: Nếu vợ bạn sức khỏe đã dần hồi phục thì không sao hết. Có nhiều bệnh nhân COVID-19 tốc độ thải virus rất chậm, chỉ số CT vẫn ở mức thấp một thời gian dài, nhưng quan trọng là đã qua giai đoạn toàn phát, các triệu chứng dần lui, sức khỏe ổn định lại thì không đáng lo nữa. CT thay đổi nhanh hay chậm, mau âm tính hay không phụ thuộc vào cơ địa của từng người. Bây giờ chỉ cần giữ tinh thần lạc quan, cố gắng tẩm bổ, ngủ đủ giấc, vận động nhẹ nhàng và bình tĩnh chờ ngày "âm tính".

Câu hỏi "Tôi 60 tuổi, đã 2 lần được gọi đi tiêm vaccine COVID-19 nhưng không thể tiêm được vì huyết áp cao. Lần đầu huyết áp đo là 168-94, lần hai 188-82, trong khi kiểm tra sức khỏe định kỳ ở bệnh viện thường chỉ là 125-75, có lúc 110-65. Xin bác sĩ cho tôi lời khuyên bằng cách nào huyết áp không bị cao để được tiêm vaccine và có cần uống 1 viên Dogmatil 2 giờ trước khi tiêm?".

Giải đáp câu hỏi, PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên - Trưởng Bộ môn Nhi Trường Đại học Y Dược TP HCM, kiêm Trưởng đơn vị điều trị COVID-19, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) cho biết: Tình trạng cao huyết áp khi đến điểm tiêm, thông thường là do lo lắng, hồi hộp quá. Vì vậy, để đo huyết áp chính xác và không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố gây cao giả trong thời gian ngắn thì nên đến sớm nơi chích ngừa, ngồi nghỉ 15-30 phút rồi hãy đo huyết áp. Ngày đi tiêm ngừa không nên uống trà, cà phê, không thức khuya tối trước đó. Lưu ý, quan trọng tiêm ngừa này như kiến cắn, không đau gì, rất nhanh và nhẹ nhàng nên đừng quá lo lắng không cần thiết và không cần phải dùng thuốc gì trước khi tiêm.

xetnghiemcovid

Trả lời câu hỏi "Bên cạnh nhóm thuốc điều trị, thuốc bổ cũng rất quan trọng để nâng cao sức khỏe, tăng đề kháng. Bác sĩ cho biết cần bổ sung những loại thuốc bổ gì?", BS Trần Thị Hải Ninh - Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay: Việc dùng thuốc bổ là cách để cung cấp thêm vi chất bình thường bị thiếu. Nếu các bạn có chế độ ăn uống hài hòa, hợp lý và khoa học thì không cần dùng. Bản chất thuốc bổ sẽ cung cấp thêm vitamin, kẽm, khoáng chất.

Trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, không thể thường xuyên thay đổi món ăn và nguồn thực phẩm, chúng ta nên sử dụng các loại multi-vitamin đa sinh tố để bổ sung chất thiếu hụt, hoặc vitamin B, C, D đều được khuyến nghị bổ sung miễn dịch cơ thể. Dù không măc COVID-19 cũng nên bổ sung multi-vitamin. Bên cạnh bổ sung vitamin, chúng ta cũng cần bổ sung kẽm, sắt, canxi. Các loại này cũng đều có thuốc bổ sung dạng uống hoặc dạng siro. Với các bạn nhỏ có thể dùng loại keo nhai.

Việc bổ sung vitamin không quy định lứa tuổi, người trẻ già đàn ông phụ nữ có thai đều sử dụng được. Nhìn chung trẻ em trong độ tuổi mầm non, trung học cơ sở, thanh niên, người trưởng thành, cụ già đều có thể bổ sung multi-vitamin trong trường hợp không có thực phẩm đầy đủ.

Thêm câu hỏi "Trên mạng có chia sẻ phương pháp xông mũi họng bằng hơi nước nóng từ tinh dầu và súc họng bằng nước muối. Hai phương pháp này có thực sự đem lại hiệu quả là diệt nCoV khi nó mới chớm xuất hiện trong cơ thể không?". BS Trần Thị Hải Ninh chia sẻ: COVID-19 vẫn là một bệnh mới, xuất hiện chưa đến 2 năm. Hiện nay chưa có công bố nào chứng minh các biện pháp như xông lá, xông tinh dầu có thể điều trị được Covid-19. Trên website của Bộ Y tế, Viện Y học Cổ truyền trung ương hoặc Cục Y dược Cổ truyền của Bộ Y tế cũng chưa công bố...

Các biện pháp dân gian này đã được sử dụng để điều trị các bệnh cảm cúm thông thường. COVID-19 dù có một số triệu chứng tương tự cúm nhưng đây là một bệnh khác biệt. Vì chưa có bằng chứng khoa học nên tôi không khuyến cáo dùng các biện pháp này để chữa COVID-19.

 Thu Trang

comment Bình luận

largeer