Chuyên gia y tế Việt Nam đề xuất phương án xây dựng bệnh viện dã chiến tại Savannakhet - Lào

Qua khảo sát thực tiễn, các chuyên gia của đoàn công tác Bộ Y tế đã kịp thời đề xuất các phương án hỗ trợ tỉnh Savannakhet - Lào xây dựng các bệnh viện dã chiến phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại địa phương.
20/05/2021 15:44

Tiếp tục chương trình công tác tại tỉnh Savannakhet (Lào), trong các ngày 18-19/5, Đoàn chuyên gia y tế Việt Nam đã khảo sát tại Bệnh viện dã chiến, Bệnh viện phục hồi chức năng của tỉnh, Bệnh viện huyện Outhoumphone, các khu cách ly tập trung tại trường Phonsavang và Hua Muang Nưa để kịp thời đề xuất các phương án hỗ trợ tỉnh Savannakhet xây dựng bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 tại địa phương này.

Đoàn đã khảo sát 2 địa điểm mà Bệnh viện tỉnh Savannakhet dự kiến triển khai bệnh viện dã chiến, trong đó cơ sở 1 xây dựng tại trường Cao đẳng Y tế, cơ sở 2 tại trường dạy nghề cũ.

Empty

Chuyên gia y tế Việt Nam khảo sát xây dựng bệnh viện dã chiến tại Savannakhet (Ảnh: Đoàn công tác y tế Việt Nam gửi về từ Lào)

Căn cứ vào đặc điểm tình hình thực tế, Đoàn chuyên gia y tế Việt Nam đề xuất các bệnh viện này có thể thu dung các bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, nhưng không đảm bảo để điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nặng.

Đoàn chuyên gia đề xuất địa phương cần tăng cường thêm nguồn nhân lực nhất là khi số lượng bệnh nhân tăng lên; tập huấn, đào tạo cho nhân viên y tế về điều trị và cấp cứu bệnh nhân COVID-19. Tại mỗi Bệnh viện dã chiến cần có phòng cấp cứu riêng, có đầy đủ máy móc trang thiết bị y tế, dụng cụ cấp cứu, hệ thống oxy, máy sốc điện, dụng cụ đặt nội khí quản.

Cần trang bị tủ thuốc cho điều trị bệnh nhân COVID-19 và thuốc cấp cứu. Bên cạnh đó, cần trang bị máy móc xét nghiệm cơ bản để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 như: công thức máu, đông máu có D-dimer, sinh hóa máu đầy đủ có CRPhs, Pro-calcitonin, khí máu động mạch...

Về vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện dã chiến, Đoàn chuyên gia y tế đề xuất cần bố trí thêm các thùng chứa, túi chứa rác thải lây nhiễm tại vị trí rửa tay, các thùng phải có nắp đậy. Cần có nội quy cho bệnh nhân vào viện, tránh tình trạng đi lại tự do giữa các phòng, các tầng.

Đối với xử lý nước thải lây nhiễm: Cần phải xây dựng bể chứa và thu gom tất cả nước thải của khu vực bệnh nhân covid sau đó xử lý bằng Cloramin B trước khi cho vào bể chứa ngấm vào đất. Tính toán lượng Cloramin B sao cho bể chứa 0,05% Cloramin B cho mỗi lần xử lý…

Tại bệnh viện Phục hồi chức năng (PHCN), nơi đã ngưng hoạt động từ trước đợt giãn cách xã hội, Đoàn chuyên gia đề xuất khi số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 tăng cao, bệnh viện PHCN có thể cải tạo lại thành bệnh viện dã chiến điều trị ca bệnh nhẹ, không có triệu chứng; hoặc có thể thiết lập thành cơ sở điều trị bệnh nhân nặng số 2.

“Điều quan trọng là đảm bảo thiết bị cũng như chuẩn bị ekip bác sỹ, điều dưỡng được huấn luyện các kỹ thuật cấp cứu cơ bản, đặt nội khí quản, điều trị bệnh nhân COVID-19. Khi bệnh diễn tiến nặng, rất cần nhân sự có kinh nghiệm hồi sức cấp cứu, điều trị bệnh nặng để kịp thời đáp ứng”, TS.BS Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế, trưởng đoàn chuyên gia Việt Nam nói.

Cơ sở y tế thứ 4 được Đoàn chuyên gia y tế Việt Nam khảo sát là bệnh viện huyện Outhoumphone. Đoàn chuyên gia nhận thấy, trong 4 cơ sở được khảo sát, bệnh viện huyện Outhoumphone là cơ sở phù hợp nhất cho điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là bệnh nhân COVID-19 nặng khi được thiết lập lại các phòng chức năng và trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế. Bệnh viện huyện có sẵn phòng mổ cấp cứu và mổ đẻ cho những trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng.

Ngoài những lợi thế sẵn có của bệnh viện huyện Outhoumphone, Đoàn chuyên gia y tế Việt Nam cũng chỉ ra những vấn đề cần khắc phục ngay đối với bệnh viện, đó là nhân lực chưa được tập huấn về chuyên ngành hồi sức và cấp cứu, đặc biệt là trang bị kỹ năng về cấp cứu, điều trị bệnh nhân COVID-19.

Trang thiết bị còn thiếu, số lượng máy truyền dịch, bơm tiêm điện hạn chế; khu hồi sức không có các trang thiết bị nâng cao như: catheter trung tâm, theo dõi huyết áp xâm lấn, lọc máu, tim phổi nhân tạo (ECMO)...

Đoàn đề xuất bệnh viện cần tăng cường nguồn nhân lực và sắp xếp lịch làm việc khi cơ sở được lựa chọn để điều trị bệnh nhân COVID-19. Trong đó, nguồn nhân lực cần được chia ra và có kế hoạch nghỉ ngơi, cách ly phù hợp khi có dịch; Cần xây dựng các đề án đưa bác sĩ tuyến trung ương về địa phương, hoặc đào tạo các chương trình chuyên khoa tại chỗ.

Empty

Chuyên gia y tế Việt Nam khảo sát xây dựng bệnh viện dã chiến tại Savannakhet (Ảnh: Đoàn công tác y tế Việt Nam gửi về từ Lào)

Có chính sách đối với các bác sĩ về làm việc tại các vùng hẻo lánh, vùng xâu và xa và bác sĩ chống dịch. Mở các lớp tập huấn ngắn hạn về điều trị COVID-19, cấp cứu và hồi sức cho bệnh nhân COVID-19 cho bác sĩ tại tỉnh...

Đoàn công tác cũng đã khảo sát tại khu cách ly tập trung Hua Muang Nưa và khu cách ly tập trung tại trường Phonsavang để đánh giá những bất cập và kịp thời đề xuất các giải pháp hỗ trợ. Đoàn công tác đề nghị địa phương cần tăng cường giám sát quản lý các đối tượng tại khu cách ly, không cho đi giao lưu, tụ tập đông người trong khu cách ly. Bố trí dải phân cách cứng, mềm để khoanh vùng cách ly.

Bố trí lại khu vực ở của nhân viên y tế, không cho người đang cách ly tự do đi ra cổng để gặp người thân và nhận đồ ăn tại cổng khu vực cách ly. Tại mỗi phân khu cách ly cần bố trí khu vực riêng để đặt các suất ăn, các bình nước uống đã qua sử dụng, cần bố trí đủ nhân lực y tế để phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống dịch.

Thái Bình-Phạm Hằng

comment Bình luận

largeer