Cỏ tâm giác điều trị rong kinh, lao thận, mờ mắt do nóng gan

Cỏ tâm giác có tên khoa học là Capsella bursa – pastoris, thuộc họ cải và phân bố ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở những nước có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt. Ở nước ta, loài cây này mọc nhiều ở các tỉnh phía Bắc.
11/12/2023 16:38

Cỏ tâm giác – loại rau điều trị mờ mắt do nóng gan

Cỏ tâm giác có tác dụng thanh nhiệt, minh mục (sáng mắt), tiêu viêm. Chính vì thế, y học cổ truyền có bài thuốc điều trị nóng gan mờ mắt từ cỏ tâm giác rất hay, đó là hái rau tươi nấu cháo ăn hàng ngày. Món này có tác dụng bổ gan, ăn dần sẽ giúp sáng mắt.

Được biết, đây cũng là loại rau tốt cho những bệnh nhân đang mắc các bệnh về thần kinh.

Cỏ tâm giác (tề thái). Ảnh: Caythuoc.org

Cỏ tâm giác (tề thái). Ảnh: Caythuoc.org

Công dụng làm thuốc của cỏ tâm giác

Khi dùng làm thuốc, ta nhổ cả cây cỏ tâm giác, rửa sạch rồi phơi khô. Theo y học cổ truyền, cỏ tâm giác có vị ngọt dịu, tính bình và có nhiều công dụng như:

- Giúp lợi niệu, tan sỏi.

- Giúp thanh nhiệt.

- Giúp sáng mắt, điều trị mắt đỏ sưng đau.

- Giúp điều hòa kinh nguyệt.

- Điều trị cảm mạo phát sốt.

- Hạ huyết áp, điều trị huyết áp cao.

- Điều trị sởi.

- Điều trị viêm ruột.

- Điều trị sỏi ở niệu đạo, thận và bàng quang.

- Điều trị tiểu ra dưỡng trấp, tiểu ra máu.

- Giúp cầm máu, điều trị thổ huyết.

- Điều trị băng huyết, kinh nguyệt quá nhiều.

Cách dùng: Mỗi ngày, lấy từ 6 – 12g toàn cây, lấy nước uống (tùy trường hợp có thể tăng đến 60g theo chỉ định của thầy thuốc). Riêng với mụn nhọt và bệnh trĩ thì ta có thể hái cây tươi, rửa sạch, giã nát rồi đắp lên.

Các bài thuốc thường dùng có vị cỏ tâm giác

Ngoài cách dùng chung vừa nêu trên thì tùy từng trường hợp cụ thể, cỏ tâm giác còn được dùng theo cách thức riêng hoặc kết hợp với các loại thảo dược khác nhằm mang lại hiệu quả điều trị cao hơn.

Điều trị rong kinh

Chuẩn bị: Một nắm rau tươi.

Thực hiện: Rửa sạch, xắt nhỏ rồi cho vào nồi nấu với một chén nước, để sôi vài phút rồi tắt và cứ 2 tiếng thì uống một tách nhỏ (tách uống trà), uống liên tục như thế. Thông thường, sau 2 ngày thì sẽ cầm máu được.

Điều trị tiểu ra dưỡng trấp

Chuẩn bị: Rễ cây cỏ tâm giác (120g).

Thực hiện: Xắt nhỏ ra rồi nấu lấy nước uống (uống liên tục từ 1 đến 3 tháng thì sẽ thấy hiệu quả).

Điều trị lao thận

Chuẩn bị: Cỏ tâm giác (30g).

Thực hiện: Xắt nhỏ, cho vào ấm rồi nấu sôi với 3 chén nước, nấu cho đến khi nước rút lại 1 chén thì cho thêm một quả trứng vào và uống.

Điều trị lỵ mạn tính

Chuẩn bị: Hoa của cây cỏ tâm giác (lượng vừa đủ tùy theo số lần muốn dùng).

Thực hiện: Lấy hoa sấy khô, sau đó nghiền thành bột mịn và để dùng dần. Mỗi lần dùng, lấy 8g bột ấy hòa với nước cơm rồi uống.

Các nghiên cứu về tác dụng cầm máu của cỏ tâm giác

Theo một kết quả nghiên cứu được thực hiện tại bệnh viện Afzalipour (Kerman) vào năm 2015 (trên 100 đối tượng phù hợp tiêu chí nghiên cứu) thì trong cỏ tâm giác có một số hoạt chất giúp giảm tình trạng băng huyết sau sinh (theo Tạp chí The Journal of Alternative and Complementary Medicine).

Bên cạnh đó, một kết quả nghiên cứu khác đăng trên tạp chí trên cũng cho thấy chiết xuất từ cỏ tâm giác có tác dụng cầm máu đáng kể, giúp giảm tình trạng xuất huyết ở những người bị chảy máu kinh nguyệt quá nhiều (thực nghiệm lâm sàng có đối chứng).

Các kết quả trên cho chúng ta thêm bằng chứng khoa học về việc dân gian đã dùng loại thảo dược này để cầm máu trong trường hợp băng huyết và kinh nguyệt quá nhiều (như đã đề cập ở trên).

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer