Công ty Việt Á thu lợi ra sao khi nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 trong thời gian dài?

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Việt Á do Phan Quốc Việt thành lập, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật, cùng CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan.
19/12/2021 18:05

Cụ thể, vào đầu năm 2020, Bộ Khoa học và công nghệ phê duyệt đề tài "Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm real-time PT-PCR và RT PCR phát hiện virus Corona chủng mới nCoV" do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) thực hiện. Tháng 3/2020, Hội đồng khoa học và công nghệ cấp quốc gia thông qua kết quả nghiên cứu chế tạo và kiến nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng bộ kit Real-time RT-PCR one step (test COVID). Đến tháng 04/2020 Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm Kit xét nghiệm COVID. 

Tuy nhiên, để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt - Tổng Giám đốc Công ty Việt Á và các đối tượng liên quan đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/Kít. Thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo Bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.

Ông Phan Quốc Việt - Tổng Giám đốc Việt Công ty Việt Á. Ảnh: Vietacorp

Ông Phan Quốc Việt - Tổng Giám đốc Việt Công ty Việt Á. Ảnh: Vietacorp

Đến nay, bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán Kit xét nghiệm COVID cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỉ đồng. Phan Quốc Việt đã chi tiền % ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến - Giám đốc CDC Hải Dương số tiền gần 30 tỉ đồng. 

Cùng với đó, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành khám xét khẩn cấp 16 địa điểm tại 8 địa phương (Hà Nội, TP.HCM, Hải Dương, Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Nghệ An) và triệu tập ghi lời khai trên 30 người có liên quan.

Tổng từ thời điểm cấp phép đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng Kit xét nghiệm COVID cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.

Bộ Y tế thông tin về giá xét nghiệm COVID-19 hiện nay

Ngày 29/9/2021, sau khi có nhiều ý kiến phản ánh về giá xét nghiệm COVID-19 đang ở mức cao. Bộ Y tế đã cung cấp một số thông tin về giá xét nghiệm, theo đó, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị y tế công lập thực hiện xét nghiệm điều chỉnh giá xét nghiệm theo từng giai đoạn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ở thời điểm năm 2020 khi dịch bệnh trên thế giới có diễn biến phức tạp ở nhiều nước, nguồn cung và chủng loại các loại test xét nghiệm COVID rất hạn chế, nhu cầu ở thị trường các nước rất lớn khiến cho giá các loại test xét nghiệm còn ở mức cao (test xét nghiệm khoảng 200.000đồng/test, test Real-time PCR gần 1.000.000đồng/test), Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ đưa ra hướng dẫn về giá xét nghiệm test nhanh là 238.000 đồng/1 mẫu nghiệm, test Real-time PCR là 734.000 đồng/1 mẫu nghiệm. Mức giá này được áp dụng cho tới trước ngày 01/7/2021, được đề xuất trên cơ sở các quy định tại Thông tư số 14/2019/TT-BYT ngày 05/7/2019 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 37/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh trong một số trường hợp.

Từ ngày 01/7/2021: Đối với test nhanh, do nhiều công ty nhập test và trong nước cũng đã sản xuất được test xét nghiệm nên dải giá test rất khác nhau, Bộ Y tế đã có yêu cầu thực hiện thực thanh thực chi: thanh toán theo kết quả đấu thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật đấu thầu.

Bên cạnh đó, với hình thức gộp mẫu nhằm đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, cũng như tiết kiệm chi phí, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn về mức giá của gộp mẫu, cụ thể: Mức giá của việc lấy và bảo quản bệnh phẩm: 100.000 đồng/mẫu. Ví dụ: mức giá việc thực hiện xét nghiệm bằng 634.000 đồng chia cho số mẫu gộp. (nếu gộp 5 mẫu vào 1 xét nghiệm thì chia 5, gộp 10 mẫu thì chia 10...).

Hiện nay, Bộ Y tế đã hoàn thiện các loại định mức xét nghiệm và đã dự thảo Thông tư về mức giá xét nghiệm xin ý kiến các Bộ, đơn vị để ban hành. Đồng thời, Bộ Y tế đang tổng hợp ý kiến để đề nghị đưa test xét nghiệm COVID-19 vào mặt hàng bình ổn giá do chưa được quy định trong luật.

Liên quan vụ việc Công ty Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19, các địa phương trả lời ra sao?

Như Báo Lao động đã đăng tải vào ngày 19/12, sau khi trao đổi với Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế TP Cần Thơ, ghi nhận thông tin, đơn vị không có liên quan đến vụ việc xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á). Đồng thời, UBND TP. Cần Thơ đã giao cho Sở Y tế tổng hợp báo cáo chung về vấn đề mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư, sinh phẩm phục vụ cho công tác phòng chống dịch COVID-19. 

Tại Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, vào thời điểm đầu năm 2020 có mua kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) nhưng với số lượng ít, không đáng kể và Sở này cũng khẳng định không khuất tất liên quan đến vấn đề này.

Còn ở Bình Dương, là tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh COVID-19 phải mua sắm rất nhiều vật tư phòng chống dịch. Sở Y tế Bình Dương cho biết có mua test COVID-19 của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) với số lượng ít trong giai đoạn đầu và không liên quan đến việc nâng khống giá. Với cụ việc này, Sở sẽ rà soát lại quá trình mua sắm và số liệu cụ thể về việc mua sắm với Công ty Việt Á.

Thu Trang (Tổng hợp)

comment Bình luận

largeer