Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum đầu tư đất trồng sâm Ngọc Linh

“Ở một nơi được xác định là vùng trọng điểm trồng dược liệu mà lại không có một đơn vị sản xuất giống nào thì làm sao phát triển được, làm sao mà người dân thoát nghèo được trong mùa dịch bệnh COVID-19 kéo dài?”, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đặt câu hỏi tại buổi làm việc với xã Văn Xuôi, huyện Tu Mơ Rông cuối tháng 9/2021.
31/10/2021 14:10

Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

Năm 2018, HĐND tỉnh khóa XI ra Nghị quyết về Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; trong đó mục tiêu nâng từ 2.000ha dược liệu năm 2020 lên 25.000ha dược liệu vào năm 2030.

Riêng Tu Mơ Rông, mục tiêu của huyện là đến năm 2025 trồng được 5.062ha cây dược liệu; trong đó, có khoảng 3.000ha sâm Ngọc Linh, còn lại là diện tích các loại dược liệu khác như đảng sâm (sâm dây), sơn tra, ngũ vị tử, đương quy, sa nhân tím,… Tuy nhiên, đến nay, toàn huyện mới chỉ trồng được trên 1.100ha sâm Ngọc Linh, chủ yếu là của các doanh nghiệp và 1.050ha các loại dược liệu khác. Điều này cho thấy, việc phát triển dược liệu tại Tu Mơ Rông vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Theo ông Nguyễn Tấn Liêm - Giám đốc Sở NN&PTNT, qua 3 năm triển khai Đề án phát triển dược liệu, huyện Tu Mơ Rông đã bộc lộ một số hạn chế, như nhận thức của người dân về trồng dược liệu chưa cao, sản xuất còn phụ thuộc vào các chính sách của chính quyền địa phương, tư duy phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa chưa đạt. Bên cạnh đó, việc quy hoạch, tổ chức sản xuất hàng hóa chưa rõ ràng, không định hình được vùng sản xuất hàng hóa; chưa có hệ thống tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị; nguồn lực đầu tư chưa tương xứng, việc thu hút các nguồn lực đầu tư chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

1

Lấy ví dụ cụ thể cho việc chưa tạo ra được chuỗi liên kết, ông Nguyễn Tấn Liêm cho rằng, qua khảo sát, ngành Nông nghiệp nhận thấy một số nơi, nông dân không dám trồng dược liệu vì lo sợ không bán được, còn doanh nghiệp đến thì người dân trồng nhỏ lẻ, quá ít nên không thể thu mua. Ngoài ra, cơ chế hỗ trợ cho người dân trồng dược liệu chưa cao, bởi để đầu tư bài bản đối với đảng sâm thì năm đầu khoảng 100 triệu đồng/ha, đến năm hai cần ít nhất 300 triệu đồng, thì khi đó mới có lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/ha, song người dân thì nghèo, địa phương còn nhiều khó khăn nên chưa thể phát triển mạnh.

Một vấn đề khác là đến nay, huyện Tu Mơ Rông vẫn chưa có một đơn vị sản xuất giống dược liệu đạt chất lượng cao. Đa số người dân đều tự tìm tòi, nghiên cứu các loại giống bán trên thị trường, mua về để sản xuất. Điều này khiến chất lượng giống không đồng đều, nguy cơ gây thiệt hại lớn, người nông dân sẽ không còn mặn mà với việc trồng dược liệu. Trong khi đó, phần lớn người dân trên địa bàn huyện là đồng bào DTTS, nhận thức còn hạn chế, khả năng tiếp cận thông tin đại chúng không cao.

Đơn cử tại xã Văn Xuôi - xã nghèo nhất của huyện Tu Mơ Rông, 98% dân số là đồng bào DTTS - trong năm 2021, huyện giao trồng 10ha đảng sâm, song đến hết tháng 9/2021, do thiếu giống, địa phương này mới chỉ trồng được 1,1ha; toàn xã mới có khoảng 3.600 cây sâm Ngọc Linh.

“Ở một nơi được xác định là vùng trọng điểm trồng dược liệu mà lại không có một đơn vị sản xuất giống nào thì làm sao phát triển được, làm sao mà người dân thoát nghèo được trong mùa dịch bệnh COVID-19 kéo dài?”, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đặt câu hỏi tại buổi làm việc với xã Văn Xuôi, huyện Tu Mơ Rông cuối tháng 9/2021.

