Công dụng làm thuốc của cây lục thảo và lục thảo thưa

Nhờ có kiểu lá đẹp, ít sâu bệnh, dễ chăm sóc mà cây lục thảo thường được trồng làm cảnh (trong chậu trước nhà, trên bàn làm việc hoặc treo lên hiên). Tuy nhiên, ít ai biết rằng, cây lục thảo cũng có công dụng làm thuốc và rễ của nó là vị thuốc điều trị ho, mất tiếng rất hay.
12/09/2023 16:01

Vài nét về cây lục thảo (lan bò lan)

Cây lục thảo có tên khoa học là Chlorophytum comosum. Trong dân gian, cây còn được gọi là lan bò lan, cỏ điếu lan, cỏ mẫu tử, lục thảo trổ…

Đặc điểm:

- Thân cây thuộc dạng thân hành.

- Lá hình dải dài, có màu xanh lục nhạt và có các đường sọc trắng chạy dài (xen lẫn với màu xanh).

- Hoa có màu trắng và mọc thành chùm trên một cán hoa dài (nên cụm hoa hay thòng xuống) và trên ngọn cán hoa còn có cả cây con (bởi loài này sinh sản theo kiểu truyền thể).

- Rễ dạng sợi nạc màu trắng.

Các giống loại:

Theo trang wikipedia, cây lục thảo có 2 giống thường thấy là Chlorophytum comosum ‘Vittatum’ (sọc giữa màu trắng, hai bên mép lá sọc xanh) và Chlorophytum comosum ‘Variegatum’ (sọc giữa màu xanh, hai bên mép sọc trắng). Riêng loại thứ 2 dễ bị nhầm với cỏ lan chi Chlorophytum bichetii (vì cây lan chi cũng có màu xanh bóng ở giữa và 2 dải màu trắng dọc hai bên mép lá).

Cây lục thảo. Ảnh: Caythuoc.org

Cây lục thảo. Ảnh: Caythuoc.org

Công dụng làm thuốc của cây lục thảo

Toàn cây lục thảo đều có thể dùng làm thuốc bằng cách phơi khô rồi để dùng dần. Theo y học cổ truyền, lục thảo có vị ngọt đắng, tính bình và có các công dụng như:

- Làm tan đàm, giảm ho, điều trị khan tiếng, ho nhiều đờm.

- Điều trị nôn ra máu.

- Hoạt huyết, tiếp cốt.

- Giải độc, tiêu thũng.

- Điều trị sốt cao ở trẻ nhỏ.

Cách dùng: Sắc lấy nước uống từ 15 – 30g toàn cây mỗi ngày.

Riêng với trường hợp ho, tắt tiếng, bạn có thể dùng rễ cây lục thảo (dùng tươi, khoảng 35g), nấu cùng 30g đường kính rồi chắt lấy nước uống.

Với trường hợp đòn ngã tổn thương, bạn có thể lấy toàn cây lục thảo tươi (khoảng 15g), nấu lấy nước uống. Sau đó, bạn lấy một ít lá tươi, hâm nóng với rượu rồi giã nát, đắp lên vết thương (chỗ bầm tím sưng đau).

Dùng ngoài da: Lấy toàn cây tươi, rửa sạch, giã nát rồi thoa đắp lên vùng da bị nhọt hoặc viêm mủ.

Phân biệt cây lục thảo với lục thảo thưa

Cây lục thảo hay bị nhầm với cây lục thảo thưa (có tên khoa học là Chlorophytum laxum).

Phân biệt:

- Lá cây lục thảo thưa rộng không quá 1cm (trong khi lá cây lục thảo lớn hơn, bề rộng khoảng 2cm).

- Hoa cây lục thảo thưa có màu tím nhạt hoặc xanh lam, quả có 3 cạnh và không có cây con trên nhánh hoa (trong khi hoa cây lục thảo có màu trắng và có các cây con trên cán hoa).

Công dụng: Toàn cây lục thảo thưa có vị đắng nhẹ, tính mát và được dùng làm thuốc thanh nhiệt, giải độc, giảm đau, tiêu thũng (sắc lấy nước uống từ 15 – 30g mỗi ngày).

Lưu ý: Cây lục thảo thưa cũng khác với cây lan chi (Chlorophytum bichetii).

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer