Chuyên gia hiến kế cách dạy học trực tuyến an toàn, hiệu quả

Hiện nay, phương thức học trực tuyến sao cho hiệu quả luôn là mối quan tâm hàng đầu đối với giáo viên, phụ huynh. Đồng thời, nhiều phương pháp dạy học được thay đổi linh hoạt để học sinh thích ứng và hứng thú với môn học. Dưới đây, các tổng chủ biên, nhà giáo, nhà tâm lý giáo dục đã chia sẻ kinh nghiệm dạy học trực tuyến (DHTT) hiệu quả để nhà trường, thầy cô cùng tham khảo.
11/09/2021 16:59

Về góc độ tâm lý, TS tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh - Tổng Giám đốc Học viện Thành Công đưa ra lời khuyên: Khi trẻ ở độ tuổi Mầm non vào lớp 1 với cách thức và phương pháp học tập khác hẳn thì việc ngay lập tức gò ép học sinh (HS) trong một khuôn mẫu mới ngay lập tức là điều khó khăn. Nếu giáo viên (GV) để áp lực dạy học đọc thông viết thạo nhanh và từ đầu cũng đồng nghĩa sẽ tạo ra áp lực lớn trong học tập với cả thầy, trò và phụ huynh.

Thời gian đầu của DHTT, nhà trường, GV nên tập trung rèn thói quen và phong cách học tập mới; đẩy mạnh cho các hoạt động vừa học vừa chơi và có sự tương tác giữa thầy cô với HS. Ví như, có thể cho HS xem video hoạt hình, học đọc theo hát a, b, c; Cho HS chơi các trò chơi để sử dụng công cụ phương tiện học tập thành thạo, an toàn…

Bên cạnh đó, khi cho trẻ học trực tuyến bố mẹ cần chuẩn bị chu đáo trong vấn đề thiết bị, máy móc. Kiểm tra thiết bị điện, đường dây máy tính, sạch điện thoại. Chủ động hoặc yêu cầu con sạc điện thoại, máy tính đầy đủ tránh vừa sạc vừa học. Nên cài phần mềm tránh spam, phần mềm bảo mật… vào điện thoại của mình để tránh con nhỡ tay bấm nhầm cũng không bị hack tài khoản...

Về phía GV, trong quá trình DHTT nên tránh áp lực học tập cho HS bằng cách không dùng hình phạt, quát nạt mà thay vào đó  là khích lệ, khuyến khích. Mọi hình thức giáo dục hà khắc đều phản tác dụng đối với HS, thậm chí khiến HS không hợp tác học tập, sẵn sàng tắt camera, mic, tìm các trò chơi khác, xem tik tok, youtube…

Đối với HS tiểu học, thời lượng học tập ra sao cho hợp lý cũng cần được GV tính đến. Theo thực tế cho thấy, DHTT từ 10 - 15 phút thì HS có thể tập trung cao; 25 phút độ tập trung giảm xuống. Vì vậy, nếu tiết học diễn ra trong 30p thì nên có hoạt động giải lao, tương tác sau đó tiếp tục quay trở lại. Không trừ trường hợp, thầy cô cũng có thể dùng thủ thuật giải vờ “thoát” khỏi room sau đó đăng nhập, điểm danh lại thì sẽ lôi kéo sự tập trung chú ý của HS nhiều hơn.

hienkehoctructuyenhieuqua

Theo PGS.TS Bùi Mạnh Hùng – Phó tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho biết: DHTT nói chung có những mặt ưu và hạn chế, đặc biệt với lớp 1 thì đây là phương án bất đắc dĩ bởi đặc thù tâm lý, lứa tuổi, đòi hỏi sự sự tương tác cao trong quá trình dạy học. Tuy nhiên trong bối cảnh dịch giã thì “học còn hơn không”. Tuy nhiên, để DHTT đạt hiệu quả ít nhiều thì giáo viên (GV) cần lưu ý một số vấn đề về kĩ thuật chung.

Trước hết, cần tiết chế làm sao để học sinh (HS) không ngồi học trước màn hình quá lâu, tránh ảnh hưởng tới mắt, sức khỏe tâm lý... Ở môn Tiếng Việt, hoạt động chủ yếu là luyện viết, luyện đọc. Dù DHTT ảnh hưởng nhiều nhưng có thể khắc phục được nhờ công nghệ và có sự phối hợp với phụ huynh (PH). GV hãy phát huy vài trò của phụ PH, trao đổi, hướng dẫn để PH có thể hỗ trợ thêm cho trẻ trong quá trình DHTT.

Mặt khác, nên tận dụng các phiên bản điện tử có ứng dụng hỗ trợ HS của các Nhà xuất bản để luyện đọc và viết cho HS ngoài thời gian DHTT với thầy cô. Đối với GV khi DHTT cần  lưu ý: Hãy thay đổi hoạt động bài dạy, không bắt HS ngồi học quá lâu. Cần tăng cường sáng tạo đa dạng, linh hoạt trong DHTT từ các thầy cô để tăng cường sự tương tác trong quá trình dạy học.

Quá trình soạn giáo án DHTT, các nội dung được thiết kế trong sách giáo khoa (SGK), GV có thể lựa chọn, giản lược. Ví như ở SGK Tiếng Việt 1 bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” thiết kế đọc, viết, nói, nghe trong một bài học nhưng GV có thể giản lược để dạy nội dung cốt lõi, cơ bản. Chỉ cần tập trung vào đọc viết còn nói và nghe trong quá trình HS nghe giảng, phát biểu cũng là quá trình rèn, luyện. Do đó, không cần tổ chức hoạt động nói và nghe theo chủ điểm trong SGK.

Một phần quan trọng trong hoạt động nói đó là rèn luyện cách giao tiếp (xin lỗi, cảm ơn, chào hỏi…) thì có thể tạm lược và để sau khi hết giãn cách HS trở lại học trực tiếp thì GV luyện bù…

Thầy Đào Chí Mạnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nội Hợp B (Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc) trao đổi: Đối với HS lớp 1 vừa chuyển từ hoạt động chơi sang học, bỡ ngỡ kĩ năng học trên mạng…, để DHTT hiệu quả không dễ dàng nhưng vẫn có thể thành công nếu GV phát huy cùng lúc nhiều yếu tố.

Trước hết, GV phải làm cho trẻ thích học. Ở tuổi nhỏ, sự tập trung của trẻ khi học chưa cao, khó duy trì lâu trạng thái học tập tại chỗ, do đó GV nên chia nhỏ bài giảng để phân bố dạy học phù hợp với đối tượng HS.

Ở phần tập viết, nên hướng dẫn cụ thể cách đưa nét bút từng âm. Để phần viết hứng thú với HS, GV có thể tăng cường các phần mềm hỗ trợ, hoặc thường xuyên khen, thưởng bằng hình thích ghi nhớ (sao hoa...) sau đó tặng quà.

Phần viết đối với HS lớp 1 đòi hỏi hướng dẫn cầu kỳ, tỉ mỉ nên giai đoạn này không thể đặt kỳ vọng quá lớn hoặc đòi hỏi HS hoàn thành như dạy học trực tiếp.

GV nên hướng dẫn kinh nghiệm dạy học cho bố mẹ bởi họ chính là thầy cô của trẻ khi ở nhà và hỗ trợ đắc lực cho GV trong DHTT. Có thể “tận dụng”, kéo phụ huynh vào cuộc, biến họ thành những trợ giảng thì DHTT vô hình chung sẽ có thêm thêm hàng chục GV trợ giảng tại gia đình…

Thu Trang

comment Bình luận

largeer