Cần khắc phục tồn tại, phát huy giá trị dược liệu

Theo ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, qua các nghiên cứu, sâm Ngọc Linh có hàm lượng các chất saponin cao hơn nhiều lần so với các loại sâm trên thế giới; trong khi đó, đảng sâm được trồng tại Tu Mơ Rông cũng có hàm lượng các chất saponin cao hơn từ 2 - 3 lần so với được trồng tại các tỉnh phía Bắc của nước ta như Sơn La. Đây là giá trị không thể thay thế mà các loại dược liệu tại Tu Mơ Rông mang lại.

Nắm rõ được những lợi thế của vùng đất Tu Mơ Rông, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum đã đầu tư và phát triển khoảng 700ha diện tích sâm Ngọc Linh tại huyện. Trước những khó khăn, tồn tại trong phát triển dược liệu của địa phương, ông Trần Hoàn - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum cho biết, nếu được ngành Nông nghiệp tỉnh Kon Tum đồng ý, đơn vị này sẵn sàng thành lập một trung tâm sản xuất giống đảng sâm tại huyện và hỗ trợ giống cho bà con.

“Nếu đúng là đảng sâm trồng tại Tu Mơ Rông, Công ty sẽ thu mua toàn bộ với giá cao hơn 20% so với thị trường. Tuy nhiên, huyện cần phải đăng ký trước sản lượng để đơn vị có kế hoạch thu mua. Ngoài ra, với diện tích rộng lớn, chính quyền địa phương nên phát triển thêm các loại dược liệu khác như tam thất, bởi hiện nay chúng tôi nhận thấy tam thất Vân Nam (Trung Quốc) đang cung cấp cho nhiều nơi trên thế giới, mang về lợi nhuận lớn, đây cũng là hướng đi khá tiềm năng để thoát nghèo, đơn vị cũng sẽ cam kết thu mua” - ông Trần Hoàn chia sẻ.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cho rằng, song song với sự hỗ trợ của các công ty, doanh nghiệp, chính quyền huyện Tu Mơ Rông cần phát huy vai trò của các hợp tác xã kiểu mới trong phát triển dược liệu. Nếu mỗi xã không thể thành lập được một hợp tác xã sản xuất và cung cấp giống sâm dây, đề nghị Sở NN&PTNT cùng với UBND huyện thành lập một hợp tác xã cung cấp giống chung cho người dân trong một cụm khoảng 3 - 4 xã.

“Đối với các xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọk Lây, là những vùng có nhiều sâm Ngọc Linh và đảng sâm, thì đến cuối năm 2021, phải có hợp tác xã dược liệu, vừa cung cấp giống và trồng sâm, có hệ thống tổ chức bài bản, làm việc hiệu quả. Riêng đối với Văn Xuôi - xã nghèo nhất của huyện Tu Mơ Rông, thì nghiên cứu, nếu được thì mỗi năm trồng 20.000 cây sâm Ngọc Linh mới, đặt mục tiêu thoát nghèo được 15%/năm” - Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nhấn mạnh.

Đặc biệt, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, cán bộ cấp huyện phải thường xuyên xuống xã, xuống làng, với tần suất một lần/tháng; cán bộ xã một lần/tuần phải xuống làng, xuống hộ và ra rẫy, ra vườn của bà con đồng bào DTTS để hướng dẫn bà con cách làm, phát triển dược liệu. Có như vậy, người dân mới hiểu được giá trị kinh tế của các loại dược liệu, phát triển diện tích, với lợi nhuận khoảng 100 triệu/ha/năm như trồng đảng sâm, đời sống của bà con sẽ thoát nghèo, huyện Tu Mơ Rông sẽ không còn nằm trong danh sách hưởng Chương trình 30a của Chính phủ.

Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, huyện Tu Mơ Rông cần sớm khắc phục những khó khăn, phát huy tối đa nội lực, thúc đẩy phát triển dược liệu, đưa đời sống của bà con nhân dân đi lên, xứng với tiềm năng. 

* "Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"      

Dư Toán

comment Bình luận

largeer